| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp trách nhiệm

Thuốc BVTV: Mạnh tay loại bỏ chất độc hại, đẩy mạnh tỷ lệ sinh học

Thứ Tư 16/03/2022 , 08:04 (GMT+7)

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hoàng Trung chia sẻ hoạt động, định hướng thời gian tới để kiểm soát chặt chẽ, nâng tỷ lệ sinh học trong danh mục thuốc BVTV.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hoàng Trung khẳng định việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc BVTV được thực hiện rất nghiêm ngặt. Ảnh: Tùng Đinh.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hoàng Trung khẳng định việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc BVTV được thực hiện rất nghiêm ngặt. Ảnh: Tùng Đinh.

Kiểm tra 100% thuốc nhập khẩu

Theo ông Hoàng Trung, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của thuốc BVTV có thể nói là chặt chẽ nhất trong quản lý các loại vật tư, vì đây là vật tư độc hại, liên quan đến an toàn thực phẩm, môi trường và sức khỏe người dân.

Bài liên quan

“Do đó, hành lang pháp lý với thuốc BVTV có thể khẳng định đã tương đối hoàn thiện. Trong quá trình triển khai thực thi hệ thống pháp luật này ở các địa phương thì các doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc BVTV làm tương đối tốt”, lãnh đạo Cục BVTV cho biết.

Về quy mô, toàn quốc đang có khoảng hơn 32.000 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, 85 nhà máy gia công, sản xuất thuốc BVTV và trong năm 2020 Việt Nam nhập khẩu khoảng 60.000 tấn thuốc BVTV. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu thuốc BVTV đang trong xu thế giảm, cụ thể là năm 2021 con số này chỉ còn 56.000 tấn.

“Việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc BVTV được thực hiện rất nghiêm ngặt, cụ thể tất cả các lô nhập khẩu đều được kiểm tra 100%. Kết quả cho thấy, tỷ lệ thuốc BVTV không đạt tiêu chuẩn rất thấp, như năm 2020 chỉ là 0,017%, tương đương 3-4 lô không đủ tiêu chuẩn trong tổng số 7.000 lô nhập khẩu”, Cục trưởng Hoàng Trung khẳng định.

Bên cạnh đó, Cục BVTV cũng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp, đại lý sở hữu loại thuốc BVTV có tên thương phẩm trong danh mục thì phải có trách nhiệm phối hợp với địa phương, hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn cho người dân sử dụng. Hiện nay, mỗi năm Cục BVTV phối hợp với các chi cục tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho hàng trăm ngàn người.

Mỗi năm, Cục BVTV phối hợp với các chi cục tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho hàng trăm ngàn người cách sử dụng thuốc BVTV. Ảnh minh họa.

Mỗi năm, Cục BVTV phối hợp với các chi cục tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho hàng trăm ngàn người cách sử dụng thuốc BVTV. Ảnh minh họa.

Đến 2025 có 30% thuốc BVTV là sinh học

Hiện nay, Cục BVTV đã có báo cáo rất cụ thể về các chương trình bám sát chiến lược phát triển ngành nông nghiệp mới được ban hành và kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Theo đó, đơn vị đã xây dựng chương trình “Phát triển và sử dụng thuốc BVTV sinh học”, đến nay đã lên được lộ trình, ký kết với 12 doanh nghiệp đầu đàn về thuốc BVTV sinh học, có tỷ lệ lớn trong danh mục hiện hành.

Ông Hoàng Trung cho biết thêm, trong tổng số danh mục hiện nay, có khoảng 18,26% là thuốc BVTV sinh học, tương đương với 734 tên thương phẩm.

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thuốc BVTV sinh học trong danh mục đạt 30% và tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học phải đạt 20% so với tổng lượng sử dụng thuốc BVTV hàng năm.

Bên cạnh đó, Cục BVTV cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, đăng ký thêm các sản phẩm thuốc BVTV sinh học thế hệ mới, đặc biệt là các loại có khả năng sản xuất tự chủ trong nước. Trong đó có một số sản phẩm ra đời từ sự phối hợp giữa các công ty với các Viện như Viện Lúa Ô môn, Viện Bảo vệ thực vật…

Cục trưởng BVTV khẳng định: “Chủ trương là cái gì chủ động được từ trong nước thì sẽ làm trước và Cục BVTV sẽ tạo mọi điều kiện nhanh nhất từ khảo nghiệm, đánh giá, công nhận, đưa vào danh mục và cấp giấy chứng nhận đăng ký sử dụng để các doanh nghiệp có được bộ sản phẩm đầy đủ phục vụ sản xuất”.

Nếu làm tốt điều này, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thuốc BVTV sinh học trong danh mục đạt 30% và tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học phải đạt 20% so với tổng lượng sử dụng thuốc BVTV hàng năm.

Ngoài ra, Cục BVTV cũng đang triển khai cùng với Cục Trồng trọt và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để giới thiệu các sản phẩm này đến với người dân, không chỉ giúp doanh nghiệp mà còn để người sản xuất tiếp cận được sản phẩm tốt và nâng được tỷ lệ thuốc BVTV sinh học trong sử dụng thực tế.

Trong chương trình này của Cục BVTV, 12 doanh nghiệp sẽ được thiết kế mở 120 lớp tập huấn, đào tạo, hội thảo đầu bờ, gắn liền với các cây trồng trọng điểm của từng địa phương, đặc biệt là những nơi chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Hiện nay đã có nhiều loại thuốc BVTV sinh học được thị trường đón nhận. Ảnh minh họa.

Hiện nay đã có nhiều loại thuốc BVTV sinh học được thị trường đón nhận. Ảnh minh họa.

An toàn, thực chất

Theo Cục trưởng Hoàng Trung, để đi vào thực chất, tất cả các quy trình, mô hình cần được nhân rộng, trải dài trên phạm vi cả nước. Đi kèm theo đó là các hoạt động thanh tra, kiểm tra chứ không phải làm ào ào, đen trắng, tốt xấu lẫn lộn. Điều này không những hỗ trợ cho người làm tốt mà còn ngăn chặn được những kẻ muốn lợi dụng chính sách để làm bậy.

Để thực hiện được, Cục BVTV đã tổ chức phối hợp giữa các tổ chức thanh tra của Cục, của các địa phương và các cơ quan chức năng như Công an hay Quản lý thị trường, trong đó chủ yếu là cơ quan công an và thanh tra chuyên ngành BVTV.

Tới đây, Cục BVTV sẽ báo cáo với Bộ NN-PTNT để tiếp tục hợp tác theo hình thức công tư với các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội tổ chức các lớp tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả để không chỉ quản lý tốt mà khi đến tay người dân phải được sử dụng hiệu quả. Trong đó, đẩy mạnh tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong công tác BVTV.

Một số chương trình có thể kể đến như “3 giảm, 3 tăng” hay “Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp”, đây là các chương trình mà Việt Nam đang thực hiện tốt trong khối ASEAN. Nếu làm tốt các chương trình này người nông dân sẽ giảm được chi phí sản xuất, giảm tác động của thuốc BVTV với môi trường, theo đúng định hướng phát triển của ngành.

Bên cạnh đó, Cục BVTV cũng đang tăng cường hoạt động dự tính, dự báo để kiểm soát một cách chủ động các sinh vật gây hại trên đồng ruộng từ sớm, trên diện hẹp, giảm lượng thuốc BVTV cần sử dụng.

Thực tế là, trong những năm qua, hoạt động BVTV đang đem lại hiệu quả rõ rệt và bằng chứng dễ thấy nhất là doanh số nhiều công ty kinh doanh thuốc BVTV bị sụt giảm.

Mục tiêu Cục BVTV đưa ra là đến năm 2025, tỷ lệ thuốc BVTV sinh học trong danh mục đạt 30% và tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học đạt 20% so với tổng lượng sử dụng thuốc BVTV hàng năm. Ảnh: Tùng Đinh.

Mục tiêu Cục BVTV đưa ra là đến năm 2025, tỷ lệ thuốc BVTV sinh học trong danh mục đạt 30% và tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học đạt 20% so với tổng lượng sử dụng thuốc BVTV hàng năm. Ảnh: Tùng Đinh.

Mạnh tay loại bỏ

Thời gian qua, Cục BVTV thường xuyên tổ chức rà soát, loại bỏ các thuốc BVTV độc hại theo đúng quy định của pháp luật như các loại thuốc nằm trong Phụ lục 3 được ban hành hàng năm theo Công ước Rotterdam, các thuốc bị FAO cảnh báo, các thuốc bị WHO cảnh báo, các thuốc mà Việt Nam có đầy đủ bằng chứng khoa học – kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường và các thuốc được đánh giá là giảm hiệu lực sinh học trong sử dụng thực tế.

Đến nay, Cục đã loại bỏ được 14 hợp chất với số lượng tương đương 1.706 tên thương phẩm và 1.258 các hàm lượng chất BVTV. Cụ thể, hiện nay mỗi loại thuốc chỉ có 1 hàm lượng cụ thể chứ không phải 1 sản phẩm nhưng nhiều hàm lượng khác nhau như trước đây để tránh gian lận, gây lẫn lộn cho người dân khi sử dụng.

Việc vào cuộc rốt ráo của Cục BVTV đã gặp phải sự phản ứng từ không chỉ các doanh nghiệp, hiệp hội mà cả các quốc gia liên quan. Tuy nhiên, do thực hiện một cách chắc chắn, bài bản, có đầy đủ các bằng chứng, lập luận rõ ràng nên các quyết định của Cục BVTV vẫn được giữ nguyên.

Kết quả, từ năm 2016 đến nay, số hoạt chất BVTV ở Việt Nam được duy trì vào khoảng 400 loại. Về số tên thương phẩm, trước 2016 có giai đoạn lên tới 6.000 – 7.000 tên nhưng từ 2016 đến nay được duy trì ở mức 4.000 – 4.100 tên thương phẩm, cụ thể hiện tại là 4.074 tên thương phẩm.

So với các nước trong khu vực ASEAN, số lượng tên thương phẩm BVTV của Việt Nam đang ở top dưới, ví dụ như Thái Lan, Malaysia số lượng đều trên 10.000 tên.

Ngoài ra, theo thống kê của FAO, số lượng sử dụng thuốc BVTV của Việt Nam vào khoảng 1,76 kg/ha, chi phí vào khoảng 120 USD/ha, cũng thuộc top dưới của khu vực.

Kết quả trên có được là do ngoài việc loại bỏ các hợp chất với số lượng tên thương phẩm tương đương, Cục BVTV còn khống chế đầu vào một cách chặt chẽ.

Trước đây, một giấy phép có thể cấp cho nhiều đối tượng cây trồng, nhiều sinh vật gây hại thì hiện nay được thẩm định rất kỹ, mỗi giấy phép cho 1 hợp chất chỉ được cấp phép cho 3 đối tượng cây trồng với 3 loại sinh vật gây hại.

Sau khi cấp giấy phép, quá trình đánh giá kết quả khảo nghiệm được thực hiện khắt khe, với sự tham gia của nhiều GS, TS đầu ngành về BVTV. Kết quả, riêng năm 2016 có đến 60% hồ sơ khảo nghiệm bị loại do không đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, Cục BVTV cũng khống chế lượng hợp chất trong mỗi loại thuốc. Nếu như trước đây có khi thuốc là hỗn hợp của 3-4 hợp chất thì bây giờ chỉ được phép tối đa 2 hợp chất. Chưa kể, do đã loại bỏ 14 hợp chất nên số lượng sản phẩm bị loại theo tăng mạnh.

Ví dụ, số lượng tên thương phẩm bị loại bỏ nhiều rơi vào nhóm trừ cỏ với các hợp chất như 2,4 D, Paraquat, Glyphosate. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các tập đoàn đa quốc gia về thuốc BVTV, do đó Cục BVTV phải chịu rất nhiều áp lực khi loại bỏ các hợp chất nói trên.

Trước yêu cầu của nhiều Bộ, ngành liên quan, Cục BVTV đã báo cáo rất chi tiết về các nguy cơ những hợp chất này có thể gây ra, cùng với đó là những bằng chứng kỹ thuật, kết luận của các cơ quan uy tín trên thế giới nên vẫn cấm được các hợp chất này.

Liên quan vấn đề tăng cường sản xuất thuốc BVTV nội địa, ông Hoàng Trung cho rằng, dù là lĩnh vực nào, nếu có thể chủ động trong các phương thức, kế hoạch sản xuất thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích.

Trước đây, chúng ta không khuyến khích sản xuất thuốc BVTV trong nước với lý do bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, trong các kế hoạch, chiến lược phát triển chưa bao giờ đề cập đến việc phát triển ngành thuốc BVTV trong nước, kể cả sinh học.

Trên thực tế, Việt Nam chưa thể nghiên cứu, sản xuất ra hợp chất BVTV nào, hoàn toàn nhập khẩu 100%. Do đó, đã đến lúc cần xem xét lại, vì việc nhập khẩu đang đối mặt với nhiều khó khăn như dịch Covid-19 hay xung đột ở giữa các nước, chưa kể giá cả đội lên rất nhiều.

Để làm được điều đó, chúng ta cần đi từng bước, đầu tiên là cơ chế để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất sản phẩm BVTV trong nước, đặc biệt là sản phẩm sinh học để bước đầu có thể chủ động nguồn cung một số hoạt chất chính.

Muốn hoạt động tốt cần hệ thống tốt

Chia sẻ về hoạt động của hệ thống BVTV hiện nay, Cục trưởng Hoàng Trung nói khi thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW, mỗi địa phương có một cách thực hiện, gây ra nhiều hệ lụy. Đến nay, chỉ còn 6 tỉnh còn giữ Chi cục BVTV, còn lại đã sáp nhập với các cơ quan khác, có nơi biến mất hoàn toàn.

Quan trọng hơn, các trạm BVTV ở cấp huyện cũng bị gom với một số đơn vị khác. Số liệu thống kê của Cục BVTV cho thấy, từ con số hơn 700 trạm ban đầu, đến nay chỉ còn hơn 300 và tiếp tục giảm.

“Điều này khiến chức năng hoạt động thay đổi, các nhân viên trạm BVTV không còn thống kê số liệu, dự tính dự báo để bảo vệ sản xuất mà thực hiện nhiệm vụ theo phân công của trung tâm. Hệ quả là nếu xảy ra dịch bệnh thì địa phương sẽ rất lúng túng”, lãnh đạo Cục BVTV khẳng định.

Theo ông Hoàng Trung, trong bối cảnh thay đổi cơ cấu cây trồng như hiện nay, sẽ có thể xuất hiện thêm nhiều đối tượng gây hại mới, nếu không có hệ thống xuyên suốt thì việc cập nhập thông tin, phương án phòng chống sẽ rất khó khăn.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm