Sáng 2/7, Văn phòng Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2024.
Trong 6 tháng đầu năm, Văn phòng Bộ NN-PTNT đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, triển khai kịp thời và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất, bổ sung được triển khai kịp thời theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, tham mưu, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc các đơn vị xây dựng chương trình, đề án quan trọng do Bộ chủ trì; tham mưu cho Bộ chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.
Văn phòng Bộ đã tổ chức rà soát, thống kê, công bố TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ (tổng số 127 TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình). Tổ chức rà soát, thống kê, trình công bố danh mục thành phần hồ sơ phải số hóa đối với 239 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ.
Thực hiện tốt cơ chế một cửa tại bộ phận tiếp nhận và trình ký phát hành văn bản của Bộ đảm bảo kịp thời, chính xác. Trong 6 tháng, đã tiếp nhận và trình lãnh đạo Bộ ký gần 3.000 văn bản, phát hành trên 6.000 văn bản; tiếp nhận, nhập tin, trình xử lý trên 18.200 văn bản đến. Đồng thời, triển khai các nội dung đầu tư hợp phần số 1 Dự án xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số của Bộ NN-PTNT giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh việc gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông văn bản quốc gia.
Hằng tháng, quý tổ chức thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về kết quả công tác của Bộ, ngành và việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, nhất là các giải pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản…
Trên cơ sở đó, trong 6 tháng cuối năm, Văn phòng Bộ NN-PTNT tiếp tục tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo thông suốt, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.
Thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC, rà soát, thống kê, công bố, công khai TTHC nội bộ giữa các cơ quan thuộc phạm vi quản lý của Bộ giai đoạn 2022 - 2025. Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Đầu mối tham mưu, triển khai nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Bộ. Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết 19 của Đảng và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến 2030 đảm bảo thiết thực, hiệu quả...
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Văn phòng Bộ đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp có sự phát triển vượt bậc khi tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,2 tỷ USD (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023); thặng dư thương mại toàn ngành trên 8 tỷ USD (tăng hơn 62%). Để có được kết quả đó, có sự đóng góp rất quan trọng của Văn phòng Bộ trong việc tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo, điều hành, kịp thời đưa ra những chủ trương, chính sách, điều chỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Thứ trưởng cũng lưu ý, 6 tháng cuối năm, Văn phòng Bộ tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới công tác kiểm soát chặt chẽ TTHC; tham mưu cắt, giảm, đơn giản hóa TTHC, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xóa bỏ tình trạng chậm trễ, máy móc khi nhận và triển khai nhiệm vụ; tạo hành lang pháp lý, không gian thông thoáng cho các hoạt động của Bộ, ngành, người dân, doanh nghiệp. Song song đó, đẩy mạnh công tác truyền thông chủ trương, chính sách, hoạt động của Bộ, ngành để tạo động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững, khẳng định vị thế của ngành nông nghiệp.