Ngày 8/2, Văn phòng Chính phủ gửi văn bản tới Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Phùng Xuân Nhạ về việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017.
Văn bản nêu, sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017, nhiều thông tin phản ánh có dấu hiệu bất thường, thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một "đợt vét" trước khi có quy định mới. Có ứng viên phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Văn phòng Hội đồng Chức danh nhà nước...
Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Ảnh minh họa. |
Văn bản của Thủ tướng dẫn việc dư luận phản ánh số ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến so với các năm trước, cùng nhiều lo ngại về chất lượng ứng viên. Có ý kiến cho rằng một số ứng viên không đủ sách hoặc bài báo khoa học, không đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học; một số thành viên Hội đồng có rất ít (thậm chí không có) công bố nghiên cứu khoa học.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nghiêm túc xem xét sự việc trên, rà soát kỹ lượng đảm bảo chất lượng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư theo quy định. Việc này cần báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/2.
Năm 2017, số người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư là 1.226, gấp 1,7 lần so với năm 2016, 2,3 lần năm 2015. Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Trần Văn Nhung lý giải sự tăng mạnh là do thời hạn nộp hồ sơ kéo dài hơn 6 tháng và các ứng viên cố gắng được xét theo quy định hiện hành, trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh theo hướng yêu cầu cao hơn.
Ông Nhung khẳng định, Hội đồng các cấp không vì số lượng mà hạ tiêu chí đánh giá; chất lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 không giảm, thậm chí tăng lên.
Lời giải thích Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước không thuyết phục được nhiều chuyên gia. Nguyên Vụ phó Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Lê Viết Khuyến đã thốt lên "quá bất thường" và cho rằng nền khoa học giáo dục không thể phát triển đột biến trong một năm. TS Lê Trường Tùng (Đại học FPT) đặt dấu hỏi cho chất lượng của việc bỏ phiếu kín tín nhiệm trong hội đồng chức danh giáo sư các cấp.