| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp trách nhiệm

Trò chuyện với chủ vườn rừng có nguyên tắc không diệt sâu bọ

Thứ Sáu 18/03/2022 , 15:05 (GMT+7)

Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra trong âm thanh của tiếng chim sâu lích rích, tiếng ong vo ve, tiếng chẫu ộp oạp ở khu vườn rừng ngập màu xanh rộng 4 ha

Mối lương duyên từ sự thất vọng

Đó là khu vườn rừng mặt ngoảnh ra sông Đà, lưng tựa vào núi Tản tại xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) của chị Đinh Thị Song Nga - Chủ phòng khám Đông y Thiên Lương. Từ một vạt đồi trọc, chỉ sau 13 tháng những cây ăn quả, dược liệu đã mọc lên với tốc độ nhanh còn trên cả sự mong đợi…

Cái duyên đến với nông nghiệp sạch của chị Nga là từ sự thất vọng về chất lượng nông sản mình đang sử dụng. Ngay cả những vườn được gọi là hữu cơ, không thấy thiên địch, hoàn toàn phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật sinh học mà thành phần phụ gia trong đó cũng khó có thể biết được là những gì. Bởi thế chị thuê ½ một vườn ở xã Trác Văn (Duy Tiên, Hà Nam) để tự trồng theo kiểu hữu cơ.

Chị Đinh Thị Song Nga bên một góc vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Đinh Thị Song Nga bên một góc vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi thấy có sâu, người lao động bảo: “Bác ơi, nhiều sâu thế này để em phun một phát cho chúng chết hết đi”. Chị vội đáp: “Không được”. Theo dõi thực tế, chị đã lên danh sách trong sổ của mình bao nhiêu loại rau không cần phun thuốc và bao nhiêu loại rau nếu không phun thuốc thì khó được ăn như bắp cải, su hào, súp lơ, cải.

Quan điểm của chị là cứ trồng được thì ăn, không thì thôi, sâu cũng không cần bắt bởi công đâu cho xuể. Với cách làm đó, chị mất 2 lứa rau đầu nhưng về sau rau tuy rách te tua mà vẫn được ăn lại còn ngon hơn tưởng tượng. Sau này khi chuyển lên Hà Nội chị thuê vườn ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ để tiếp tục trồng rau. Đầu tiên chị gieo vừng, cốt khí nhằm cải tạo đất, ngày nào cũng cùng mẹ đi tắc xi từ nhà ở khu ngoại giao đoàn đến vườn, cả đi lẫn về hết 130.000đ, quen đến mức mấy anh lái xe cũng tò mò hỏi: “Chị làm gì đấy mà ngày nào cũng ra đây?”. Nghe chị trả lời là làm vườn, họ giật mình: "Làm vườn mà chị đi tắc xi”.

Chị Đinh Thị Song Nga ủ phân hữu cơ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Đinh Thị Song Nga ủ phân hữu cơ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhưng đến khi đất tốt rồi, chị định trồng rau thì người ta đòi lại đất, ủi sạch băng mọi thứ đi rồi phun thuốc trừ cỏ giống như kiểu canh tác cũ. Không tiếc tiền của, công sức đổ vào đó, chị chỉ tiếc giá như người ta làm theo kiểu hữu cơ thì coi như mình đã làm phúc cho đời.

“Sau 4 năm thuê đất làm vườn như thế tôi rút ra kinh nghiệm là không phun thuốc trừ sâu mà vẫn được thu. Con tôi thấy mẹ lao tâm khổ tứ, thương quá mới bảo: “Giờ không có tiền cũng phải mua vườn cho mẹ”. Hai mẹ con lang thang đi tìm, mất 1 tháng thì mới được, đến tận bây giờ sau 13 tháng mua vẫn chưa trả hết tiền. Mới đặt cọc thôi tôi đã xin nhà chủ cho làm lễ nhập trạch để lên ở. Tôi nhất tâm theo đuổi mô hình vườn rừng bởi nghiên cứu rất nhiều mô hình nông nghiệp, rồi đúc kết nó là phù hợp nhất vì cho ra nông sản ngon nhất, bảo vệ môi trường tốt nhất.

Chỉ có làm vườn rừng mới giữ được nước, không gây ra thiên tai lũ lụt. Chỉ có làm vườn rừng mới có đa dạng sinh học, kiểm soát được dịch bệnh. Chứ còn làm kiểu độc canh thì vẫn phải sử dụng thuốc trừ sâu, kể cả là sinh học đi chăng nữa”.

Nguồn nước suối dẫn về vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nguồn nước suối dẫn về vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dù trên thế giới đã có những trường học, bộ môn đào tạo về vườn rừng nhưng ở ta đó vẫn là điều mới, bởi thế chị Nga phải tìm đến những tổ chức phi chính phủ và tình cờ biết Greenhub. Ở đây chị được anh Dương Tuấn nhận thiết kế miễn phí với điều kiện cho Greenhub sử dụng hình ảnh vườn rừng của mình để tập huấn. 1 tuần sau thì bản thiết kế ra đời gồm: Giao thông nội bộ; Các đường, mương đồng mức để giữ nước; Cơ cấu cây trồng; Kết hợp trồng trọt với chăn nuôi. Đó là chia theo không gian, theo địa hình, còn theo thời gian thì năm đầu trồng những cây gì, các năm sau trồng những cây gì.

Có nhiều cách bảo vệ thực vật, thứ nhất là thuốc hóa học, thứ hai là thuốc sinh học, thứ ba là để tự cân bằng tự nhiên, theo tôi đó là cảnh giới cao nhất, vừa nhàn, đỡ tốn tiền lại vừa bền vững nhất

Màu xanh của vườn rừng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Màu xanh của vườn rừng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu vườn có 250 loại cây

Chị kể: “Vườn hiện có 250 loại cây nhưng tôi không tách bạch cây dược liệu với cây lương thực, thực phẩm như ngô, lúa bởi với tôi chúng hòa lẫn hết. Như cây khoai sọ kia bảo là gì? Lương thực, thực phẩm cũng được mà cây thuốc cũng được. Chẳng cái gì không là cây thuốc cả. Tôi chỉ phân chúng theo cây lâu năm, cây ngắn ngày; cây rễ cọc, cây rễ chùm; cây tầng tán cao như dổi, mun sừng, xá xị, sưa, giáng hương, tán trung như mít, hồng xiêm, tán thấp như ổi, bưởi, cam, thấp hơn nữa là cây bụi như dâu tằm, cây là là mặt đất như kim tiền thảo, thảo quyết minh, bò dưới đất như lạc dại.

Vườn rừng phục vụ cho cả nhu cầu dược liệu của phòng khám lẫn cung cấp rau, thực phẩm cho khách hàng. Bệnh nhân uống thuốc của tôi mà cứ đi ăn rau, thực phẩm không an toàn cũng bó tay. Tất cả những ai thức khuya, tắm đêm, ăn đồ công nghiệp, rau chợ tôi không nhận chữa bởi không chữa được. Đầu tiên là đường ruột hỏng do nạp toàn thực phẩm bẩn, sau đó hệ cơ, xương, khớp bị ảnh hưởng, thậm chí ung thư hay có những bệnh không thể định danh.

Những luống dược liệu lên xanh tốt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những luống dược liệu lên xanh tốt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ở các thành phố suốt ngày hít khói bụi, khi bụi mịn vào phổi, cơ thể huy động các đại thực bào để nuốt bụi đi, quá nhiều đại thực bào thì cơ thể rối loạn, lúc nào cũng căng thẳng như chiến tranh thì làm sao có trật tự để vận hành theo quy luật tạo hóa được? Mà sau chiến tranh, bạch cầu đánh nhau với vi khuẩn tạo ra một đống xác chết, độc tố thì cơ thể mất thăng bằng ngay. Muốn khỏe mạnh, đầu tiên là phải ăn uống lành sạch, hít thở không khí lành sạch.

Tôi muốn khu vườn của mình được kiểm soát bệnh hại bằng đa dạng sinh học, có thật nhiều chim, rắn, chuột, cóc, ếch, nhái, ong, chuồn chuồn, bọ ngựa…nên tìm cách tạo môi trường lý tưởng để chúng có thể chung sống theo quy luật sinh khắc. Lúc mới trồng, súp lơ, cải bắp của vườn rừng có rất nhiều sâu, công nhân bảo phun, dù đã chuẩn bị sẵn 5 lít dầu neem (loại dầu tự nhiên, trị sâu bọ) tôi vẫn bảo: “Cứ bình tĩnh, để đấy đã”. Mấy hôm sau chim sâu đến nhặt hết. Các tầng tán ở vườn rừng có nhiều tác dụng, lũ chim sâu làm tổ trên những cây bưởi, cây lát, cây trám.

Chị Đinh Thị Song Nga kiểm tra rễ một loại cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Đinh Thị Song Nga kiểm tra rễ một loại cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

100 cây cải bắp chỉ có 1 cây bị nặng nhất nhưng vẫn cuộn, vẫn được ăn, còn những cây khác lá bên ngoài tuy lỗ chỗ nhưng bên trong vẫn tốt. 100 cây ổi sâu chỉ tập trung ăn có 2 cây nhưng sau đó cái cây đã “khôn”ra. Khi con sâu chạm vào lá là cái cây phát ra tín hiệu huy động tất cả nguồn lực của nó để chống lại, tạo ra chất để sâu bọ chán. Có cây còn “khôn” hơn gọi những con thiên địch đến ăn sâu. Làm sao tôi biết? Cái đó thế giới họ đã nghiên cứu còn tôi chỉ thấy sau mỗi lần sâu tập trung ăn một vài cây như thế, chúng lại phục hồi và vụ sau không thấy ăn mấy nữa.

Sâu cuốn lá thì hầu như cây nào cũng bị nhưng dù bị chỉ một thời gian thôi. Tất nhiên, sản lượng có giảm đi nhưng thà như thế còn hơn là ăn thuốc sâu. Nếu trồng đúng mùa rau rất to, ăn rất ngon còn trái mùa thì khó hơn. Bình thường chim vẫn làm tổ trên các cây cao, những ngày mưa gió đêm nằm tôi lại nghĩ thương chúng phải vật lộn, chống chọi. Thôi thì làm cho chúng một ít tổ, hôm qua tôi mới làm 5 tổ bằng gỗ và 5 tổ bằng cỏ bện, sắp tới còn phát triển thêm nữa.

Thêm vào đó tôi còn làm thử 1 cái khách sạn côn trùng, ở dưới là những khúc gỗ gác ngang gác dọc, ở trên có những tấm gạch phế thải che mưa che nắng. Côn trùng rất thích chui vào đó. Và trong vườn nhà tôi còn có rất nhiều chỗ trú ẩn tự nhiên cho côn trùng nữa".

Làm tổ cho chim. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làm tổ cho chim. Ảnh: Dương Đình Tường.

Muôn loài cùng chung sống

Nguyên tắc lớn nhất của tôi là tạo điều kiện để cho muôn loài cùng chung sống, không phân biệt là thiên địch hay sâu bọ bởi có lúc chúng có lợi có lúc lại hại. Như con bọ ngựa bình thường ăn sâu bọ nhưng lúc đói lại ăn lẫn nhau. Khi tự nhiên đã cân bằng thì các loài kiểm soát nhau, giống như trong xã hội dù có tốt đến mấy vẫn có người xấu, triệt họ thì giết hết à? Mà trong bản thân mình cũng có lúc tốt lúc xấu.

Tôi không giết sâu, đợt vừa rồi tôi trồng cúc thấy có rệp nhưng không phun, chờ 3 ngày sau rất nhiều bọ rùa đến, 3 ngày nữa không còn con rệp nào. Ở trong đất nhà tôi có rất nhiều kiến ba khoang, chúng đi nhanh lắm, một ngày tầm soát không biết bao nhiêu ki lo mét thì con sâu nào có thể thoát khỏi? Rồi con bọ đuôi kìm cũng thế. Đấy là chưa nói đến bọn ong mắt đỏ, bọn nhện bắt mồi…Sâu nó vẫn ăn rau chứ và hãy để nó ăn ít một ít đi bởi nguyên lý là không có sâu làm sao có con ăn sâu? 

Khách sạn côn trùng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khách sạn côn trùng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Muốn có kinh tế phải sâu sát 2 ngưỡng: ngưỡng thiên địch và ngưỡng sâu bệnh. Nếu cảm thấy sâu nhiều quá mà thiên địch không tiêu diệt nổi, gây hại cho vườn thì phải tăng thiên địch lên bằng cách nhân nuôi. Mà thiên địch nhiều quá lại không có sâu thì ăn thịt lẫn nhau hay chết đói hoặc bỏ đi. Làm chế phẩm diệt sâu cho dù bằng gừng, tỏi, ớt đi chăng nữa cũng vừa mất của, vừa mất công”, chị tâm sự.

Ban đầu ngoài mua phân dơi để cải tạo đất, chị tự túc phân bón bằng chính những cây ở trong vườn, kali có nhiều trong chuối, dã quỳ, cộng sản, đa lượng có nhiều trong chùm ngây, phốt pho có nhiều trong mía, lá lốt, đạm có nhiều trong các cây họ đậu. Tất cả chỉ đơn giản là cắt, phủ gốc, luống rồi vùi đất lên, tưới nước suối trên rừng về vốn có nhiều vi sinh bản địa vào.

Không vì lợi nhuận vắt kiệt sức đất, chị trồng xen canh, luân canh với cây họ đậu để cải tạo đất. Cây để phát triển tự nhiên, đủ ngày, đủ tháng, đừng thúc bách chúng. Không được gieo mau mà phải thưa ra, cho cây có đủ ánh sáng quang hợp và tăng sức đề kháng. Đừng tưới nhiều quá mà rửa trôi dinh dưỡng, thay vì thế lại che phủ. Phải tạo hết điều kiện cho vi sinh trong đất phát triển bởi theo định luật bảo toàn năng lượng thì vật chất không tự nhiên sinh ra, mất đi mà chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác.

Những cây bắp cải từ vườn rừng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những cây bắp cải từ vườn rừng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị không lạm dụng cây chiết bởi toàn là rễ chùm, còn cây trồng bằng hạt mới tạo ra rễ cọc mà rễ cọc đâm rất sâu xuống đất, kéo dinh dưỡng lên nuôi thân lá. Vườn hầu như không có một giọt nước chảy ra ngoài nhờ thứ nhất có các mương đồng mức, từ chân đồi lên đến đỉnh rộng khoảng 1 m, sâu 70cm trong đó chứa cành cây, vỏ lạc để chúng tựa như miếng bọt biển, khi mưa nước dồn xuống đó và ngấm dần. Thứ nhì có các tiểu bậc thang như trồng rau không đánh luống thẳng mà theo đường đồng mức, ở đầu luống chặn lại, những chỗ chảy mạnh quá, mới đào hố.

Ngoài ra những cây rễ cọc, cỏ ventiver cũng giúp cho nước thấm sâu, khi có nguy cơ cỏ cạnh tranh quang hợp với cây trồng chính chỉ phát chứ không  nhổ bởi rễ cỏ giữ nước, giữ ẩm cho vườn. Nhờ đó mà mực nước ngầm được nâng lên rõ rệt.

Vẻ đẹp của vườn rừng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vẻ đẹp của vườn rừng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị nhẩm tính, năm đầu tiên làm vườn rừng lỗ, năm thứ hai sẽ trả được lương công nhân (8 người) nhờ củ mài, rau, cúc hoa và thu mua nông sản tự nhiên của bà con. Sang năm thứ ba sẽ trả được tiền sắm những loại máy móc, đến năm thứ tư sẽ có lãi nhờ hàng trăm cây ổi, táo, cam, sắn dây, ba kích, cúc hoa…Lãi lớn nhất thu được từ vườn rừng là thực phẩm sạch giàu dinh dưỡng, dược tính, hơn nữa còn tạo ra không khí, đất, nước trong lành, phòng chống lũ lụt, biến đổi khí hậu.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.