| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp trách nhiệm

GS.TS Nguyễn Văn Tuất: Đừng tưởng sống ở nông thôn là có môi trường sạch

Thứ Năm 17/03/2022 , 09:40 (GMT+7)

Như bây giờ bệnh ung thư nội tạng ở nông thôn đang rất nhiều. Dân nông thôn bảo sống trong môi trường sạch nhưng lại bị nhiều ung thư như thế thì chưa chắc…

GS.TS Nguyễn Văn Tuất. Ảnh: Dương Đình Tường.

GS.TS Nguyễn Văn Tuất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lịch sử thuốc bảo vệ thực vật lậu

Mở đầu câu chuyện, GS.TS Nguyễn Văn Tuất nhận định chương trình IPM của Cục Bảo vệ Thực vật và các tỉnh thực hiện trước đây có những tác dụng nhất định, lúc đó đã có danh mục thuốc riêng cho chè và rau. Cần phải quay lại những thứ đó để tránh việc dân không có người hướng dẫn cứ dùng thuốc bừa bãi.

Phải nghiên cứu kỹ tại sao nông dân quay lại sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại mà trước đây chúng ta đã đào tạo, đã hướng dẫn cho họ phải tránh? Giờ lao động nông thôn ít đi, thứ nữa là sản xuất hàng hóa, rồi thông tin thì tràn ngập, ngay cả chuyện rao bán thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trên mạng cũng là những thứ tác động. Có thể bỏ giấy phép mẹ, giấy phép con nhưng nếu cứ để bán thuốc bảo vệ thực vật trên mạng như thế thì thật giả lẫn lộn, tràn lan độc hại.

Bài liên quan

Giờ có chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp mà Cục Bảo vệ Thực vật đang thực hiện, tôi thấy rất hay bởi nông dân rất lo khi cây trồng của họ bị sâu bệnh, hay hỏi dò nhau để mua thuốc, đó chính là cơ hội để cho các hàng trôi nổi, hàng cấm trà trộn vào.

Lịch sử thuốc bảo vệ thực vật lậu có song hành với lịch sử sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở ta hay không, thưa ông?

Thời bao cấp thuốc bảo vệ thực vật nhập về theo kế hoạch, các mặt hàng này Nhà nước đều được quản lý chặt nên không có hàng lậu. Thời đổi mới từ năm 1986 trở lại đây đã "thị trường hóa" thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có cả các thuốc thế hệ cũ độ độc nhóm 1, nhóm 2, có hàng lậu tràn vào. Dù Cục Bảo vệ Thực vật đã có nhiều cố gắng, bắt nhiều vụ, tiêu hủy nhiều tang vật nhưng hàng lậu vẫn tràn lan. Bởi thế phải rà soát lại những điểm ta đang yếu, hay là do thuốc không có sẵn, do giá cao, do nhận thức của nông dân?

Thuốc bảo vệ thực vật sinh học, từ năm 2000-2010, nhất là thuốc Tập Kỳ rất tốt trong trừ sâu tơ, đối tượng trước đó rất khó phòng trừ. Nhưng giờ nông dân quay trở lại dùng thuốc không có nguồn gốc. Hay là do ta chưa tuyên truyền đến nơi, đến chốn những loại thuốc vừa an toàn, vừa được phép? Một số loại thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc chúng ta cũng đã có. Tôi ở trong Hội đồng tư vấn thuốc của Cục Bảo vệ Thực vật thấy có một số chế phẩm rất tốt chiết xuất từ thảo mộc nhưng lại do Campuchia phát triển, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký để phân phối, sản xuất.

Tôi thấy lạ ở chỗ một đất nước như mình, công nghệ tách chiết hơn họ mà họ lại có trước. Có thể do họ cởi mở hơn với thuốc thảo mộc chăng? Như cây neem trị các đối tượng sâu tơ, bọ nhảy, nhện đỏ, bọ trĩ rất tốt. Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An muốn trồng neem thành vùng tại Ninh Thuận và một số nơi khác. Đó là một hướng phát triển rất khả quan. Nhiều chế phẩm chúng ta đã có nhưng tiếc là chưa được khai thác thương mại.

Thu hái su su ở Tam Đảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thu hái su su ở Tam Đảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cần nghiên cứu các kinh nghiệm bản địa

Theo ông phải có chính sách làm sao để kích thích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất thuốc thảo mộc, sinh học, nông dân chịu dùng thuốc thảo mộc, sinh học?

Tôi đọc báo thấy chuyện nhiều nông dân tự chế thuốc bảo vệ thực vật từ thảo mộc, nên chăng ta phát triển từ kinh nghiệm bản địa đó để tăng hiệu lực của chúng lên. Chứ như hiện nay cách làm đó phần lớn chỉ là xua đuổi sâu bọ chứ không phải là tiêu diệt. Đó là một khoảng trống mà tôi rất tiếc là dân đang làm nhưng chúng ta lại không nghiên cứu, hoàn thiện nó lên để phổ biến.

Phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm thuốc sinh học, thảo mộc như việc trồng cây neem ở những vùng khô hạn. Neem đa tác dụng, vừa che phủ giữ nước, vừa bào chế thảo mộc, phân bón hữu cơ. Phải đưa nó vào các chương trình xóa đói giảm nghèo hay nông nghiệp hữu cơ. Để doanh nghiệp tự đầu tư hết thì sẽ rất rủi ro.

Chị Cuối - chủ trang trại Quý - Cuối ở huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đang nếm thử thuốc trừ sâu tự chế. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Cuối - chủ trang trại Quý - Cuối ở huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đang nếm thử thuốc trừ sâu tự chế. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phải tăng cường tuyên truyền nhưng đa dạng hơn chứ khô cứng, đơn điệu là thất bại vì chúng không đến được với nông dân. Có những lớp học nông dân sau khi cầm định mức 50.000đ để ra về đã bảo: “Các thầy cứ nói mãi nhưng cuối cùng chúng tôi cũng không hiểu cách làm như thế nào”. Đó là điểm yếu của các lớp tập huấn hiện nay. Phải tập trung vào những gì dân đang mắc hơn là đi lại từ đầu đến cuối toàn là lý thuyết. Phải giáp đáp những dịch hại cây trồng này vào thời điểm nào, chữa bằng thuốc gì.

Giống như chương trình bệnh viện cây trồng, bác sĩ cây trồng chúng tôi thực hiện ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, các đại lý phải có danh sách thuốc màu vàng, màu xanh, không có màu đỏ. Màu xanh là thuốc rất an toàn, thuốc sinh học còn màu vàng là thuốc nhóm 3, khi không có biện pháp nào khác, hoặc những thuốc màu xanh không trừ được. Khi làm chương trình ở Đông Hà, tỉnh Quảng Trị thấy có tấm pano to như tòa nhà 2 tầng đặt ở nơi công cộng, hướng dẫn các biện pháp sản xuất rau VietGAP, các chế phẩm được phép dùng là gì. Chúng đập vào mắt người dân, khiến họ nhớ rất lâu.

Chị Cuối - chủ trang trại Quý - Cuối ở huyện Đan Phượng, TP Hà Nội tự tin ăn thử rau ngay trên cánh đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Cuối - chủ trang trại Quý - Cuối ở huyện Đan Phượng, TP Hà Nội tự tin ăn thử rau ngay trên cánh đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước ở Sơn La, Hưng Yên trong chương trình bệnh viện cây trồng, sức khỏe cây trồng chúng tôi cũng có làm những tấm bảng hướng dẫn xanh, vàng như thế đặt ở một số điểm. Ở đó có kê vài cái bàn, dân mang mẫu đến hỏi bị sâu bệnh gì, dùng thuốc gì thì có cán bộ của Chi cục Bảo vệ Thực vật hướng dẫn, sau đó kê đơn cứ ra các đại lý mà mua thuốc. Các địa điểm này hoạt động theo mùa vụ và hoàn toàn miễn phí.

Các đại lý thì cũng treo bảng thuốc màu xanh, vàng như thế để dân chọn lựa. Cách kê đơn độc lập với bán thuốc như thế hạn chế được việc đại lý toàn hướng cho dân những mặt hàng họ muốn bán, lãi nhất dù là cấm hay độc hoặc tồn kho. Cách đó thực tế hơn là tập huấn đơn thuần vì đi vào những thứ dân đang cần.

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã làm hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật để xem xét công nhận nó như một tiến bộ kỹ thuật để phổ biến áp dụng trong thực tiễn sản xuất. Tuy nhiên hiện tại đã có chương trình IPHM, chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp nên chưa được xem xét riêng mà sẽ lồng ghép vào chương trình hiện nay đang triển khai IPHM. Sau này tiếc là đã không duy trì, mở rộng các bệnh viện cây trồng được bởi không ai trả lương cho các bác sĩ đứng ra chẩn đoán bệnh.

Ngoài các lớp học, qua báo đài nên tuyên truyền qua mạng, zalo, facebook. Như Indonesia họ có phần mềm điện thoại, nông dân chỉ cầm mẫu cây trồng bị sâu bệnh, đưa lên trước ống kính là biết bệnh gì, được tư vấn miễn phí. Ta nên tập hợp thành những cộng đồng kiểu HTX hay tổ hợp tác rồi nông dân có cam kết làm đúng theo quy trình và có sự giám sát của cộng đồng, còn đại lý cam kết không bán thuốc không có nguồn gốc.

Đừng tưởng hoa hồng là không có độc

Nông dân thường không thấy hậu quả nhãn tiền của thuốc bảo vệ thực vật hóa học độc hại, thuốc lậu, thuốc cấm, theo ông có nên tuyên truyền mạnh về di họa của chúng với nòi giống của người Việt sau này?

Theo tôi phải có những chương trình đưa ra những câu chuyện bằng các clip, các bản tin về các tác hại của các loại thuốc độc, tác động cụ thể ra sao đến giống nòi. Như bây giờ bệnh ung thư nội tạng ở nông thôn đang rất nhiều. Dân nông thôn bảo sống trong môi trường sạch nhưng lại bị nhiều ung thư như thế thì chưa chắc. Đó có thể là do hậu quả của thuốc bảo vệ thực vật độc hại tích tụ đã bao năm mà không ai điều tra cả. Ngành y phải kết hợp với ngành nông nghiệp để cùng đồng hành, đánh giá lại về hiện tượng này.

Trong thực tế đã có những vùng trước đây là kho thuốc, về sau thành làng ung thư, đó là những bằng chứng sống cần cảnh báo. Trước tiên, các tỉnh cần xem lại những vùng sản xuất hàng hóa chính đang có vấn đề, tập trung vào đó mà tháo gỡ.

Phun thuốc trừ sâu cho hoa hồng ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phun thuốc trừ sâu cho hoa hồng ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đừng tưởng hoa hồng là không có độc. Những năm 1996, 1997 chúng tôi làm chương trình Bánh mì Thế giới, bà chuyên gia Đức có nói: “Hiện nay các ông đang dùng nhiều thuốc trên hoa hồng cũng như hoa nói chung. Chính mọi người đang sai lầm khi nghĩ hoa không phải là thực phẩm nên không độc nhưng khi cắm hoa trong phòng, những cao phân tử của thuốc vẫn bốc hơi, gây độc cho người khi hít phải mà không hề hay biết”. Thực tế hoa hồng của chúng ta đang dùng thuốc như tắm. Tóm lại mọi sản phẩm đều phải an toàn chứ không chỉ là loại ăn vào bụng.

Viện Bảo vệ Thực vật vừa rồi đã nghiên cứu ra 1 loại tuyến trùng thiên địch trừ bọ nhảy rất tốt, đã được công nhận là thuốc bảo vệ thực vật và sẽ có cơ hội phát triển. Chúng ta cũng nên xem xét có thể kết hợp cả sinh học và hóa học với tỷ lệ nhỏ để hỗ trợ diệt tốt hơn bởi hiện nay thuốc sinh học dân sợ diệt không hết. Phải có những phương án như thế nếu không họ sẽ lén dùng thuốc cấm, thuốc lậu gây độc, kháng nhanh, tạo ra những chủng mới vì sâu bệnh bị ép đến mức phải đột biến để mà tồn tại.

Chính vì thế nguyên tắc là có chỗ để cùng tồn tại cả sâu hại và thiên địch sống cộng sinh, tự điều tiết nhau. Nếu diệt hết cả sâu hại thì thiên địch của chúng hết thức ăn cũng không tồn tại. Đừng có tư duy phải diệt hết sâu bệnh. Nghiên cứu hiện nay cho thấy khi bị sâu bệnh tấn công cái cây cũng phản ứng y như con người, chúng tạo ra miễn dịch đến lúc không chống được thì mới thôi, chịu để sâu bệnh ăn. Đó là nguyên lý của muôn đời…

Môi trường xanh ở vùng trồng su su của xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Môi trường xanh ở vùng trồng su su của xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Các Chi cục Bảo vệ Thực vật đã sáp nhập với Phòng Trồng trọt của Sở, chức năng chuyên ngành không còn tập trung nữa. Như Hà Nội giao quản lý thuốc bảo vệ thực vật cho xã, phường còn chi cục chỉ kiểm tra thường kỳ mỗi năm 1 lần, khi có dấu hiệu vi phạm mới kiểm tra đột xuất. Trước khi sáp nhập thì đã là thiếu thanh tra chuyên ngành rồi. Theo thống kê của Hội Bảo vệ Thực vật hiện mỗi cán bộ thanh tra chuyên ngành phải quản lý 290 đại lý bán thuốc, gần như mỗi người phải quản lý đến 100.000 hộ. Lực lượng mỏng, giờ sáp nhập lại quản lý chung quá nên kém hiệu quả.

Một bất cập của chương trình VietGAP là không phải nó quá khó làm mà là sản phẩm làm ra bán giá không khác gì sản phẩm thông thường, ý kiến ông thế nào?

Tôi thấy đó là thực tế hiện nay bởi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Bởi thế phải gom lại thành những tổ hợp tác, HTX để tạo ra vùng sản xuất lớn thì mới bán được. Tuy nhiên với số lượng nông dân quá lớn, tất cả đều làm thế thì liệu mạng lưới cửa hàng có tiêu thụ được hết không? Giờ chợ quê, chợ cóc vẫn nhiều, khi người tiêu dùng vẫn còn nhu cầu mua bán ở đó với giá rẻ thì nông dân còn sản xuất kiểu ít quan tâm đến chất lượng. Bài toán sức lao động, giá thành, chợ cóc là khá khó giải.

Sản phẩm su su của xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sản phẩm su su của xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Để thuốc lậu dùng bừa bãi như thế này theo ông trách nhiệm của ai, của những cơ quan nào?

Cả thế giới bây giờ đều hướng đến một nền nông nghiệp có trách nhiệm nhưng không phải là chung chung mà của từng khâu, từng thành phần rõ ràng.

Thứ nhất đó là trách nhiệm của lực lượng biên phòng, công an, quản lý thị trường ở các cửa khẩu phải ngăn được hàng thuốc lậu.

Thứ nhì là trách nhiệm của các cơ quan quản lý thuốc phải loại bớt những hoạt chất có hại, như chính gợi ý của Hội thuốc Bảo vệ Thực vật là nên giảm 30% số lượng thuốc đã đăng ký. Thêm vào đó phải tăng cường cho thanh tra chuyên ngành, nên bổ sung, phục hồi lại lực lượng này.

Thứ ba là trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất thuốc sâu phải chọn các chủng loại bảo vệ được sức khỏe của nông dân lẫn người tiêu dùng nông sản.

Thứ tư là trách nhiệm của các đại lý thuốc khi bán phải tư vấn đúng cho nông dân, không đơn thuần chạy theo lợi nhuận.

Thứ năm là trách nhiệm của nông dân không được dùng những hóa chất gây độc cho cộng đồng và cho cả chính mình.

Thứ sáu là trách nhiệm của những người bán nông sản không được nhập hàng không rõ nguồn gốc và chất lượng.

Cuối cùng là trách nhiệm của chính người tiêu dùng không tiếp tay một cho việc lạm dụng thuốc sâu bằng cách mua hàng nông sản trôi nổi,  không rõ nguồn gốc, cách thức sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.