| Hotline: 0983.970.780

Thủ phủ chè Thái Nguyên có 5.148ha chè VietGAP, hữu cơ

Chủ Nhật 10/11/2024 , 19:22 (GMT+7)

Thông tin trên được Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên cung cấp tại diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao' tổ chức ngày ngày 5/11 tại Phú Thọ.

Trồng chè giúp nhiều hộ gia đình ở Thái Nguyên khá giả. Ảnh: NNVN.

Trồng chè giúp nhiều hộ gia đình ở Thái Nguyên khá giả. Ảnh: NNVN.

Diễn đàn do Hội Làm vườn Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) cùng phối hợp thực hiện. Thái Nguyên hiện là địa phương có sản lượng, diện tích chè dẫn đầu cả nước với quy mô gần 22,5 nghìn ha, sản lượng búp tươi đạt trên 267,5 nghìn tấn, giá trị sản phẩm đạt 12,3 nghìn tỷ đồng. “Quả ngọt” ấy có được là nhờ tỉnh đã tập trung ứng dụng một số giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến các sản phẩm trà.

Cụ thể, trồng mới, trồng cải tạo lại những nương chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến trà xanh cao cấp, đặc sản để đa dạng hóa các sản phẩm trà. Từ năm 2021 đến nay, mỗi năm toàn tỉnh tổ chức trồng mới, trồng lại trên 400ha chè, nâng tỷ lệ diện tích chè giống mới có năng suất, chất lượng cao lên 18.376ha, chiếm 82,7% tổng diện tích. 

Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, chất lượng. Đây được xác định vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ, giải pháp mang tính then chốt, quyết định sự phát triển bền vững của chè Thái Nguyên.

Những năm gần đây, người trồng chè Thái Nguyên đã chuyển mạnh sang sản xuất chè hữu cơ, VietGAP. 

Những năm gần đây, người trồng chè Thái Nguyên đã chuyển mạnh sang sản xuất chè hữu cơ, VietGAP. 

Trong 5 năm trở lại đây, diện tích chè áp dụng sản xuất an toàn tăng nhanh. Toàn tỉnh đã có 5.148ha chè đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ (trong đó chứng nhận VietGAP 5.068ha, hữu cơ 80ha), chiếm gần 23% tổng diện tích.

Cùng với đó, các địa phương tiếp tục tập trung phát triển mạnh ứng dụng quy trình canh tác chè an toàn, chất lượng, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm và thuốc trừ sâu sinh học; thâm canh chè ứng dụng công nghệ tưới nước chủ động, tiết kiệm, đến nay đã có gần 7.000ha ứng dụng công nghệ này (chiếm 30% diện tích chè toàn tỉnh).

Khâu chế biến trong thời gian qua cũng được các cơ sở sản xuất tăng cường đầu tư, sử dụng máy sao chè bằng gas, bằng điện, nhất là khâu đóng gói, bảo quản (sử dụng máy hút chân không, máy ủ hương, bảo quản lạnh), dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tại các vùng chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, người dân đã được tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn xây dựng, thiết lập và đề nghị cấp mã số vùng trồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện hướng dẫn, quản lý, giám sát 47 mã vùng trồng chè (25 mã xuất khẩu và 22 mã nội tiêu) được gắn định vị trên hệ thống GPS toàn cầu để thực hiện theo dõi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tuân thủ tốt các tiêu chí theo quy định.

Chè Thái Nguyên hiện đã được chế biến thành nhiều sản phẩm tiện ích. Ảnh: NNVN.

Chè Thái Nguyên hiện đã được chế biến thành nhiều sản phẩm tiện ích. Ảnh: NNVN.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, HTX chè tích cực liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, đến hết năm 2023 đã có 151 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao. Thực hiện ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm chè của tỉnh, đến nay cơ bản các sản phẩm trà đạt chứng nhận OCOP đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử của C-ThaiNguyen, Vỏ Sò (voso.vn), Postmart (postmart.vn).

Đặc biệt, sản phẩm trà Thái Nguyên còn được tiêu thụ thông qua các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Thông qua điểm bán hàng Việt Nam, các sản phẩm trà của nhiều đơn vị, doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần chè Hà Thái, Công ty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu Thái Minh, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên, Công ty Cổ phần trà Việt Thái, Công ty Cổ phần chè Tân Cương Hoàng Bình, Công ty Cổ phần trà Sương Mai Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV Thương mại Hùng Thái, HTX chè Hảo Đạt, HTX chè an toàn Sơn Thành, HTX trà Nhất Thiên Hương…được giới thiệu bằng kênh phân phối chính thức đến tận tay người tiêu dùng, tránh hàng giả, hàng nhái.

Sản xuất chè theo hướng hữu cơ, an toàn đang ngày càng được nông dân Thái Nguyên chú trọng. 

Sản xuất chè theo hướng hữu cơ, an toàn đang ngày càng được nông dân Thái Nguyên chú trọng. 

Hiện đã có rất nhiều công ty, HTX chè thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển sang sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, đa dạng mẫu mã sản phẩm, đồng thời phát triển sản xuất, tiêu thụ gắn với du lịch cộng đồng. 

Để phát triển ngành chè Việt Nam, chè Thái Nguyên ngày càng lớn mạnh, tỉnh Thái Nguyên đề nghị các tỉnh, thành phố trên cả nước hợp tác, hỗ trợ trong công tác quản lý thương hiệu chè Thái Nguyên, nghiêm cấm việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ hợp tác với Thái Nguyên để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè an toàn, nhất là chế biến sâu các sản phẩm từ chè thành các loại đồ uống, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.