| Hotline: 0983.970.780

Thừa Thiên – Huế đầu tư gần 12 nghìn tỷ đồng nâng cấp thủy lợi

Thứ Sáu 02/12/2022 , 07:43 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Việc đầu tư nguồn kinh phí trên nhằm phục vụ sản xuất, ứng phó thiên tai trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng khắc nghiệt.

Một đoạn kè biển đi qua địa bàn huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang được đầu tư nâng cấp. Ảnh: Võ Dũng.

Một đoạn kè biển đi qua địa bàn huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang được đầu tư nâng cấp. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều hồ thủy lợi hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn

Đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long là công trình thủy lợitrọng điểm của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Được đưa vào sử dụng năm 2006 đến nay, đập đã xuất hiện nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng. Ngoài chức năng ngăn mặn và giữ ngọt. Thảo Long còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái và cảnh quan du lịch ở sông Hương và vùng đầm phá Tam Giang.

Tuy nhiên, công trình hiện nay không được thiết kế cửa van dự phòng, do vậy trong trường hợp có sự cố hư hỏng cửa van xảy ra (không đóng hoặc mở cửa van được) sẽ gây ra hậu quả rất lớn.

Mới đây, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án (DA) sửa chữa đập Thảo Long với nhiều hạng mục được nâng cấp, xây mới. Đây là DA thành phần thuộc DA sửa chữa cấp bách đảm bảo an toàn hồ, đập chứa nước với 38 DA, có tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng triển khai ở các tỉnh. Theo đó, sẽ sửa chữa đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long gồm xử lý chống thấm qua bản đáy các khoang cửa, thay thế thiết bị đóng mở các khoang cửa và âu thuyền, nạo vét, gia cố lòng dẫn thượng, hạ lưu, sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục phụ trợ để đảm bảo công tác quản lý, vận hành với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.

Hiện nay, Tiểu dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư đã triển khai thi công hoàn thành và phát huy hiệu quả đầu tư. Theo đó, dự án đã đầu tư sửa chữa nâng cấp 9 hồ gồm: Phú Bài 2, Ka Tư, Tà Rinh, Năm Lăng, Cừa, Phụ Nữ, Khe Rưng, Cây Cơi và Ba Cửa với tổng giá trị xây lắp gần 87,5 tỷ đồng.

Công trình hồ, đập được đầu tư nâng cấp sửa chữa với nhiệm vụ đảm bảo vận hành an toàn, phát huy được nhiệm vụ thiết kế cũng như nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao và thuận tiện cho công tác quản lý vận hành, nâng cao khả năng ứng cứu công trình khi có tình huống khẩn cấp.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện vẫn còn các hồ chứa thủy lợi đang xuống cấp hư hỏng nặng có nguy cơ mất an toàn gồm 7 hồ chứa: Cây Mang, La Ngà, Khe Râm, Khe Nước, Cơn Thộn, Hòa Mỹ và Truồi. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ở nước ta, nhất là vùng duyên hải miền Trung hết sức khắc nghiệt, mưa lũ xảy ra với cường độ lớn và rất bất thường. Trong khi đó, số lượng đập, hồ chứa thủy lợi loại vừa và nhỏ ở tỉnh còn lớn (chiếm 85%), phần lớn được xây dựng trong phong trào huy động Nhân dân làm thuỷ lợi, chất lượng công trình rất đáng lo ngại.

Ngoài ra, công tác kiểm định an toàn đập, lắp đặt thiết bị khí tượng thủy văn chuyên dùng, cấp mốc, lắp đặt thiết bị và quan trắc công trình đập, hồ chứa nước…. theo quy định triển khai chưa đồng bộ do nguồn kinh phí của tỉnh khó khăn, do đó đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí.

Ưu tiên đầu tư kè chống sạt lở bờ biển

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, về hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi, mặc dù đã được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi đầu mối, nội đồng, đê, kè, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay.

Đầu tư nâng cấp đê biển Thuận An, thành phố Huế. Ảnh: Võ Dũng.

Đầu tư nâng cấp đê biển Thuận An, thành phố Huế. Ảnh: Võ Dũng.

Trên địa bàn tỉnh còn nhiều công trình cần được đầu tư, nâng cấp như chương trình nâng cấp đê biển với khoảng hơn 100km đê và 86 cống trên đê cần đầu tư xây dựng. Còn khoảng 12 hồ chứa xuống cấp cần tiến hành kiểm định, sửa chữa nâng cấp để đảm bảo an toàn hồ chứa và an toàn cho vùng hạ du và hơn 60km bờ sông, bờ biển cần phải xây dựng kè khẩn cấp để chống sạt lở, xâm thực. Nhu cầu sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đê sông, đê bao nội đồng, các trạm bơm tiêu, kênh mương rất lớn.

Tuy nhiên, do cân đối ngân sách của địa phương còn khó khăn, đã ảnh hưởng đến việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về thủy lợi để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển thủy lợi, ngoài nỗ lực của địa phương đã thực hiện đầu tư một số chương trình, dự án bằng ngân sách của tỉnh, UBND tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí để thực hiện đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số công trình, dự án phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, cấp kinh phí đầu tư kè chống sạt lở bờ biển các đoạn bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng xung yếu dài khoảng 12,4km khoảng 660 tỷ đồng. Kè chống sạt lở bờ sông các đoạn bị sạt lở nặng kinh phí khoảng 116 tỷ đồng.

Nâng cao an toàn 12 hồ chứa nước, đập còn lại trên địa bàn tỉnh với kinh phí 245 tỷ đồng. Xây dựng mới hồ chứa nước Thủy Cam với kinh phí khoảng 485 tỷ đồng; xây dựng mới hồ chứa nước Ô Lâu Thượng với kinh phí khoảng 987 tỷ đồng và tiếp tục hỗ trợ Chương trình Nâng cấp hệ thống đê điều ven đầm phá đảm bảo ngăn mặn giữ giọt với chiều dài 90km kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Tổng nhu cầu kinh phí giai đoạn 2021-2025 ước khoảng 6.000 tỷ đồng.

Theo Quy hoạch thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, tổng kinh phí đầu tư thủy lợi trong giai đoạn này gần 12.000 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 2017- 2025 hơn 6.000 tỷ đồng bao gồm kinh phí đầu tư cho phát triển hạ tầng công trình thủy lợi 5.875 tỷ đồng và kinh phí đầu tư cho giải pháp phi công trình 165 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2035 gần 6.000 tỷ đồng gồm kinh phí đầu tư cho phát triển hạ tầng công trình thủy lợi 5.618 tỷ đồng và kinh phí đầu tư cho giải pháp phi công trình 281 tỷ đồng.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Australia có thể giúp đỡ Việt Nam trong chương trình 1 triệu ha lúa

Chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski và cảm ơn Đại sứ với những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ vừa qua.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.