Giảm phụ thuộc vào khai thác điện than
Sở hữu vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và dịch vụ, nhưng nhiều năm trước, sự phát triển của TP Uông Bí chủ yếu phụ thuộc vào than và điện, sản phẩm dịch vụ nghèo nàn. Nhưng những năm gần đây, Uông Bí đã tạo được nhiều đột phá từ hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng bền vững, việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế dịch vụ có giá trị gia tăng cao là mục tiêu tiên quyết mà TP Uông Bí phải thực hiện.
Do vậy, nhiều năm qua, TP Uông Bí đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển kinh tế gắn liền cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ của chính quyền nhằm thu hút vốn đầu tư vào các công trình hạ tầng, đặc biệt là đối với lĩnh vực du lịch, lĩnh vực mà địa phương đang có lợi thế để phát triển.
Xác định tập trung đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào ngành khai thác than và sản xuất điện, UBND TP Uông Bí triển khai các giải pháp về phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ, du lịch, thương mại, công nghiệp sạch, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao... Theo đó, thành phố đã đầu tư và kêu gọi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để mở rộng đô thị, giao thông, hạ tầng du lịch, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch.
Trong chiến lược phát triển kinh tế của thành phố, Uông Bí sẽ ưu tiên tập trung lấy du lịch, dịch vụ, thương mại làm trọng tâm, đầu tư công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch. Cùng với đó là khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá giữ vững thương hiệu đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và phục vụ khách du lịch.
Năm 2022, giá trị tăng trưởng các hoạt động kinh tế của thành phố Uông Bí đều tăng cao so với cùng kỳ. Ở lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhờ hoạt động sản xuất than, điện, xi măng, khai thác đá, sản xuất gạch, chế biến gỗ... tăng từ 12-16% đã góp phần mang về giá trị trên 15.300 tỷ đồng.
Các lĩnh vực kinh tế giao thông, thương mại du lịch dịch vụ, nông lâm ngư nghiệp đều trên đà ổn định và tăng tốc. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế của thành phố, với giá trị 6.300 tỷ đồng.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của TP Uông Bí cho thấy những chuyển biến tích cực, nhất là về mục tiêu phát triển kinh tế rừng gỗ lớn, trồng cây mắc ca, rừng lim, giổi, lát. Hiện thành phố đạt 80% chỉ tiêu tỉnh giao về trồng rừng lim, giổi, lát.
Những năm gần đây, thị trường Quảng Ninh có thể chia làm 3 khu vực chính, gồm khu vực truyền thống (TP Hạ Long), khu vực phát triển mạnh nhờ chính sách (huyện Vân Đồn) và những khu vực mới nổi (TP Uông Bí và TX Quảng Yên).
TP Uông Bí nằm ở vị trí cửa ngõ chiến lược phía tây Quảng Ninh, là tâm điểm của tam giác phát triển kinh tế Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, sở hữu hai mạch giao thương quan trọng là quốc lộ 18 và quốc lộ 10, kết nối Quảng Ninh với các tỉnh thành trong khu vực như Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình…
Hiện nay, dư địa đầu tư tại tuyến hành lang phía tây này là nguồn sinh lợi bền vững với các nhà đầu tư, bởi khả năng phát triển theo hướng dịch vụ, cảng biển, logistics, đô thị hiện đại, công nghệ cao có tiềm năng rất lớn.
Hiện đại hóa ngành nông nghiệp
Thời gian qua, nhằm thực hiện mục tiêu hiện đại hoá ngành nông nghiệp, TP Uông Bí đã dành nhiều nguồn lực để thu hút đầu tư nông nghiệp, trong đó chú trọng triển khai các đề án, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung.
Đến nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP; nhiều giống cây, con giống bản địa một thời có nguy cơ bị mất thì nay đã được nhân rộng. Điển hình như vùng trồng cây mơ lông Yên Tử, các loại dược liệu dưới tán trong núi Yên Tử, cùng các mô hình dưa lưới, ổi, lê Đài Loan... Đây cũng là cơ sở để Uông Bí phát triển ổn định với hàng chục sản phẩm OCOP có tiếng ở địa phương, như vải chín sớm Phương Nam, nước mơ, rượu mơ, thanh long ruột đỏ, các sản phẩm dược liệu Yên Tử...
Để duy trì và phát triển nông nghiệp bền vững, thu hút đầu tư nông nghiệp, góp phần tích cực cho phát triển KT-XH địa phương, thành phố đã phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi liên kết giá trị. Đồng thời mở rộng sản xuất trồng trọt theo hướng VietGAP đối với các vùng trồng, tập trung phát triển các mô hình nhà vườn, trang trại gắn với du lịch sinh thái và phát triển các nông sản có thương hiệu gắn với ngành du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng rừng trồng gỗ lớn, ưu tiên cây bản địa đa mục đích đã được tỉnh phê duyệt như lim xanh, giổi, lát hoa...
Cùng với đó, thành phố triển khai 6 mô hình, dự án khuyến nông, như khảo nghiệm giống lúa mới ST25; trồng thử nghiệm cây mắc ca, na QN-D1; nuôi ngan đen thương phẩm, bò sinh sản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, nuôi cá nheo Mỹ... Qua đó, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất các đối tượng mới, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Với những định hướng của thành phố, cũng như các chương trình hỗ trợ tại địa phương đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp trên địa bàn. Qua thực tế sản xuất nông nghiệp của TP Uông Bí, ưu, nhược điểm lâu nay đã được chỉ ra. Đó là diện tích canh tác nhỏ lẻ và sẽ ngày càng bị thu hẹp hơn bởi các dự án đô thị. Song thị trường tiêu thụ nông sản lại rộng mở với nhu cầu tiêu dùng tại chỗ lớn, nhất là đối với các đơn vị, doanh nghiệp ngành than và khách du lịch.
Trên cơ sở này, trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp mà Uông Bí tập trung triển khai từ năm 2022, địa phương này khuyến khích các mô hình nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, chủ động về quy trình sản xuất, sử dụng ít diện tích, ít nhân lực, đưa ra những sản phẩm xanh, sạch.
Hiện nay, TP Uông Bí hình thành hàng loạt các trang trại nuôi gà tiên tiến. Trại gà của anh Nguyễn Tôn Quyền tại thôn Khe Sú, xã Thượng Yên Công, có quy mô 40.000 con/lứa, 6 lứa/năm; thị trường tiêu thụ là hệ thống kênh phân phối CP foods (Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam); doanh thu đạt hàng tỷ đồng/lứa; lợi nhuận đạt ở mức 10-20% doanh thu.
Công nghệ nuôi gà của ông Nguyễn Tôn Quyền là công nghệ nhà lạnh, cho phép anh chủ động về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, môi trường, dịch bệnh, liều lượng thức ăn… Như vậy, hầu như toàn vòng đời 45 ngày của con gà đều sống trong môi trường an toàn, sạch bệnh, đủ chất dinh dưỡng.
Có thể thấy, sự chuyển động của nông nghiệp Uông Bí là khá rõ nét với những mô hình canh tác thiên về công nghệ, thiết bị, về quy trình canh tác tiên tiến hơn là những điều kiện về diện tích và nhân lực. Sản phẩm nông nghiệp Uông Bí cũng hướng tới xanh, sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, của thị trường tiêu thụ khó tính.
TP Uông Bí có 35.000ha đất lâm, nông nghiệp, trong đó đất có rừng khoảng 20.000ha, còn lại là đất lúa, rau, màu và cây ăn quả. Hiện địa phương này đang tập trung triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mục tiêu hướng tới những mô hình nông nghiệp tiên tiến, an toàn, bền vững, giá trị cao.