Thông tin trên được Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết vào chiều 3/9 tại cuộc họp Ban chỉ đạo triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD).
Theo chủ trương này, dự án sẽ được triển khai đồng bộ song hành cùng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự kiến vận hành đầu năm 2021.
Bộ Công an sẽ hợp nhất Ban chỉ đạo triển khai hai dự án và bổ sung, kiện toàn Ban chỉ đạo để đảm bảo yêu cầu phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin.
Theo thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, sẽ có thể có nhiều loại căn cước cùng tồn tại. Khi dự án được thông qua, các tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử đồng bộ và đến tháng 7/2021 cả nước sẽ cấp khoảng 50 triệu thẻ.
Bộ Công an bắt đầu cấp thẻ CCCD có mã vạch từ năm 2016, đến nay mới có 16 tỉnh, thành được trang bị hạ tầng để cấp với trên 16 triệu thẻ. Các tỉnh còn lại, công dân đang sử dụng CMND 9 và 12 số.
Thẻ CCCD điện tử e-ID về bản chất là thiết bị xác thực điện tử có kích thước như thẻ ATM, tích hợp chip bên trong. Nhiều loại thẻ có điểm kết nối kim loại trên bề mặt để truy cập thông tin trong chip, số khác ứng dụng công nghệ nhận diện qua sóng vô tuyến (RFID) và cho phép đọc dữ liệu không cần tiếp xúc.
Trước đó, thiếu tướng Tô Văn Huệ cho hay Đề án sử dụng mẫu thẻ CCCD gắn chip dự kiến thực hiện khoảng tháng 11/2020. Khi có thẻ CCCD mẫu mới, người dân sẽ được cấp đổi dần theo lộ trình, không bắt buộc đổi mẫu mới ngay.
Theo thiếu tướng Tô Văn Huệ, dự án Căn cước công dân ước tính 2.800 tỷ đồng, trong đó việc gắn chip điện tử là phần nhỏ trong tổng thể.
Khi thực hiện, Bộ Công an sẽ phải thu thập các trường thông tin liên quan đến công dân để quản lý nhân, hộ khẩu; bổ sung dữ liệu hình ảnh, sinh trắc học.
Bộ Công an ước tính giá thành thẻ chíp đắt hơn thẻ vạch từ 10.000-20.000 đồng.