| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Ba Chẽ

Chủ Nhật 26/03/2023 , 11:42 (GMT+7)

Nâng cao thu nhập cho người dân chính là hướng đi ngắn nhất, bền vững nhất giúp huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) tạo được nguồn lực tại chỗ, tiến tới trở thành huyện NTM.

z4198833539384_88fc273af77f9f22333f955939bcef92

Nông thôn mới tại huyện miền núi Ba Chẽ (Quảng Ninh) đã khoác trên mình "tấm áo mới". Ảnh: Nguyễn Thành.

Xuất phát điểm thấp

Kể từ khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Ba Chẽ chỉ đạt bình quân 2,2/19 tiêu chí. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo mới là 25%; thu nhập bình quân đầu người ở các xã mức thấp nhất đạt 4,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo 48,08%. Một khó khăn nữa, Ba Chẽ cũng là địa phương có tỷ lệ đồng bào người dân tộc thiểu số lớn nhất và có nhiều xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.

Từ thực trạng trên, hàng loạt các giải pháp đồng bộ trong xây dựng NTM đã được huyện Ba Chẽ triển khai. Trong đó tập trung thúc đẩy lấy tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về hộ nghèo làm đòn bẩy để thực hiện các tiêu chí khác trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM. Ngoài ra, huyện đã nhanh chóng tập trung nguồn lực xây dựng các mô hình, các điểm phát triển kinh tế, từng bước nâng cao giá trị, hiệu quả các sản phẩm nông, lâm nghiệp.

Địa phương đã kết hợp vốn ngân sách nhà nước và chủ động vận động các nguồn lực khác, nhất là nguồn lực từ sự đóng góp của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế. Theo đó, cách làm của Ba Chẽ đã khơi dậy được nguồn lực, sự chủ động tham gia của người dân vào việc kiến thiết, xây dựng quê hương.

Tổng nguồn vốn được huy động xây dựng NTM giai đoạn 2010-2021 của huyện được gần 2.000 tỷ đồng, thực hiện đầu tư nâng cấp, mở mới được hơn 100km đường giao thông nông thôn, tạo nên hạ tầng giao thông thuận lợi tại các xã, thôn, bản.

Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ba Chẽ chia sẻ, trước khi bắt đầu xây dựng NTM, đoạn đường từ trung tâm huyện đến các xã như Thanh Lâm, Đạp Thanh, Lương Mông đều là đường đất. "Mỗi khi trời mưa, đường lầy lội gây khó khăn trong việc di chuyển, đoạn đường khoảng 20km nhưng thời gian đi lại có khi mất cả ngày trời. Do đó, việc thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế địa phương vô cùng gian nan", ông Vinh cho biết.

Hưởng lợi từ thành quả xây dựng NTM đang ngày càng hiện diện chính là những ngôi nhà kiên cố, khang trang mọc lên ở khắp các thôn, bản. Những con đường đất lầy lội trước đây đã được thay thế bằng các trục đường bê tông phong quang, rộng rãi... Các mô hình kinh tế rừng, vườn đồi, chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng mạnh mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao…

Tính đến hết năm 2022 thu nhập bình quân đầu người ở các xã trên địa bàn huyện đạt 66 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,14%. Hiện nay, huyện Ba Chẽ đã có 7/7 xã đạt chuẩn xã NTM, trong đó có 2 xã Lương Mông và Minh Cầm đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết, để tạo nền tảng bền vững trong xây dựng NTM, Ba Chẽ tiếp tục đề ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương và huy động các nguồn lực nâng cao các tiêu chí NTM, giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời tập trung tuyên truyền những thành quả đạt được trong xây dựng NTM, tạo niềm tin cho người dân tiếp tục thực hiện chương trình; xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với xây dựng các mô hình NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến nông, lâm, du lịch sinh thái tại địa phương. Với cách làm của Ba Chẽ sẽ góp phần giữ vững thành quả huyện NTM và tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Huyện Ba Chẽ đã chủ động phát huy nội lực, tận dụng các thế mạnh, khai thác các sản phẩm chủ lực, bảo đảm tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, giúp người dân nâng cao thu nhập. Đây chính là hướng đi ngắn nhất, bền vững nhất giúp huyện tạo được nguồn lực tại chỗ, thúc đẩy Ba Chẽ nhanh chóng vươn lên trở thành huyện NTM.

z4188648057285_94727bd07dd15698ccb9ddd148e1562c

Tuyến đường tỉnh 342 kết nối giao thông từ TP Hạ Long - Ba Chẽ - Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Kết nối Ba Chẽ với các trung tâm kinh tế

Nhằm tăng cường liên kết và mở rộng không gian, cơ hội phát triển nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai nâng cấp, mở rộng tuyến đường 342 kết nối trung tâm thành phố Hạ Long với các huyện miền núi và các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn. Đây là những tuyến đường giao thông quan trọng trong việc liên kết vùng, kết nối di sản của các địa phương.

Đường tỉnh 342 dài 60,5km, điểm đầu tại Km0+00 (giao với đường tỉnh 326 tại Km8+100, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn), điểm cuối tại Km60+500 (khu vực đèo Líu giáp ranh với xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn). Đây là tuyến đường huyết mạch vận chuyển nông, lâm sản nối giữa huyện Ba Chẽ, TP Hạ Long và các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang. Gần đây, đoạn qua huyện Ba Chẽ đến tỉnh Lạng Sơn đã xuống cấp, lòng đường nhỏ hẹp, đi lại khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thông thương, phát triển kinh tế của người dân.

Hướng tới mục tiêu từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại, tạo kết nối vùng và khu vực từ vùng thấp, vùng động lực, vùng phát triển với vùng cao của TP Hạ Long, huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn, ngày 28/9/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2789/QĐ-UBND phê duyệt đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342. 

Trên thực tế, nhiều xóm núi, xã mặc dù cách trung tâm huyện Ba Chẽ chưa đầy 30 cây số nhưng để được đến đây phải vượt qua hàng chục khúc cua tay áo, chạy xe mất gần tiếng đồng hồ. Đường sá xa xôi, nhỏ hẹp vì vậy cũng dễ hiểu khi người dân nơi đây háo hức, mong đợi con đường mới và sự phát triển trong tương lai.

Theo dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 342, gia đình anh Nịnh Văn Chung, thôn Khe Nháng, xã Thanh Lâm cũng có diện tích lớn đất lấy vào dự án với khoảng hàng chục gốc vải, quế. "Người dân được tuyên truyền, vận động giao đất để làm đường giúp giao thông thuận tiện hơn, phát triển kinh tế trong vùng. Những người bị mất đất được đền bù thỏa đáng để lấy vốn làm ăn. Chúng tôi cũng ủng hộ lắm", anh Chung cho biết.

Chị Trần Thị Đoàn, xã Đạp Thanh hào hứng chia sẻ thêm: “Ngay khi có chủ trương mở đường, gia đình tôi đã đồng thuận, tự nguyện khai thác tài sản, di chuyển mồ mả, bàn giao ngay diện tích theo thông báo trước đó. Chúng tôi rất mong dự án sớm hoàn thành để người dân vùng cao sớm nắm bắt những cơ hội phát triển mới”.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn đi qua địa bàn huyện Ba Chẽ dài hơn 22 cây số được xây dựng bằng nguồn vốn của tỉnh, khoảng hơn 800 tỷ đồng. Khi mở rộng mặt đường sẽ rộng khoảng 9m, gấp gần 3 lần so với đường cũ.

Ông Trần Văn Chiều, Phó Chủ tịch xã Đạp Thanh chia sẻ: "Cấp ủy chính quyền, bà con nhân dân xã cũng rất mong muốn có những tuyến đường nhanh hơn, rộng hơn để kết nối giữa vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi với trung tâm huyện Ba Chẽ và tỉnh Quảng Ninh. Do vậy nên người dân trong xã rất đồng thuận và ủng hộ việc mở rộng tuyến đường khi được tỉnh quan tâm và đầu tư".

Khi hoàn thành, tuyến đường tạo hành lang đường bộ liên hoàn giữa TP Hạ Long, huyện Ba Chẽ của Quảng Ninh với các tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang, sẽ giảm được trên 50km di chuyển từ Hạ Long đến Lạng Sơn và ngược lại so với các tuyến đường như hiện nay, từ đó giảm đáng kể thời gian đi lại giữa 2 tỉnh.

Việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường 342 là minh chứng cho chủ trương đúng đắn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của người dân trong khu vực được thuận lợi, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương. Đặc biệt, giúp tạo đòn bẩy phát triển kinh tế cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.