| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ong dú, làm chơi ăn thật

Thứ Hai 12/04/2021 , 15:46 (GMT+7)

Tình cờ gặp tổ ong dú trong bộng cây mục ruỗng, hiếu kỳ, anh cưa cả khúc cây mang tổ ong về, nào ngờ lũ ong này đã cho anh nguồn thu nhập bất ngờ.

Năm 2016, trong một lần đi dạo rừng, anh Tô Vũ Thành Tín (30 tuổi) ở đội 7 thôn Vạn Hội, xã Ân Tín (huyện Hoài Ân, Bình Định) tình cờ gặp một tổ ong dú đóng trong bộng cây đã mục ruỗng.

Nhìn những con ong “tí hon” nhỏ tựa con muỗi bay ra bay vào trông rất lạ mắt. Thấy tổ ong đã làm mật, anh Tín lấy mật xong cưa cả khúc cây mục mang tổ ong về đặt trong vườn để nhìn cho vui mắt.

Nhà nuôi ong dú của anh Tỗ Vũ Thành Tín. Ảnh: Vũ Đình Thung. 

Nhà nuôi ong dú của anh Tỗ Vũ Thành Tín. Ảnh: Vũ Đình Thung. 

Thời điểm ấy, mẹ vợ của Tín đang bị lệch sống lưng, luôn rên la vì đau nhức phải đi bác sĩ đông y châm cứu. Sẵn vừa lấy được 1 lít mật từ tổ ong dú, anh Tín mang về cho mẹ vợ uống để bồi dưỡng.

Nào ngờ, uống loại mật này mẹ vợ anh Tín bỗng hết đau nhức sống lưng. Thấy lạ, anh hỏi thăm “ông google” thì biết là mật ong dú có giá trị như 1 loại dược liệu chứ không đơn thuần như mật các loại ong khác.

Anh Tín chia sẻ: Sở dĩ mật ong dú có giá trị như dược liệu là vì phấn hoa từ những cây thảo dược là món “khoái khẩu” của chúng.

Lấy phấn hoa thảo dược về, chúng ủ với nước bọt của mình để tạo ra mật. Thời gian ủ mật của loài ong dú rất lâu, nếu các loài ong kia lấy phấn hoa về đổ trong tổ chỉ khoảng 10 ngày sau là tạo mật, thì ong dú phải ủ đến cả hơn 100 ngày mới tạo ra mật. Mỗi năm, tổ ong dú chỉ tạo mật 2 lần giữa năm và cuối năm.

"Mật của tổ ong dú rất ít, tổ nào cho nhiều nhất cũng chỉ khoảng 3 lít, nhưng trường hợp này hiếm khi có, thường thì từ 1 vài xị đến 1 lít”, anh Tín chia sẻ.

Loại thùng chỉ có 1 lỗ thông nhỏ với bên ngoài sẽ bảo vệ được ong dú. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Loại thùng chỉ có 1 lỗ thông nhỏ với bên ngoài sẽ bảo vệ được ong dú. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thấy mật ong dú có giá trị, anh Tín bắt đầu chăm chút tổ ong và manh nha ý tưởng tách đàn. Anh nghĩ, ong dú làm tổ trong bộng cây có nghĩa chúng thích nghi với môi trường sống không ánh sáng.

Thế là anh đóng thùng gỗ 6 mặt kín, chỉ chừa 1 lỗ nhỏ thông ra bên ngoài. Trong thùng chia thành 4-5 ngăn hình vuông để ong sinh sản, tạo sáp và mật ong.

“Chúng có kích thước bé bằng 1/2 đến 2/3 so với ong ruồi, ong khoái và tính hiền nên bị thằn lằn, chim yến rình bắt ăn. Loại thùng chỉ có 1 lỗ thông nhỏ với bên ngoài sẽ bảo vệ được chúng”, anh cho biết.

Sau khi mang tổ ong dú đầu tiên về, anh Tín để nguyên trong thân cây mục, 1 năm sau mới bắt đầu tách đàn. Kỹ thuật tách đàn anh cũng phải hỏi “ông google”, chứ ở địa phương chưa có ai nuôi ong dú nên không thể học hỏi.

Tổ ong dú trong thùng gỗ kín anh Tô Vũ Thành Tín đặt ngoài vườn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tổ ong dú trong thùng gỗ kín anh Tô Vũ Thành Tín đặt ngoài vườn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh tiết lộ kinh nghiệm: Một tổ ong mỗi năm chỉ được tách 1 lần, mỗi lần tách 2 đàn mới là hết cỡ. Thời điểm thuận lợi cho việc tách đàn là vào mùa xuân, từ tháng Giêng đến tháng 7 âm lịch.

Mùa mưa lạnh không nên tách đàn, bởi tách đàn vào thời điểm này đàn mới sẽ rất yếu dẫn tới thiếu quân. Khi đã thiếu quân thì ong chúa sẽ không đẻ, lũ ong trong đàn già đi sẽ chết dần, những con ong còn lại trong đàn mới thấy buồn bỏ đi hết, đàn mới sẽ tàn lụi dần.

Khi tách đàn, phải lấy mật từ tổ cũ chuyển sang tổ mới để đàn ong mới có lương thực để “nuôi quân”. Đặc biệt là phải thường xuyên mở thùng thăm xem đàn ong mới phát triển ra sao. Nếu thấy đàn mới phát triển chậm phải lấy ong từ đàn khác bổ sung vào để đàn phát triển. 

Từ tổ ong dú đầu tiên tình cờ phát hiện mang về, sau 5 năm, đến nay từ trong nhà ong ra đến ngoài vườn, anh Tín đang sở hữu đến gần 200 tổ.

Nuôi ong dú phải thường xuyên mở thùng thăm xem đàn ong mới phát triển ra sao để có kế hoạch bổ sung đàn ong. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nuôi ong dú phải thường xuyên mở thùng thăm xem đàn ong mới phát triển ra sao để có kế hoạch bổ sung đàn ong. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Do liên tục tách đàn nên lượng mật thu hoạch được không nhiều, vì phải để mật lại cho tổ mới làm lương thực nuôi quân. Ấy vậy mà mỗi năm, anh Tín cũng thu được khoảng 100 lít mật.

Hiện nay, 1 lít mật ong dú có giá 1,6 triệu đồng, trong khi nuôi ong dú không phải cho ăn, chơi chơi mà mỗi năm anh Tín thu từ mật ong dú đến 160 triệu đồng, khoản thu nhập “cứng” mà không nông dân nào dám mơ tới.

Anh Tín chia sẻ thêm: Tham khảo nhiều tài liệu cho thấy mật ong dú có nhiều tác dụng trong y học, làm thuốc chữa bệnh hoặc chế biến thực phẩm chức năng.

Mật ong dú giúp thanh nhiệt, chống viêm, giải độc, giảm đau, sát trùng vết thương; chữa viêm đường tiêu hóa, dạ dày, đại tràng, tưa lưỡi, tiêu đờm… Mật ong dú cũng được sử dụng nhiều để chế biến mỹ phẩm. Ở Nhật Bản cũng đang sản xuất kem đánh rang từ sáp ong dú.

Ở nước ngoài, ong dú có cái tên chung là Stingless Bess, tạm dịch là “ong không ngòi đốt”. Ở các nước Trung và Nam Mỹ, ong dú có tên địa phương là Meliponi, ở Úc chúng có tên là Sugarbag Bess. Còn ở Việt Nam, ong dú còn được gọi là ong rú, ong lỗ hoặc ong muỗi… tùy từng địa phương.

Xem thêm
18 người tử vong do bệnh dại, Thủ tướng chỉ đạo nóng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại do số người chết 2 tháng đầu năm 2024 tăng đột biến.

Sẽ tiếp tục mở rộng diện tích canh tác Đài Thơm 8 Vinarice

Hồ hởi khoe được mùa, được giá, đa số nông dân đang sử dụng giống lúa Đài Thơm 8 Vinarice xác nhận sẽ tiếp tục mở rộng diện tích canh tác với giống lúa này.

‘Thủ phủ’ mía xứ Thanh chật vật tìm lại thời vàng son

Gần 10 năm, diện tích trồng mía toàn tỉnh Thanh Hóa giảm gần 2,5 lần. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng sắn và nhiều cây trồng khác.