| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp trách nhiệm

Thử nghiệm phòng thủ ba tầng cho cây chè ở Thái Nguyên

Thứ Hai 21/03/2022 , 08:43 (GMT+7)

Lúc tôi đến, anh Trần Văn Cửu đang lúi húi pha neem-một chế phẩm thảo mộc để phun phòng thủ tầng ba cho chè. Từ đầu vòi mùi thuốc bay ra thơm lừng, dễ chịu.

Anh Cửu đang phun thuốc thảo mộc cho chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Cửu đang phun thuốc thảo mộc cho chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đi phun thuốc mà người không thấy mệt

Nhà anh Cửu ở khu Khe Vàng, xã Phú Đô (Phú Lương, Thái Nguyên) có hơn 1 mẫu chè, hiện đang thử nghiệm 4 sào theo cách làm mới như vậy. Từ tháng 2 đến tháng 6 áp lực sâu bệnh nhiều nên anh đã phải dùng đến tầng phòng thủ thứ ba là neem, cứ 3-4 ngày lại phun 1 lần so với trước đây dùng thuốc hóa học 7-10 ngày mới phải phun 1 lần.

Bài liên quan

Chị Đỗ Thị Luyến - cố vấn của Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ giải thích: “Ba tầng bảo vệ gồm tầng thứ nhất là dùng vi sinh vật đối kháng như nấm xanh để quản lý sâu hại, hệ vi sinh kháng nấm để quản lý bệnh hại, phòng thủ chủ động khi sâu, bệnh chưa xuất hiện. Tầng thứ hai là dùng dấm gỗ để xua đuổi côn trùng. Tầng thứ ba là dùng thuốc thảo mộc như neem khi mật độ sâu cao.

Neem gây ngán ăn cũng như ức chế khả năng sinh sản của sâu nên mật độ sẽ xuống từ từ. Thời tiết năm nay âm u kéo dài khiến sâu phát sinh nhiều, phải phun nhiều nhưng sau này, khi vườn dùng liên tục thuốc vi sinh, thảo mộc, hệ sinh thái cân bằng sẽ giảm được tần suất sử dụng...”.

Theo anh Cửu, ngoài tốn công, dùng biện pháp vi sinh, thảo mộc còn chi phí cao hơn 1,5-2 lần, cây chậm phát triển hơn, tuy nhiên đeo bình đi phun dưới trời nắng cả buổi mà vẫn không thấy bị mệt như hồi còn dùng thuốc hóa học.

Còn Chủ tịch UBND xã Phú Đô, anh Phùng Thanh Hà thì bảo với tôi rằng địa phương miền núi này có hơn 700 ha chè, trước đây bà con dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học tràn lan trong đó có cả hàng Tàu nhập lậu:

“Thuốc rất độc, thời gian cách ly ghi trên nhãn dài đến 30 ngày, dân đeo bình sau lưng, bảo hộ không có, đôi khi kéo tay cái phụt ướt hết cả đầu.

Phun liên tục nên những người 50-60 tuổi sức khỏe đã yếu nhìn thấy rõ, da xỉn màu, tỷ lệ mắc ung thư khá nhiều. Đi qua các vườn chè hồi ấy mùi thuốc nồng nặc, đêm ngủ trong nhà vẫn còn ngửi thấy.

Chủ trương chuyển đổi từ thuốc hóa học sang sinh học, thảo mộc mới có gần đây nhưng là bước đi bắt buộc phải thực hiện. Tôi mong sao được hỗ trợ trên diện rộng chứ làm mô hình thì chỉ nhỏ lẻ mà thôi. Thêm vào đó, dân làm chè sạch, chất lượng cao nhưng hiện giá bán chưa tương xứng và rất bấp bênh nên cũng phần nào cản trở việc áp dụng”.

Anh Cửu đang pha thuốc thảo mộc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Cửu đang pha thuốc thảo mộc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Phạm Hương Hà, cán bộ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Lương là người lăn lộn với thực tế, thích những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nên khi được nghe về chế phẩm neem đã muốn đem ngay về áp dụng. “Tôi còn tò mò thử…nếm, thấy nó hơi chát chát, thơm thơm nên biết là rất an toàn. Ban đầu, tôi chọn các đối tượng có tư tưởng tiến bộ, kinh tế ổn định để làm thử bởi giả sử mất năng suất, mất thu nhập thì họ sẽ không bị tác động nhiều. Hiện những hộ này chưa được hỗ trợ gì cả ngoài kỹ thuật.

Động lực để họ làm là các lợi ích của nông sản sạch. Làm chè sạch, chất lượng tăng tuy nhiên hiện vẫn chưa có chỗ bán ổn định bởi diện tích còn nhỏ, lại không tập trung, thời gian áp dụng chỗ được gần năm, chỗ chỉ mới đôi, ba tháng. Sản phẩm mua bán bằng niềm tin vì chất lượng chưa được kiểm định do mỗi mẫu thử phải mất 3-5 triệu thì nông dân không chịu được. Để nhân rộng cách làm này rất cần sự hỗ trợ của nhà nước về kỹ thuật, kinh phí và nhất là quảng bá, xúc tiến thương mại. Khi có thị trường tốt rồi thì không bảo dân cũng tự làm, mà không có thị trường có bảo dân cũng không nghe theo”.

Anh Cửu đang hỏi cán bộ kỹ thuật về triệu chứng bệnh trên chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Cửu đang hỏi cán bộ kỹ thuật về triệu chứng bệnh trên chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc mới triển khai mô hình hồi đầu năm 2021, chị Hà đã đi khắp Phú Đô để điều tra, thấy ở phía Bắc có quỹ đất rộng, núi đá bao vây quanh liền báo cáo lãnh đạo xã, huyện tạo điều kiện để hình thành 1 vùng sản xuất an toàn 10 ha, trong đó một phần thực hiện luôn hữu cơ. Hiện chị đang cho các hộ dân đăng ký mô hình, sau này ai tham gia sẽ được hỗ trợ phân hữu cơ, thuốc thảo mộc, sinh học.

Đồng bào Mông  ở xóm Phú Thọ đang thu hoạch chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đồng bào Mông  ở xóm Phú Thọ đang thu hoạch chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo chị Hà, kỹ thuật sản xuất sạch không hề khó chỉ khó mỗi đầu ra. Để khuyến khích cho dân áp dụng, ngoài chè ra những nông sản khác như lúa gạo, rau, thịt sạch đều được chị nhận thu mua giúp hết… Hoàng Văn Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Trà an toàn Phú Đô là người dân tộc Tày, có trình độ thạc sĩ. Khi thấy vấn đề môi trường trong nông nghiệp trở nên nhức nhối, anh quyết định trở về quê để vừa cải thiện nó, vừa nâng cao chất lượng chè.

Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Trà an toàn Phú Đô cùng chị Phạm Hương Hà-cán bộ khuyến nông kiểm tra búp chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Trà an toàn Phú Đô cùng chị Phạm Hương Hà-cán bộ khuyến nông kiểm tra búp chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đã 2 năm nay anh chuẩn hóa sản xuất trên 0,7 ha chè của gia đình bằng cách dừng toàn bộ hóa chất, chuyển sang dùng thuốc trừ sâu thảo mộc, sinh học, ghi chép đầy đủ nhật ký. Nhờ đó, loại rẻ nhất anh bán được 200.000đ/kg, còn loại đắt nhất là chè đinh được 5 triệu/kg, cao hơn gấp đôi so với loại bà con đang làm theo kiểu hóa học. Bên cạnh trồng những giống chè lai anh còn ấp ủ dự định phục hồi lại giống chè trung du bản địa có vị đậm, nước ngon nhưng vì năng suất thấp mà đang bị quên lãng.

Càng đi một mình anh càng cảm thấy diện tích nhỏ khó có thể xây dựng được thương hiệu lớn nên mới rủ bà con cùng làm. Hợp tác xã của xóm thành lập hồi đầu năm có diện tích 2,8 ha với định hướng nông nghiệp kết hợp với du lịch văn hóa. Tuấn chỉ cho tôi trong vườn của hợp tác xã không chỉ có chè mà còn có rau, cây ăn củ hay cỏ voi trồng xen kẽ chứng tỏ là rất an toàn. Không cần chứng minh xa xôi gì, đàn gà thoải mái kiếm ăn dưới những gốc chè, lũ trẻ tung tăng chơi đùa trong lúc bố mẹ đang hái chè đã thể hiện rõ điều ấy.

Một em bé theo mẹ vào vườn chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một em bé theo mẹ vào vườn chè. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nếu cứ sản xuất theo phương thức cũ thì đời sống của nông dân có nhích lên nhưng không đáng kể. Để cho họ có thu nhập cao hơn thì mình phải gương mẫu đi đầu, dám làm chè sạch. Chỉ có sản xuất theo kiểu hợp tác xã thì mới bền vững vì cả cộng đồng cùng làm.

Lãi từ nông nghiệp hóa chất có khi không đủ tiền chữa bệnh

Lúc tôi đến, chị Hoàng Thị Hằng, Nguyễn Thị Hương ở xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đang kiểm tra những lá chè mới nhú, chúng rất dày và bụ bẫm. Cả 2 thuộc vào nhóm 4 hộ gia đình đã chuyển đổi từ sản xuất hóa học sang sản xuất hữu cơ hồi đầu năm 2021 với diện tích mỗi hộ trung bình khoảng 4.000-5.000m2.

“Tôi chuyển đổi sang hướng hữu cơ, trước tiên là tốt cho sức khỏe của chính gia đình mình do không phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, sản phẩm để nhà dùng và sản phẩm đưa ra thị trường là như nhau.

Hiện chúng tôi đang dùng ba tầng bảo vệ cho cây chè, tầng thứ nhất vi sinh kháng nấm, nấm xanh, tầng thứ hai dùng tỏi ớt để xua đuổi sâu bọ, tầng thứ ba dùng neem để tiêu diệt sâu bọ khi mật độ nhiều. Ngoài ra, chúng tôi còn tự tức phân bón bằng cách dùng Emuniv để ủ đậu tương, cá hay gửi chế phẩm cho các chủ trại gà gần đó rắc xuống nền chuồng rồi thu mua luôn. Chủ trại ngoài được tiền bán phân còn lợi ở chỗ đỡ mùi, gà đỡ bệnh về hô hấp và không còn bọ mạt...”.

Chị Hằng (bên trái) cùng cán bộ kỹ thuật kiểm tra thùng ủ cá làm phân bón. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Hằng (bên trái) cùng cán bộ kỹ thuật kiểm tra thùng ủ cá làm phân bón. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng theo chị Hằng, lúc đầu chuyển hướng, lứa thứ nhất, thứ hai sản lượng giảm đến quá nửa, vợ chồng đi thăm vườn về thấy chè xấu quá buồn đến nỗi còn không muốn ăn. Nghe đến đây, thạc sĩ Nguyễn Thị Yên cán bộ Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ cắt nghĩa: “Do đang dùng phân hóa học, thuốc hóa học, thuốc kích thích nhưng chị lại không thực hiện bước chuyển đổi mà đột ngột cắt 100% hóa chất luôn, cộng với trước đó đất chưa bón phân hữu cơ bao giờ nên cây chè bị sốc. Đáng lẽ năm đầu tiên chị chỉ nên giảm 70% hóa học để cho cây dần dần thích ứng”.

Năng suất của chè làm theo hướng hữu cơ giờ chưa thể bằng với hướng hóa học nhưng được cái môi trường đã thay đổi hẳn. Đất khi xưa chai cứng nay đã tơi xốp hơn, không có thiên địch hay côn trùng có ích như cào cào, kiến, ong, nhện, giun…thì nay đã xuất hiện khá nhiều. Sản phẩm của nhóm làm được một đầu mối thu mua trọn gói, tuy giá chưa cao như mong muốn nhưng cũng bắt đầu có công.

Theo mẹ lên vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo mẹ lên vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Người ngoài nhìn vào thấy chúng tôi vất vả, họ cũng ngại theo lắm, còn bản thân chúng tôi xác định cái gì mới làm cũng khó khăn nhiều hơn thuận lợi, bởi thế chỉ động viên nhau rằng lãi từ sản xuất nông nghiệp lạm dụng hóa chất có khi không đủ tiền để mà chữa bệnh. Năm thứ hai này chúng tôi hi vọng làm chè sẽ nhàn hơn, năng suất cao hơn và nhất là giá bán tương xứng với chất lượng”. Chị Hằng tâm sự.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.