| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng ghi nhận sự chuyển đổi mạnh mẽ của ngành nông nghiệp

Thứ Tư 03/01/2024 , 14:02 (GMT+7)

'Trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng...', Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Chiều 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính - trụ sở Bộ NN-PTNT tại Hà Nội - đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ NN-PTNT, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đại diện Bộ NN-PTNT tặng Thủ tướng Phạm Minh Chính bình gốm với thông điệp 'Chạm để kết nối'.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đại diện Bộ NN-PTNT tặng Thủ tướng Phạm Minh Chính bình gốm với thông điệp "Chạm để kết nối".

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ; toàn ngành đã thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng các đại biểu xem phim tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng các đại biểu xem phim tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Năm 2023, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở những mặt, lĩnh vực như: Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây , đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay (12,07 tỷ USD, tăng 43,7%).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tham quan gian trưng bày tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tham quan gian trưng bày tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tất cảTổng thuật

16 giờ 30 phút

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ tín dụng cho ngành nông nghiệp

ttg2

Thủ tướng khẳng định Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ về tín dụng cho ngành nông nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sản xuất lương thực, thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát. Dịch vụ ăn uống chiếm 33,56% trong “rổ” hàng hóa dịch vụ tính CPI.

Các kết quả góp phần khắc phục giải quyết, đạt mục tiêu, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm, nông dân thực sự là chủ thể, trung tâm của xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững. Bên cạnh khái quát một số kết quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số điểm quan trọng khác.

Thứ nhất, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và xây dựng thể chế, Bộ NN-PTNT đã cùng các Bộ, ngành, các địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ một cách linh hoạt, sáng tạo, tập trung xây dựng, trình nhiều chương trình, đề án như Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; Dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp… Tổ chức nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế như Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam, Festival tôm, Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo. Cùng các Bộ, ngành xây dựng một số luật được thông qua như Luật Bất động sản, Luật Nhà ở và tích cực hàon thiện luật liên quan đến nông nghiệp như Luật Đất đai, Luật Tổ chức tín dụng.

Bộ NN-PTNT cũng đã chủ động đề xuất lãnh đạo Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. Trên cơ sở đề xuất của Bộ NN-PTNT, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 70%. Từ đó, Thủ tướng khẳng định Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ về tín dụng cho ngành nông nghiệp.

Thứ hai, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng nông dân trí thức. Đây là những tư tuởng mới hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao trình độ, năng lực hiểu biết, cũng như kỹ năng của nông dân.

Trên tinh thần đó, ngành nông nghiệp đã có tốc độ tăng trưởng GDP 3,83%, cao nhất trong thời gian vừa qua. Theo Thủ tướng, đây là mức đóng góp cao, giải quyết được vấn đề việc làm ở nông thôn, giải quyết lạm phát, khẳng định vai trò trụ đỡ.

Thứ ba là mở cửa thị trường, phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị, chuyển đổi số, các địa phương triển khai thương mại điện tử tốt.

Bộ NN-PTNT cũng phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức nhiều hội nghị với cơ quanđại diện, thương vụ ở nước ngoài, triển khai thương mại biên giới, đặc biệt với Trung Quốc; Xây dựng đề án xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU; Bên cạnh đó, thích ứng linh hoạt, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tăng cường giao dịch thông qua sàn thương mại điện tử, hỗ trợ địa phương tiêu thụ nông sản; Làm việc với doanh nghiệp, thị trường bên ngoài để đa đạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng để tiếp cận thị trường tốt hơn.

16 giờ 20 phút

Thủ tướng ghi nhận sự chuyển đổi mạnh mẽ của ngành nông nghiệp

TTg1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng thành công của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng thành công của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

“Trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Ngành nông nghiệp Việt Nam từ bị động, lúng túng đã chuyển trạng thái sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế. Về sản xuất, chế biến, người dân và doanh nghiệp cũng chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong nông nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu là ngành hàng rau quả, với con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 2018 là 3,81 tỷ USD. Bên cạnh đó, sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1, với kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.

Thủ tướng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, theo đánh giá của các ngân hàng phát triển đa phương. Trong đó, thương mại nông, lâm, thủy sản góp phần ổn định đời sống người dân.

Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận đóng góp của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế: “Năm qua, Việt Nam xuất siêu 28 tỷ USD, một phần do chúng ta giảm nhập khẩu nguyên liệu chế biến. Các doanh nghiệp, nông dân có xu hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào nội địa, góp phần bình ổn thị trường”.

“Chúng ta có nhiều chủ trương đúng đắn trong bối cảnh an ninh lương thực đứng trước nhiều rủi ro. Với những sáng kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Việt Nam dần trở thành đất nước có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Vòng đời cây lúa ngày càng ngắn lại, 1 năm có thể sản xuất 3 vụ – đây là thành tựu của khoa học công nghệ về chọn tạo, nghiên cứu giống”, Thủ tướng bàn về vai trò đảm bảo an ninh lương thực của ngành.

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực đã trở thành nhà xuất khẩu gạo nằm trong tốp 3 thế giới. Nhờ các giống mới, chất lượng, các tiến bộ kỹ thuật, sản lượng lúa năm qua đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022 dù diện tích giảm khoảng 9.000ha.

Năm 2023, quy mô kinh tế nước ta đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thu nhập GDP khoảng 4.300 USD/người. “Trong thành tích chung của cả nước, nông nghiệp được mùa, được giá. Tôi ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của toàn ngành; đời sống bà con được nâng lên rõ rệt, đồng bào càng thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”, Thủ tướng nói.

16 giờ 05 phút

Sớm hợp tác toàn diện giữa ngành nông nghiệp và ngân hàng

ong dao minh tu

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm 2023 là rất đáng ghi nhận.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận xét, năm 2023 rất khó khăn. “1% tăng trưởng năm nay khó tương đương 7% những năm khác. Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp, vì thế, rất đáng ghi nhận”, ông Tú chia sẻ.

Sự phát triển của ngành nông nghiệp, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, thể hiện ở nhiều mặt như bộ mặt khang trang của nông thôn, sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều kênh phân phối, tình trạng “được mùa mất giá” không còn… Đặc biệt, an ninh lương thực luôn được giữ vững.

Xuyên suốt những năm qua, ngành ngân hàng và nông nghiệp luôn phối hợp chặt chẽ. Nguyên nhân, theo ông Đào Minh Tú, bởi doanh nghiệp nông nghiệp có nợ xấu thấp; mức dư nợ của nông nghiệp luôn chiếm khoảng ¼ toàn ngành kinh tế.

“Ngành ngân hàng không có giới hạn nào, về cơ chế chính sách, nguồn vốn, cũng như việc khoanh nợ, xóa nợ tại vùng thiên tai, trần lãi suất cho doanh nghiệp nông nghiệp luôn được ưu đãi ở mức tốt nhất - 4%”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bày tỏ.

Một trong những chương trình phối hợp lớn giữa ngân hàng và nông nghiệp trong năm 2023, là gói vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn, chương trình đến nay đã giải ngân được hơn 9.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở những kết quả thời gian qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan quan tâm, chỉ đạo ký hợp tác toàn diện giữa hai ngành trong thời gian sớm nhất.

15 giờ 55 phút

Hợp tác hiệu quả với khoa học công nghệ tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp

bo truong huynh thanh dat

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tham luận tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Huỳnh Thành Đạt cho rằng, ngành nông nghiệp là ngành đi đầu trong áp dụng thành tựu KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST), nhiều công nghệ mới được áp dụng trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, từ đó giúp đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới với các loại nông sản như tôm, hạt điều, tiêu, gạo.

Giai đoạn 2018-2023, Bộ NN-PTNT đã công nhận 215 giống mới, 121 tiến bộ kỹ thuật 42 sáng chế, 224 tiêu chuẩn kỹ thuật, 125 quy trình kỹ thuật được ban hành. Các nhà khoa học nông nghiệp được trao tặng 18 giải thưởng về những đóng góp cho ngành khoa học nông nghiệp. Trong nhiều năm qua, năng lực, tiềm lực KHCN, ĐMST trong ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn nói riêng luôn có vai trò quan trọng trong tiềm lực KHCN, ĐMST nói chung của nước nhà.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, việc phối hợp giữa hai Bộ đã được xúc tiến rất thiết thực trong năm 2023 và nhiều năm qua, nhiều nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia được triển khai thực hiện, góp phần là một trong những giải pháp quan trọng, đóng góp có hiệu quả, tạo chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết bài toán cực đoan về biến đổi khí hậu, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

Về nhiệm vụ và giải pháp của ngành nông nghiệp trong năm 2024, lãnh đạo Bộ KHCN đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chương trình hành động của Chính phủ được ban hành theo Nghị quyết số 189, thực hiện Nghị quyết số 36 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đề án phát triển nông nghiệp sinh học thành ngành kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tiếp tục phối hợp với Bộ KHCN triển khai nghiên cứu phát triển phục vụ các sản phẩm quốc gia giai đoạn sắp tới; quan tâm đẩy mạnh ứng dụng bức xạ, phương pháp chiếu xạ góp phần phát triển nông nghiệp. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề nghị Bộ NN-PTNT tích cực chủ động bố trí kinh phí lập thẩm định các hợp phần quy hoạch, gửi Bộ KHCN hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ phê duyệt.

Bộ KHCN đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu, đề xuất số lượng tổ chức KHCN thuộc Bộ được xếp hạng tại khu vực và thế giới đến năm 2030 để được ưu tiên đầu tư và thực hiện quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục chính sách tận dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ các nhà khoa học.

15 giờ 45 phút

Nhiều nước mong muốn ký hiệp định khung về lương thực với Việt Nam

bo truong bui thanh son

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết có nhiều cảm xúc, chia sẻ muốn tâm sự cùng ngành nông nghiệp.

Mở đầu phần tham luận, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết ông “nhận lời ngay” khi được mời tham dự Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2023.

“Tôi nhận lời ngay lập tức vì 2 lẽ: Một là năm nay nhiều cảm xúc, chia sẻ muốn tâm sự cùng ngành nông nghiệp, bởi thành quả quan trọng. Hai là hợp tác giữa 2 bộ đã đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thế giới, đạt được nhiều kết quả tốt”.

Người đứng đầu ngành ngoại giao nhấn mạnh, năm 2023, vai trò trụ đỡ ngành nông nghiệp với nền kinh tế, cũng là thế mạnh đóng góp vào đối ngoại tiếp tục được khẳng định. Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong các cuộc công cán của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, các nước trên thế giới đều bày tỏ sự tin cậy, ngưỡng mộ với những gì Việt Nam làm được trong nông nghiệp.

“Nhiều nước gặp khó khăn về an ninh lương thực, có cả các nước trong khu vực, đã đề nghị Thủ tướng ký hiệp định khung về xuất khẩu lương thực”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.

Trọng tâm thời gian tới, người đứng đầu ngành ngoại giao đề nghị củng cố các thị trường trọng tâm như Mỹ, ASEAN, các thị trường mới nổi như Mỹ Latin, Trung Đông, châu Phi. Bộ Ngoại giao khẳng định sẽ đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong các vấn đề thủ tục, chính sách, kết nối.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, một trong những kênh đối ngoại rất tốt là quà tặng ngoại giao bằng nông sản. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT trong việc xâm nhập thị trường Halal (dành cho người Hồi giáo).

15 giờ 35 phút

Gỗ và lâm sản vượt khó trong năm 2023

dai dien hiep hoi go va lam san

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,2 tỷ USD, giảm 22,9% so với năm 2022.

Mặc dù có tín hiệu phục hồi tích cực trong những tháng gần đây, nhưng tốc độ phục hồi chậm bởi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, nhu cầu vẫn còn thấp. Do đó, tình hình xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nhìn chung vẫn trong xu hướng giảm. Ước tính xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2023 chỉ đạt 79% kế hoạch đề ra hồi đầu năm.

“Thời gian qua, doanh nghiệp lâm nghiệp đã chuyển đổi mạnh mẽ, đồng hành cùng cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Ngô Sỹ Hoài nhận định vai trò quan trọng của doanh nghiệp gỗ.

Phó Chủ tịch VIFOREST nhấn mạnh: “Doanh nghiệp ngành gỗ nhìn nhận quy định của châu Âu về chống phá rừng (EUDR) là cơ hội để tái cơ cấu ngành. Trong khi các quốc gia còn lúng túng trước quy định, Việt Nam đã kiên quyết triển khai kế hoạch hành động. Chúng tôi đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN-PTNT, các tổ chức quốc tế và EU. Hành động cụ thể đã thúc đẩy ngành công nghiệp gỗ Việt Nam dẫn đầu trong khu vực”.

Tại Hội nghị tổng kết ngành NN-PTNT, lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản đề xuất Bộ Ngoại giao nâng cao truyền thông, đối ngoại về ngành công nghiệp gỗ bền vững, giúp các quốc gia hiểu được nỗ lực chuyển đổi bền vững của Việt Nam.

Trao đổi với ông Ngô Sỹ Hoài, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao hoạt động của Hiệp hội đã tích cực đồng hành với Bộ NN-PTNT nhằm thích ứng các quy định mới của EU, phát triển hệ sinh thái rừng bền vững.

15 giờ 25 phút

Lúa gạo Việt Nam vào được những thị trường khó tính nhất

ong bui ba bong

Ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam mới thành lập được 3 tuần lễ, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội khẳng định: “Ngành lúa gạo nước ta đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực trong nước và thế giới. Lúa gạo cũng là ngành hàng phát thải thấp. Việt Nam đang tiên phong và được các nước ngưỡng mộ do xuất khẩu cao, chất lượng gạo tốt, trong bối cảnh các nước bị sức ép. 30 năm qua, Việt Nam năm sau xuất khẩu gạo cao hơn năm trước, bình quân từ 5-8 triệu tấn".

Ông Bùi Bá Bổng khẳng định, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh là sáng kiến mới của Việt Nam. “Tương ứng với đề án là 1 triệu nông dân. Đây là động lực rất lớn của Việt Nam. Vừa rồi, tôi đi hội nghị lúa gạo quốc tế, cảm nhận được sự ủng hộ của bạn bè thế giới”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho rằng, ngành nông nghiệp còn “2 điều nợ”. Thứ nhất là còn nợ nông dân vì thu nhập thấp, thứ hai là nợ môi trường vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây phát thải khí nhà kính. Giải quyết được 2 "lời nguyền" này thì sẽ bảo vệ cho thế hệ hiện tại và con cháu mai sau.

Ông Bùi Bá Bổng tin tưởng Đề án 1 triệu ha lúa là việc khả thi. Thứ nhất, Việt Nam có thế mạnh về khoa học công nghệ, cùng bộ giống lúa tốt. Cụ thể là bộ giống lúa ở ĐBSCL cho xuất khẩu tốt. “Trình độ sản xuất lúa của Việt Nam cũng tiên tiến, vào được cả những thị trường khó tính nhất. Hạ tầng thủy lợi cũng rất tốt so với mặt bằng chung. Rất ít quốc gia làm được thủy lợi tốt như Việt Nam. Chính sách của Nhà nước từ xưa đến nay cũng rất nhiều ưu đãi cho lúa gạo. 3 năm trước, nước ta cũng đã xác định lúa gạo là trụ cột an ninh lương thực quốc gia. Ngược về quá khứ, chúng ta cũng xác định rõ việc sử dụng hiệu quả diện tích đất trồng lúa”, ông Bùi Bá Bổng nói.

Nguyên lãnh đạo ngành nông nghiệp Việt Nam cho rằng để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa, cần giải quyết ngay mắt xích yếu nhất là sự liên kết nông dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, Đề án cần sự vào cuộc quyết liệt từ Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan.

15 giờ 15 phút

Đề nghị thành lập trung tâm kiểm dịch thực vật tại Tây Nguyên

dak lak

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đề nghị Bộ NN-PTNT sớm thành lập cơ quan kiểm dịch thực vật tại Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết, địa phương có hai mặt hàng nông nghiệp thế mạnh là cà phê (lớn thứ nhì) và sầu riêng (lớn nhất) cả nước.

Trong những năm qua, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo 3 trụ cột, là: phát triển bảo tồn, sản xuất bền vững và đảm bảo mục tiêu an sinh. Trong số này, để sản xuất bền vững, Đắk Lắk tập trung 4 tăng: tăng kiểm soát hóa chất, giảm phân bón vô cơ, thuốc BVTV; tăng cây trồng xen, độ phủ thảm thực vật; tăng hiệu quả tưới tiết kiệm; tăng chuỗi liên kết nông dân – doanh nghiệp.

Với mục tiêu an sinh, tỉnh chủ trương tăng thu nhập từ cây trồng xen, đồng thời tăng số lượng HTX. Theo thống kê, hằng năm tỉnh thành lập mới khoảng 60-70 HTX, trong đó 90% là nông nghiệp. Nhờ đó, thu nhập của người dân tăng từ 15-20%/năm.

Để tiếp tục duy trì đà gia tăng (tăng trưởng năm 2023 là 10% so với 2022), Đắk Lắk đề ra 4 giải pháp: Nâng cao tư duy, nhận thức cho người dân; Có giải pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng; Áp dụng, triển khai sâu rộng công nghệ mới; Tổ chức lại chuỗi sản xuất theo hướng lấy doanh nghiệp làm hạt nhân.

Tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp 2023, Đắk Lắk đề nghị Bộ NN-PTNT sớm thành lập cơ quan kiểm dịch thực vật tại Tây Nguyên đặt tại tỉnh. Nguyên do, được ông Văn nêu, là Đắk Lắk nằm ở trung tâm khu vực, có sân bay và hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông ưu tiên nguồn lực, xây dựng trung tâm thông tin khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao sự chủ động của Đắk Lắk về phát triển nông nghiệp, trong đó có sầu riêng. Ông cho rằng kinh nghiệm từ chuyến công tác Thái Lan vừa qua của hiệp hội sầu riêng tỉnh sẽ là cơ sở để người dân chuẩn hóa quy trình, từ sản xuất, sơ chế đến bảo quản, đóng gói.

15 giờ 05 phút

Nam Định: Sự tham gia của người dân là yếu tố quyết định trong xây dựng NTM

nam dinh

Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, phát biểu trực tuyến từ đầu cầu tỉnh Nam Định.

Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, thông tin: Trong thời gian qua, tỉnh đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo, thực hiện chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Theo đó, kinh tế nông nghiệp, nông thôn có chuyển biến rõ nét, giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 3,1%/năm. Sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tích cực, từ coi trọng sản lượng sang chất lượng nông sản, từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang tiêu dùng kết hợp sản xuất hàng hóa gắn với quản lý chất lượng theo chuỗi, mang lại hiệu quả cao hơn.

Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, năm 2023, tình hình kinh tế, xã hội đã phát triển tốt hơn so với cùng kỳ, đạt được nhiều thành tích trong các lĩnh vực. Năm 2023, tỉnh được mùa, được giá, người làm nông nghiệp phấn khởi.

Về xây dựng NTM, tỉnh Nam Định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị, xã hội để người dân chung sức xây dựng. Xác định sự tham gia và nguồn lực của người dân là yếu tố quyết định. Hệ thống giao thông, cơ sở vật chất được quan tâm, giữ gìn.

Về kết quả xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh có 191/204 xã, thị trấn (chiếm 93,6%) đạt chuẩn NTM nâng cao và 25/188 xã (chiếm 13,3%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo 2 huyện sớm hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Toàn tỉnh có 329 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đang trình Hội đồng Trung ương xét công nhận đạt 5 sao. Nam Định tiếp tục được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM nâng cao và “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Dù đạt được một số kết quả, tuy nhiên, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn tại tỉnh Nam Định vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như tốc độ tăng trưởng chưa xứng với tiềm năng, kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng được nền nông nghiệp hàng hóa, chế biến xuất khẩu…

Để phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn hiệu quả trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Nam Định đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu, xem xét báo cáo Quốc hội sớm ban hành Luật Đất đai sửa đổi để khuyến khích tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Hỗ trợ địa phương thực hiện Nghị quyết 19, thực hiện cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững. Bên cạnh đó, sớm ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh.

14 giờ 55 phút

Khánh Hòa: Xây dựng đề án phát triển nuôi biển công nghệ cao

khanh hoa

Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - phát biểu trực tuyến.

Khánh Hòa có nhiều lợi thế về phát triển nuôi biển với chiều dài bờ biển trên 380km và hơn 200 hòn đảo lớn, nhỏ cùng nhiều đầm, vịnh như Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang, Nha Phu. Vùng biển Khánh Hòa đủ điều kiện thích hợp cho các đối tượng nuôi biển vì nằm sâu trong vịnh, kín gió, nhiệt độ nước hợp để nuôi quanh năm.

Là một trong những địa phương sản xuất giống thủy sản tập trung tại khu vực duyên hải miền Trung, tỉnh Khánh Hòa tích cực phát triển ngành thủy sản theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản xây dựng Đề án phát triển nuôi biển công nghệ cao. Đề án tập trung vào hai nhiệm vụ chính: tái cơ cấu khai thác và phát triển nuôi trồng thủy sản.

“Chúng tôi đã cơ cấu lại tàu cá theo địa bàn, công việc, địa điểm lưu trú của ngư dân. Năm 2018, tỉnh có gần 10.000 tàu cá; hơn 1.200 tàu dài hơn 15m. Sau khi cơ cấu lại, tỉnh còn khoảng 3.000 tàu đánh cá với gần 400 tàu cá đánh bắt xa bờ”, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vui mừng thông báo.

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai sử dụng lồng nuôi bằng vật liệu HDPE, chịu được sóng lớn, bão, phù hợp cảnh quan, góp phần du lịch nông nghiệp. Năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 18.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2018. Tuy nhiên, toàn tỉnh có 80.000 lồng nuôi thủy sản, mật độ dày gây ô nhiễm, dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai.

Về công tác tuyên truyền chống khai thác IUU, năm 2023, Khánh Hòa đã ban hành 230 văn bản triển khai nhiệm vụ chống khai thác IUU, kiên quyết xử lý 89 trường hợp vi phạm hành chính. Phó Chủ tịch Trần Hòa Nam nói: “Chúng tôi tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản. Nhận thức của ngư dân có nhiều chuyển biến, họ hiểu được IUU là hành vi vi phạm pháp luật thủy sản”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cao trách nhiệm của Khánh Hòa và ủng hộ việc nâng cao năng lực cộng đồng để ngư dân cùng quản lý nguồn lợi thủy sản. “Vừa qua, đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã đi thăm mô hình cảng cá hiện đại, công nghệ cao tại Hàn Quốc. Cảng cá này được vận hành trên cơ sở hợp tác công - tư, doanh nghiệp cùng địa phương quản trị. Bộ sẽ trình Thủ tướng cơ chế quản trị công trình cảng cá tích hợp đa giá trị, từ du lịch tới sản xuất công nghiệp và xin cơ chế thí điểm cho cảng cá Hòn Rớ, Khánh Hòa”, Bộ trưởng cho biết.

14 giờ 45 phút

Nghệ An: Nông nghiệp là điểm sáng của địa phương

z5035863182428_f6b93585eb95b9b587d5a709778ac509

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, phát biểu từ đầu cầu Nghệ An.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, nông nghiệp là điểm sáng của địa phương năm 2023, với tăng trưởng hơn 4%. Cụ thể, tốc độ phát triển tổng sản phẩm (GRDP) nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 41.559 tỷ đồng, tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nông nghiệp tăng 4,2%; lâm nghiệp tăng 6,67% và thủy sản tăng 5,3%.

Công tác sử dụng, bảo vệ, phát triển rừng đạt nhiều kết quả tích cực. Các giải pháp về nông nghiệp được Nghệ An đưa ra chủ yếu liên quan tới bảo vệ, phát triển toàn diện rừng tự nhiên, gắn với sinh thái theo hướng khai thác dịch vụ du lịch, tín chỉ carbon...

Trên cơ sở đó, tỉnh Nghệ An đề xuất được kinh doanh tín chỉ carbon. Tỉnh cũng nêu vấn đề về đầu tư thâm canh trồng rừng, chuyển đổi nhanh rừng trồng nguyên liệu dăm gỗ sang kinh doanh gỗ lớn, ứng dụng công nghệ cao; tập trung chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ; tăng cường quảng bá, thu hút mạnh đầu tư vào Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Đệ đề xuất Thủ tướng và Bộ NN-PTNT tạo thêm cơ chế thuận lợi cho công trình Cống ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Lam; vừa phải đảm bảo bền vững, vừa có tính thẩm mỹ để thu hút khách du lịch.

Sau phần phát biểu của đại diện tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập vấn đề bảo vệ, phát triển rừng ở miền tây Trường Sơn, gắn với chuỗi giá trị tài nguyên bản địa. Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận các kiến nghị của Nghệ An và cho biết sẽ có các cuộc họp bàn cụ thể.

14 giờ 35 phút

Cà Mau: Thành công nhờ mô hình thích ứng biến đổi khí hậu

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thừa nhận, địa phương chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Nằm trong khu vực chịu tác động lớn của vấn đề này là ĐBSCL, Cà Mau đã chủ động xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, có hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Lê Văn Sử, Cà Mau đã xây dựng được 30 điểm du lịch nông thôn, gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó chủ yếu nằm ở 2 khu vực là lúa tôm và rừng ngập mặn. Gần đây nhất, tỉnh phát triển thêm mô hình phát triển thủy sản tại vùng bán đảo Cà Mau.

Trong năm vừa qua, Cà Mau tổ chức thành công Festival tôm gắn với diễn đàn OCOP vùng ĐBSCL. Cũng trong tháng 7/2023, nhân hội nghị tôm toàn cầu, tỉnh đã đón 80 nhà mua tôm quốc tế đến khảo sát, tham quan các vùng nuôi.

Tom-1-1702283796587

Trong năm vừa qua, Cà Mau tổ chức thành công Festival tôm gắn với diễn đàn OCOP vùng ĐBSCL.

“Bạn bè quốc tế đến với Cà Mau không phải vì chúng tôi có sản lượng nuôi tôm lớn mà bởi những mô hình thích ứng, tạo ra sản phẩm xanh, chất lượng, thích ứng biến đổi khí hậu và đã đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế”, ông Sử cho biết.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng nêu 3 khó khăn, gồm quy mô của mô hình còn tương đối nhỏ, giá trị thấp; sản phẩm du lịch chưa đa dạng và liên kết chuỗi chưa thật bền chặt.

Trong năm 2024 và giai đoạn tới, Cà Mau phấn đấu chứng nhận 100% diện tích nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế, đồng thời mở rộng, hoàn thiện chuỗi du lịch gắn với tái tạo nguồn lợi biển.

Tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT sớm triển khai dự án Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 2; triển khai sớm đề án phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với đào tạo nghề cho người dân; đồng thời tạo ra các cơ sở pháp lý để địa phương đạt các tín chỉ carbon.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận những giá trị mà Festival tôm Cà Mau đã tạo ra, trong đó có việc lấy yếu tố văn hóa, con người để kích hoạt giá trị nông nghiệp. Bộ trưởng Lê Minh Hoan hứa sẽ tiếp tục kết nối để phát triển nông nghiệp sinh thái tại Cà Mau, và dự kiến sẽ tổ chức một chương trình vào tháng 4/2024 về tôm dưới tán rừng tràm, rừng đước.

14 giờ 25 phút

Sơn La: Xây dựng chuỗi giá trị nông sản bài bản

z5035811011250_5d211a93c86c51d3ff5c0d71e31fc643

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, phát biểu trực tuyến.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La vinh dự mở đầu buổi thảo luận, đóng góp cho bức tranh nông nghiệp Việt Nam.

Lãnh đạo địa phương cảm ơn Bộ NN-PTNT, Công thương, Tài chính, Khoa học - Công nghệ… đã phối hợp với Sơn La, phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. “Dù gặp khó khăn, tỉnh vẫn tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp góp 5,48%”, ông Công thông tin.

Tỉnh Sơn La tập trung vào hai lĩnh vực chính là trồng trọt (cây ăn quả, cà phê, sắn…) và chăn nuôi, với đàn bò sữa 26.000 con. Hiện nay, nông nghiệp địa phương đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu nông sản.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Công nói: “Tỉnh Sơn La kiên định tổ chức chuỗi giá trị gắn kết từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến lớn. Các nhà máy như TH, nhà máy dược liệu góp phần tăng thu nhập cho các nông hộ nhỏ. Nổi bật là chuỗi cà phê, các sản phẩm arabica đã giúp nâng cao năng lực cho bà con”.

Với tiếp cận bài bản, địa phương đã hỗ trợ hơn 280 chuỗi cung ứng toàn tỉnh, xây dựng mã số vùng trồng, góp phần xây dựng sản xuất nông nghiệp bài bản, bền vững. Trong đó, có hai sản phẩm được quốc tế bảo hộ. Thời gian tới, tỉnh chú trọng đưa sản phẩm ra thế giới, xúc tiến tiêu thụ nông sản.

“Để thu hút doanh nghiệp về tỉnh đầu tư, chúng tôi tập trung phát triển vùng nguyên liệu. Hình thành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là điều kiện tiên quyết để nông sản mang thương hiệu Sơn La có thể khẳng định chất lượng tại thị trường trong nước”, ông Nguyễn Thành Công chia sẻ.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La đề xuất Chính phủ cho phép Sơn La cùng các tỉnh miền núi nghiên cứu xây đường cao tốc, quy hoạch sân bay ở Sơn La. Như vậy, khu vực miền núi phía Bắc sẽ thu hút được nhiều hơn các doanh nghiệp có trình độ khoa học, công nghệ, tầm nhìn lớn tới tỉnh khảo sát địa bàn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận xét, những năm vừa qua, Sơn La nổi lên như 1 thủ phủ nông nghiệp, trong đó có thành công của việc tái canh trên đất dốc. Những năm gần đây, Sơn La tiếp tục thành công và đi đầu trong công tác xúc tiến thương mại, cũng như hợp tác với nhiều doanh nghiệp để chế biến sâu các sản phẩm như hoa quả, cà phê… Đây là đòn bẩy giúp Sơn La quy tụ nông sản, tiếp tục thu hút doanh nghiệp lớn về tỉnh đầu tư nông nghiệp.

14 giờ 10 phút

6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp tạo đà ‘tăng tốc’ cho năm 2024

thu truong pdt

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Năm 2023, dù khó khăn, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở nhiều mặt và lĩnh vực.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Tuy nhiên, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở nhiều mặt và lĩnh vực.

Năm qua, ngành nông nghiệp cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế; triển khai có hiệu quả nhiều Đề án, Chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển ngành như Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.

Ngoài ra, ngành cũng có một số bước tiến trong xây dựng nông thôn mới, đổi mới tổ chức sản xuất, thực hiện chuyển đổi số, kịp thời làm việc với các hội, hiệp hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh những thành tích đạt được, ngành nông nghiệp cũng nhìn nhận đối mặt với một số khó khăn, hạn chế như 3 Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão) chưa được ban hành đúng kế hoạch; tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản mới chỉ gần đạt chỉ tiêu Chính phủ giao; các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định; còn điểm nóng về phá rừng, chưa gỡ được “Thẻ vàng” của EC; sạt lở bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn ra. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn những bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0 - 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 55 tỷ USD…

Để đạt được những mục tiêu cho năm tiếp theo, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.

Theo đó, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi.

Hai là, định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ba là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Năm là, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Sáu là, đổi mới phương thức, nội dung, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.

14 giờ 00 phút

Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn

z5035715313072_de76859df06448b8a6dd1338fa454b41

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu mở đầu Hội nghị.

Mở đầu Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, ngành nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân và đồng hành của các cơ quan truyền thông tạo sự đồng thuận của cả xã hội vượt qua khó khăn, thách thức để chuyển đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Nhằm đánh giá, tổng kết những kết quả đạt được trong năm 2023 và đưa ra những giải pháp khắc phục những hạn chế đồng thời triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, hôm nay, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hội nghị tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại điểm cầu trụ sở Bộ NN-PTNT có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Bên cạnh đó, còn có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Nội vụ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc; Hội Nông dân Việt Nam; Trung ương Hội LHPN Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự tham dự của Bí thư/Phó Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND các tỉnh; cùng các đồng chí Lãnh đạo Sở NN-PTNT; Viện nghiên cứu; hiệp hội ngành nghề; doanh nghiệp; hợp tác xã tiêu biểu tại các địa phương.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.