Ông Trương Quang Ân, năm nay đã 74 tuổi, ở thôn Trung Chính, xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) có dáng mảnh khảnh, da sạm nắng, nhưng rất hoạt bát. Theo ông lên khu vườn đồi thoai thoải rộng khoảng 1.500 m2 trước nhà, dưới tán cây ăn quả lâu năm như nhãn, vải, na, keo..., ông đặt hàng trăm thùng nuôi ong mật.
"Lá phổi xanh” của khu vườn giúp xua bớt cái nóng ngột ngạt khó chịu ngoài trời. Ông say sưa giới thiệu chi tiết về nghề nuôi ong lấy mật từ năm 2014 đến nay, ban đầu chỉ từ vài ba tổ, nay phát triển lên tới 150 tổ (thùng) nuôi ong.
Ông cho biết, ngoài gia đình ông, trong thôn hiện có hàng chục gia đình cũng nuôi ong mật tới dăm bảy chục thùng mỗi hộ. Họ đều mua giống ong do ông nhân ra. Từ quy mô số hộ nhỏ lẻ ban đầu, tổ liên kết nuôi ong thôn Trung Chính sớm hình thành, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống…
Phục vụ trong quân đội 13 năm, sau khi hoàn thành nhiệm vụ năm 1987, ông Ân trở về với gia đình làng xóm khi đất nước vừa chuyển sang thời kỳ đổi mới. Vận hội mới, cơ chế mới đã tạo thuận lợi cho ông cùng gia đình bàn cách làm ăn, quyết không cam chịu đói nghèo.
Nghề nuôi ong lấy mật đến với ông như một cái duyên ngoài sự tính toán. Ông giới thiệu về kỹ thuật nuôi ong mật như một chuyên gia, am tường tới cả tính nết của chúng. Thùng làm bằng gỗ nuôi ong mua với giá từ 150 - 250 ngàn đồng/thùng tùy theo kích thước khác nhau.
Mỗi thùng ong đặt từ 3 - 5 cầu, có một ong chúa và vô số ong thợ. Ong chúa mỗi năm thay từ 1 - 2 lần. Tạo ong chúa bằng cách: Trứng ong đẻ sau 4 ngày thì nở, đem bỏ vào chén sáp và cho ăn sữa ong.
Chú ý trong tổ ong cần duy trì nhiệt độ từ 35 - 36 độ C sẽ giúp trứng chuyển hóa thành ong con (nóng hoặc lạnh quá sẽ không tốt). Ong chúa đẻ sau 15 - 21 ngày thì nhộng nở thành ong thợ và có thể chuẩn bị san đàn. Sau khi đẻ 3 ngày, ong chúa đi phối giống trong tự nhiên.
Loài ong đi kiếm ăn trong bán kính 2 km trở lên, thức ăn là nhụy, phấn hoa tự nhiên từ các loại cây nhãn, me, khế, phượng, hoa dại, hoa của cây lưu niên xung quanh nhà. Ong sinh sản từ 1 tổ nhân thành 2 - 4 tổ mỗi năm, số lượng con không tính đếm được.
Mỗi năm thu hoạch mật ong từ tháng 2 đến tháng 7 dương lịch, từ 5 - 7 ngày quay mật 1 lần bằng thùng quay ly tâm cố định hoặc cơ động (thùng quay cố định có giá 3 triệu đồng/cái, thùng quay cơ động nhỏ hơn nên giá thấp hơn một nửa).
Thông thường cứ sau mùa hoa nhãn khoảng 1 - 1,5 tháng mới quay để lấy mật. Khi quay mật 4 cầu/thùng chỉ lấy mật 2 cầu, còn lại để làm thức ăn cho ong, cùng với nhụy hoa đàn ong tự tìm kiếm.
Mỗi năm, ông thu hoạch lấy mật khoảng 7 tạ/150 thùng. Ông chia sẻ: Với 150 thùng ong lấy mật, giá bán dao động từ 200 ngàn đồng/kg (mật nhãn), mỗi năm thu về 200 triệu đồng tiền bán mật và ong giống, trừ chi phí (vật tư, dụng cụ) khoảng trên 20 triệu đồng, thực lãi 180 triệu đồng.
Người trong làng, xã mua mật ong tại nhà, ông không phải đem đi bán, khách hàng ở xa cần thì điện thoại hẹn trước mới có. Muốn phân biệt loại mật ngon, chất lượng tốt hãy nhìn màu sắc. Nếu mật có mầu “cánh dán” là loại mật ngon. Mật ngon có thể để trong vòng 2 năm vẫn sử dụng tốt.
Mật ong thương phẩm được đóng vào loại chai thủy tinh dung tích 0,65 ml, can nhựa, chai dài… nút kín đảm bảo vệ sinh, gắn nhãn mác, địa chỉ sản xuất. Để đảm bảo an toàn, vệ sinh phòng bệnh, chống mất cắp tại khu vực nuôi ong, ông lắp đặt hệ thống camera giám sát ngày đêm và chưa xảy ra mất mát gì.
Đặc biệt chú ý thùng nuôi ong phải được che kín để tránh gió rét mùa đông, cần lót thêm các loại quần áo loại thải để tạo nhiệt, về mùa mùa hè nắng gắt nếu nhiệt độ cao tới 40 độ C trở lê,n ong sẽ dễ chết.
Các hộ liên kết nuôi ong ở địa phương quen miệng gọi ông Ân là “lão tướng nuôi ong”, bởi ông là người đầu tiên trong thôn sản xuất mật ong hàng hóa.
Hơn nữa các hộ đều mua ong giống nội địa có chất lượng do ông sản xuất, cũng là người hướng dẫn giúp đỡ họ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, chăm sóc, nghề nuôi ong hiện nay để cùng với họ làm giàu.