Thuật ngữ “nano” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp (dwarf) có nghĩa là cực nhỏ (Sangamithra và Thirupathi 2009). Khái niệm công nghệ nano là do Richard Feynman nêu ra từ 1959; nhưng thuật ngữ nano được Norio Tanguchi -một nhà chế tạo thiết bị điện tử nổi tiếng của Nhật- biến thành sản phẩm thực tế 1974 (Warad và Dutta 2005)…
Về kích thước thì 1 nano mét có kích thước bằng 1 phần tỷ met hay 1mm bằng 1 triệu nano met. Để dễ so sánh ta lấy đường kính một sợi tóc có kích thước bằng 100.000 nano met, hoặc 1 nguyên tử bằng 0,1 nano met. Kích thước nano nhỏ như vậy làm sao để chế tạo được?
Có 2 cách chế tạo ra một vật liệu có kích thước nano: (a) Phương pháp topdown là phương pháp chia nhỏ một vật liệu có kích thước lớn (bulk) thành kích thước nhỏ bằng cách nghiền, ép, tán hay bào mòn, (b) Phương pháp Bottom up là phương pháp ngược lại, tổng hợp các phần tử nhỏ hơn nano để có kích thước nano như tự lắp ghép (self -assembled) phương pháp sol-gel. Phương pháp lắng đọng hơi hóa học hay phương pháp lắp ghép tự nhiên (natural-assembled).
Đặc điểm của vật liệu nano là như thế nào? Vật liệu nano thường dùng trong các lĩnh vực có kích cỡ từ 1-100 nano met, do có kích cỡ bé như vậy nên cùng một khối lượng vật chất thì vật liệu nano có diện tích bề mặt lớn hơn hàng triệu lần. Chính nhờ ưu việt như vậy nên vật liệu nano có thể mang một nguồn năng lượng cực lớn và có thể xuyên qua vách tế bào một cách dễ dàng để chui vào trong các vật thể.
Phạm vi ứng dụng: Vật liệu nano đã được ứng dụng ở các lĩnh vực nào? Dù mới ra đời vào các thập kỷ cuối của thế kỷ 20. Nhưng đến nay vật liệu nano đã có mặt trong nhiều lĩnh vực như điện, điện tử để tạo ra các vật liệu, thiết bị thông minh sử dụng rất rộng rãi trong đời sống như các đầu dò thông minh, các chip nano dùng trong các thiết bị điện tử. Ngành dệt dùng để tạo ra các chiếc áo chống khuẩn, chống nóng.
Trong y học để tạo các thiết bị thăm khám bệnh, mang thuốc đến chỗ bị bệnh và chế nhiều loại thuốc điều trị bệnh như ung thư kể cả các loại thuốc mang tính thực phẩm chức năng. Trong ngành chế biến thực phẩm được sử dụng rất đa dạng có tác dụng chống khuẩn, chống hôi, dò tìm các vật lạ, đóng gói thực phẩm và nước uống và vận chuyển bảo quản sản phẩm…
Phân bón nano ứng dụng trong nông nghiệp: Công nghệ nano dù mới bén duyên với ngành nông nghiệp nhưng cũng đã có mặt trong các lĩnh vực phân bón, thuốc trừ sâu tạo các chất kích thích sinh trưởng được khách hàng tìm kiếm sử dụng khá sôi động. Nước sử dụng chế phẩm nano nhiều cho nông nghiệp là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật và nhiều nước khác.
Ở Việt Nam thì sao? Ở Việt Nam, có ít nhất hàng vài ba chục Công ty TNHH buôn bán các loại phân bón mang chức năng vật liệu nano, phần lớn dùng để ngâm tẩm hạt giống, phun lên lá và tưới vào gốc như các dạng phân bón lá, bón gốc dạng lỏng.
Các chế phẩm này theo kết quả khảo nghiệm của các đơn vị có chức năng báo cáo là sử dụng liều lượng rất nhỏ để ngâm tẩm hay phun lên lá, hoặc tưới vào gốc đã đưa lại hiệu quả khá hấp dẫn và lợi nhuận cũng khá cao nên được Bộ NN&PTNT cho phép lưu hành trong sản xuất (trước khi có Nghị định 108).
Công ty CP Bình Điền - Ninh Bình là một trong những công ty con của Công ty CP Phân bón Bình Điền đã hợp tác với một vài đối tác từ 2016 đến nay sản xuất, thử nghiệm các chế phẩm nano như nano mix, nano silic, nano kẽm, đạm nano xanh, đạm nano plus, nano amino axit, nano hữu cơ, nano chitosan… trên 155 công thức khác nhau cho cây lúa, ngô, rau, chè và khoai tây... thu lại kết quả rất khả quan.
Các vi lượng dạng nano được phối trộn với liều rất nhỏ, từ 3-4‰ với các loại phân khoáng để giảm thiểu lượng bón mà vẫn mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Vì vậy đã được đông đảo khách hàng đón nhận.