| Hotline: 0983.970.780

Ths. Nguyễn Hữu Thiện: ĐBSCL đang bị chìm rất nhanh!

Thứ Sáu 29/09/2017 , 08:23 (GMT+7)

ĐBSCL hiện đang đối diện với 3 thách thức chính về BĐKH, những vấn đề phát triển thiếu bền vững và tác động của thủy điện Mekong. 

Đặc biệt tác động đáng lo ngại và cấp bách nhất là sự sụt lún đất khiến đồng bằng đang bị chìm rất nhanh, đến 10 lần so với nước biển dâng. NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL.

 

11-15-58_nh_1_-_ong_nguyen_huu_thien_-_chuyen_gi_nghien_cuu_doc_lp_sinh_thi_dbscl
ThS Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL


Lún sâu 18 cm, sạt lở gần 900 km

ĐBSCL đang đối mặt với tình hình BĐKH với kịch bản có thể xảy ra những tác động kép, nhiều mối nguy. Theo ông đâu là hiểm họa lớn nhất?

Trước mắt là vấn đề về phát triển thiếu bền vững, trong đó gồm có việc sụt lún với tốc độ trung bình 18cm trên toàn đồng bằng trong 25 năm (1991-2016) do sử dụng nước ngầm quá mức. Sạt lở càng về sau càng dữ dội hơn. Đến hơn một nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL đang bị sạt lở. Tổng sạt lở bờ sông, bờ biển lên đến 891km. Nguyên nhân chính của sự sạt lở do thiếu phù sa mịn và thiếu cát; ô nhiễm nước do sông ngòi phải gánh nhiều nguồn chất thải không qua xử lý từ nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, thủy sản, công nghiệp và một lượng lớn phân bón thuốc trừ sâu từ nông nghiệp thâm canh ba vụ lúa liên tục trong nhiều năm.

Kế tiếp tác động của thủy điện Mekong. Hiện nay lượng phù sa mịn đã giảm 50% từ 160 triệu tấn còn 83 triệu tấn. Dự báo sau khi 11 đập thủy điện ở hạ lưu vực hoàn thành, phù sa mịn sẽ giảm 50% một lần nữa và 100% cát, sỏi sẽ bị chặn lại. Trong ba thách thức nói trên thì tác động của thủy điện là lâu dài, nghiêm trọng, và khó khắc phục nhất vì khi thiếu phù sa và cát, đất đai sẽ bị bạc màu và sạt lở bờ sông, bờ biển sẽ gia tăng.

Ông nói nếu không giải quyết sớm vấn đề sụt lún thì đồng bằng sẽ dần bị nhấn chìm, vậy cần làm những gì để ứng phó?

Báo cáo nghiên cứu của các chuyên gia Hà Lan đã chỉ rõ, nguyên nhân số 1 của sụt lún ở ĐBSCL là do khai thác nước ngầm quá mức. Như vậy, để giải quyết vấn đề sụt lún sẽ không có biện pháp công trình nào có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề.

ĐBSCL được mệnh danh là một vùng sông nước trù phú trái ngọt quanh năm, với lượng nước rất dồi dào. Với tổng lưu lượng dòng chảy sông Mekong mỗi năm đến 475 tỷ m3, còn lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL là khoảng 1.400 đến 2.000 mm/năm thì có thể nói rằng chúng ta ở một trong những nơi có lượng nước dồi dào nhất thế giới. Ấy vậy mà chúng ta không sử dụng được nước sông ngòi mà phụ thuộc vào nước ngầm là vì ngày nay sông ngòi quá ô nhiễm từ nhiều nguồn, trong đó có phần lớn từ nguồn công nghiệp và phân bón, nông dược từ nông nghiệp thâm canh.

Để giảm sụt lún cho ĐBSCL, cách duy nhất là phải giảm sử dụng nước ngầm. Muốn giảm sử dụng nước ngầm thì lời giải lại nằm ở nước mặt, tức là phải giảm ô nhiễm, phục hồi sông rạch lại, không để sông rạch tiếp tục gánh quá nhiều ô nhiễm như hiện nay. Muốn phục hồi sông rạch thì cần xử lý ô nhiễm trước khi thải ra sông. Về công nghiệp ở ĐBSCL cần phải tránh những ngành công nghiệp gây ô nhiễm và những công nghệ lạc hậu. Công nghiệp ở ĐBSCL chỉ nên là những công nghiệp ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ chế biến hỗ trợ cho nông nghiệp.

17-03-23_dp_de_chong_hn_mn_o_kien_ging_-_nh_le_hong_vu_1
Đắp đê chống hạn mặn ở Kiên Giang

Về nông nghiệp, nên thay đổi tư duy từ “tăng gia sản xuất” chỉ chú trọng sản lượng như hiện nay sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, chú trọng chất lượng. 

Đối với vùng ven biển thường xuyên chịu áp lực nước biển dâng thì sao thưa ông?

Những vùng này nên chuyển đổi hệ thống canh tác nông nghiệp sang thích ứng với nước lợ, nước mặn để giảm sự phụ thuộc vào nước ngầm. Còn lại nhu cầu nước ngọt cho sinh hoạt sẽ nhỏ hơn và dễ đáp ứng hơn bằng cách khác, ví dụ trữ nước mưa và dùng công nghệ xử lý nước biển. Hiện nay có những công nghệ xử lý nước biển cấp nước sinh hoạt không quá đắt đỏ.

Có nhiều ý kiến cho rằng phải đắp đê ngăn mặn, trữ ngọt để đáp ứng nhu cầu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất vùng ven biển. Nhưng thực tế cho thấy khi đắp đê ngăn mặn thì sông ngòi bị tích tụ ô nhiễm, nước cũng không sử dụng được cho sinh hoạt và người dân vẫn phải sử dụng nước ngầm.
 

Hãy thuận theo tự nhiên

Vậy liệu rằng các giải pháp, chính sách đưa ra hôm nay có theo kịp, thích ứng trong điều kiện thực tế và các kịch bản BĐKH đã đưa ra không?

Hội nghị “Về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì có 2 tư duy đột phá quan trọng là tư duy thích ứng thuận theo tự nhiên, tức là không chống lại những quy luật tự nhiên và tư duy về quy hoạch tích hợp tổng thể toàn đồng bằng.

Thuận theo tự nhiên là một thái độ rất đúng đắn bởi vì cách làm duy ý chí, chống lại quy luật tự nhiên, nhất là bằng các biện pháp công trình lớn, thường không hiệu quả và phải trả giá đắt về sau. ĐBSCL có những đặc điểm đặc thù, cần phải được hiểu để thích ứng phù hợp chứ không nên chống lại. Hành động thích ứng có thể đúng, có thể sai. Nếu hành động sai thì vừa tốn kém, không hiệu quả mà cái giá phải trả cho sai lầm sẽ rất đắt.

Còn về tư duy quy hoạch tích hợp mang tính không gian khu vực của hội nghị lần này là bước tiến quan trọng, là tư duy hiện đại của quốc tế. Cách làm cũ là cách làm cục bộ theo địa phương và theo ngành, có nghĩa là địa phương nào biết địa phương đó và không biết tác động đến các địa phương khác và ngành nào biết ngành đó, không biết tác động đến ngành khác. 

11-15-58_nh_2_-_bdkh_gy_st_lo_dt_bo_song_o_dbscl_ngy_cng_nghiem_trong
ĐBSCL đang đối diện với nhiều thách thức do BĐKH gây ra (Trong ảnh: Sạt lở đất bờ sông Hậu tại An Giang)

Ví dụ từ trước đến nay, ngành giao thông quy hoạch hệ thống đường, ngành thủy lợi quy hoạch hệ thống thủy lợi riêng cho mình, ngành công nghiệp quy hoạch công nghiệp riêng, ngành nông nghiệp quy hoạch riêng. Kết quả là ĐBSCL có đến 2.500 bản quy hoạch, rất lộn xộn, không tương thích với nhau và nhiều chồng chéo, mâu thuẫn.

Với tư duy mới này, việc quy hoạch tích hợp sẽ giải quyết được những vấn đề chung mang tính liên tỉnh, liên khu vực vượt ngoài ranh giới hành chính của một địa phương mà mỗi tỉnh không tự mình giải quyết được. 

Ngoài ra, quy hoạch tích hợp này sẽ không phải là một bản quy hoạch cứng nhắc với những chỉ tiêu cứng nhắc như cách làm quy hoạch hiện nay mà nó là những nguyên tắc hướng dẫn ra quyết định cho phép sự ứng xử uyển chuyển với những biến đổi trong tương lai khi có thêm thông tin mới, kiến thức mới hoặc tình hình thay đổi cả về thời tiết, khí hậu, môi trường, thị trường và những biến đổi khác nữa của tương lai. Cách quy hoạch này sẽ tránh được sự chồng chéo, lãng phí nguồn lực và nó linh hoạt, không khóa chặt con đường phát triển của ĐBSCL vào một bản quy hoạch cứng nhắc nào đó có thể lỗi thời rất nhanh.

Với 2 sự đột phá nổi bật trong tư duy mà tôi cảm nhận được từ hội nghị lần này, tôi nghĩ đây là cách ứng xử tốt nhất hiện nay đối với tình hình nhiều thách thức của ĐBSCL. Dĩ nhiên để thay đổi cách nghĩ, cách làm sẽ là một quá trình lâu dài, dần dần, nhưng có đi thì mới có đến.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm