| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi lợn 'treo chuồng' vì càng nuôi càng lỗ

Thứ Năm 23/03/2023 , 08:36 (GMT+7)

Chăn nuôi nông hộ treo chuồng, trong khi trang trại, gia trại sản xuất cầm chừng, thậm chí giảm đàn nhằm giảm thua lỗ do ảnh hưởng của “bão” giá lợn và giá thức ăn.

Empty

Hiện nuôi mỗi con lợn thương phẩm người dân lỗ khoảng 1 triệu đồng. Ảnh: Thanh Nga. 

Thời điểm này, tổng đàn lợn của tỉnh Hà Tĩnh giảm còn khoảng 389.000 con và người chăn nuôi không còn mặn mà tái đàn, thậm chí không ít hộ treo chuồng nhiều tháng nay. Theo phân tích của người chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng giờ không khác gì đánh bạc.

Tuy nhiên, trước đây họ chỉ canh giá lợn thì từ 2022 đến nay còn phải canh thêm giá thức ăn để cân đối đầu tư, đó là chưa kể đến dịch bệnh ngày càng phức tạp, thường trực uy hiếp, khiến người nuôi càng đầu tư nhiều càng thua lỗ.

Anh Văn Hoan, chủ trang trại chăn nuôi tại thôn Đại Đồng, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh cho hay, mỗi tháng trang trại của anh xuất ra thị trường từ 200 - 250 con lợn thịt. Với giá lợn hơi hiện nay (47.000 - 48.000 đồng/kg), mỗi con lợn thịt bán ra có thể lỗ hơn 1 triệu đồng.

“Chúng tôi đang cố gắng cầm cự để vượt qua giai đoạn này. Tuy nhiên, đến giữa năm 2023 nếu giá lợn không tăng lên, giá thức ăn không giảm, chắc chắn nhiều trang trại sẽ phá sản”, anh Hoan nhận định.

Bi đát hơn chính là chủ các trang trại chăn nuôi lợn nái, bởi nhu cầu tái đàn của người dân hiện nay giảm mạnh nên việc tiêu thụ lợn giống gặp nhiều khó khăn.

Giám đốc một trang trại nuôi hơn 2.000 con lợn nái ở huyện Thạch Hà chia sẻ, chi phí cho một con lợn giống từ khi phối giống đến khi xuất chuồng hết khoảng 1 - 1,2 triệu đồng, với giá bán thấp như hiện nay (800 - 900 ngàn đồng/con) người nuôi lỗ 200 - 300 ngàn đồng/con.

Chưa kể lợn giống khó tiêu thụ do người dân không tái đàn vì giá cám cao, dịch tả lợn Châu Phi, dịch tai xanh, lở mồm long móng uy hiếp.

Empty

Các trại nuôi gia công cho các doanh nghiệp và chăn nuôi nông hộ cũng chưa có nhu cầu tái đàn vì lo sợ càng nuôi càng lỗ. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông, ách tắc lợn giống nên từ giữa năm 2022 đến nay trang trại phải giữ lại nuôi lợn thịt. Tuy nhiên, do giá thức ăn cao chót vót trong thời gian dài nên càng nuôi lợn thịt càng phát sinh nhiều chi phí, khó khăn để cân đối hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, nếu giảm đàn nái quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chăn nuôi lâu dài, bởi nuôi được con nái chất lượng cao cực kỳ khó.

Khảo sát tại một số hộ chăn nuôi vừa ở huyện Cẩm Xuyên cũng cho thấy, nhu cầu tái đàn hiện nay gần như không có. Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Bây giờ nuôi một con lợn lỗ khoảng 1 triệu đồng nên chăn nuôi nông hộ gần như treo chuồng, không tái đàn. Chỉ trừ các trại nuôi gia công và trang trại nái vẫn phải vay vốn cầm cự để vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Cẩm Xuyên với tổng đàn lợn hơn 60.000 con, có đến 50% nuôi trong nông hộ. Đây là địa phương có số hộ nuôi lợn nhỏ lẻ lớn nhất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Vì vậy, nghịch lý giá lợn giảm sâu, giá thức ăn tăng cao trong thời gian qua khiến tỷ trọng chăn nuôi của huyện sụt giảm mạnh, dự báo năm 2023 tiếp tục ảm đạm, ảnh hưởng đến nguồn thu của người dân.

Ngoài đình trệ sản xuất, chăn nuôi thua lỗ còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc. Hiện đang là thời điểm giao mùa, thời tiết ẩm ướt, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn nên các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, dịch tai xanh, lở mồm long móng… thường trực uy hiếp.

Empty

Nếu giá cám tiếp tục ở mức cao như hiện nay trong khi giá lợn hơi thấp, người chăn nuôi sẽ khó cầm cự đến hết năm 2023. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Trần Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh khuyến cáo, trong điều kiện khó khăn chung của hoạt động chăn nuôi như hiện nay, các doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ chăn nuôi cần duy trì chi phí đảm bảo, ổn định cho công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác tiêm phòng vacxin, tiêu độc khử trùng chuồng trại.

Khi phát hiện gia súc mắc bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để kịp thời dập tắt ổ dịch, tuyệt đối không vì tiết kiệm chi phí mà tự ý xử lý gia súc chết không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 221 trang trại chăn nuôi lợn, trong đó 38 trang trại nuôi lợn nái quy mô 300 con trở lên. Chăn nuôi lợn trang trại chiếm trên 60% tổng đàn lợn. Các địa phương đã xây dựng được 9 mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ (300 con) liên kết với Tập đoàn Quế Lâm.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.