| Hotline: 0983.970.780

Người chăn nuôi điêu đứng trong 'bão kép': Bán lợn không đủ trả tiền cám

Thứ Ba 21/03/2023 , 13:48 (GMT+7)

Giống như nhiều địa phương khác ở đồng bằng sông Hồng, người chăn nuôi lợn ở tỉnh Hưng Yên đang phải gánh chịu mức lỗ kỷ lục trong nhiều năm.

IMG_6160

Chăn nuôi lợn ở Hưng Yên oằn mình gánh lỗ từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/con. Ảnh: Võ Việt.

Oằn mình gánh lỗ

Mặc dù phải nhường phần lợn diện tích đất nông nghiệp cho quá trình đô thị hóa nhưng huyện Văn Giang vẫn là vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh Hưng Yên. Trong đó, nghề chăn nuôi lợn đóng vai trò chủ lực của ngành nông nghiệp huyện với tỉ trọng chiếm khoảng 70% doanh thu.

Với lợi thế gần Thủ đô Hà Nội và truyền thống làm nông nghiệp giỏi giang, nghề nuôi lợn ở Văn Giang không chỉ là sinh kế thậm chí đã từng có thời điểm trở thành nghề có thể làm giàu. Chỉ có điều đó là chuyện từ thời nào xa xưa lắm, liên tiếp mấy năm gần đây người chăn nuôi ở Văn Giang liên tiếp đón những đòn chí mạng.

Các xã Tân Tiến, Long Hưng, Mễ Sở, Cửu Cao, Liên Nghĩa… những vùng chăn nuôi nức tiếng Văn Giang ngày trước bây giờ là thua lỗ, nợ nần.

Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Giang ngán ngẩm, người dân có giỏi giang đến mấy, chịu khó đến mấy cũng không lại được với dịch bệnh, với giá cả thị trường. Năm 2017 bão giá 20.000 đồng/kg lợi hơi, nuôi mỗi con lợn lỗ tầm 1,5 - 2 triệu đồng cứ tưởng đã là kỷ lục ở Văn Giang rồi nhưng tình hình này có khi lịch sử sẽ lại tái diễn.

So với trước cơn bão dịch tả lợn Châu Phi vào năm 2019 khiến Văn Giang từng phải tổ chức tiêu hủy hơn 1 triệu kg lợn, đến thời điểm hiện tại cả quy mô và tổng đàn lợn ở Văn Giang đều đã giảm xuống chỉ còn khoảng 1/3.

Hơn 200 hộ dân, xấp xỉ 38.000 con lợn, sau những thất bát triền miên một bộ phận lớn người chăn nuôi Văn Giang chuyển sang trồng hoa, cây cảnh, đi làm công nhân hoặc đi đâu không ai biết. Số còn lại một ít chuyển thành quy mô trang trại hoặc cầm chừng với quy mô nông hộ nhỏ, nuôi lợn nái và lợn thịt.

"Cho dù thay đổi ra sao, nuôi theo hình thức nào thì thời điểm này cũng đều lỗ nặng cả. Nuôi lợn nái lỗ khoảng 800.000 đồng/con, lợn thịt lỗ khoảng 1,3 đến 1,5 triệu đồng/con. Gần như không cách gì lại được với tình hình giá cả thức ăn chăn nuôi như thế này”, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Giang nói như than.

IMG_6168

Nhiều hộ chăn nuôi ở Văn Giang phải bỏ chuồng. Ảnh: Võ Việt.

Theo hạch toán của cán bộ nông nghiệp và người chăn nuôi ở huyện Văn Giang, lợn hơi thời điểm này đang được bán với giá 48 nghìn đồng/kg, nghĩa là nuôi được một con lợn từ lúc cai sữa khoảng 7 kg đến lúc xuất chuồng tầm một tạ bán được 4,8 triệu đồng.

Trong khi đó giá thành của con lợn đó bao gồm: 1 triệu đồng tiền giống, hơn 4,5 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi. Nghĩa là chưa tính tiền thuốc thú y, chưa tính công chăm sóc, điện nước và loạt chi phí đầu vào khác thì người nuôi lợn ở Văn Giang đã lỗ ít nhất 800 nghìn - 1 triệu đồng/con.

“Thực ra với giá lợn hơi hiện tại không phải là quá thấp, nhưng bởi vì giá thức ăn chăn nuôi tăng khủng khiếp quá nên người chăn nuôi mới không tài nào trụ nổi. Nói cách khác, lỗ lãi một con lợn bây giờ phụ thuộc hết vào giá cám”, ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Chiến Thắng ở xã Xuân Quan lý giải.

Bài liên quan

Hợp tác xã Chăn nuôi Chiến Thắng trước có 8 thành viên, bình quân mỗi năm nuôi 2 lứa lợn từ 15-16 nghìn con. Khoảng 2 năm trước khi giá thức ăn chăn nuôi tăng các thành viên hợp tác xã cứ cắt giảm quy mô dần, đến bây giờ chỉ còn lại 5 thành viên, đàn lợn nái trước có 600 con thì nay cũng chỉ còn 300 con.

"Chỉ trong vòng có 2 năm mà tiền cám trên một đầu lợn tăng từ 3 triệu đồng lên thành 4,5 thậm chí 4,8 triệu đồng thì chú bảo dân gánh sao nổi. Càng nuôi càng lỗ, nuôi lợn sề lỗ ít, nuôi lợn thị lỗ nhiều, ai cũng cố gắng cầm cự nhưng chỉ được một thời gian rồi phải bỏ.

Đặc biệt là chăn nuôi nông hộ, vừa lắm rủi ro lại gặp giá cả biến động thế là chết chứ có gì đâu. Có thời điểm lợn xuống 46.000 đồng/kg mà giá cám vẫn cứ trên trời khiến người dân chúng tôi bán hết lợn đi cũng không đủ tiền trả cám”, ông Hùng nói bằng giọng rất bế tắc.

Nông hộ chết đàng nông hộ, những trang trại quy mô ở Văn Giang cũng không thoát khỏi vòng xoáy của cơn “bão kép” giá cám cao giá lợn hơi thấp. Chiếm đến gần 80% giá thành và liên tục nhảy múa suốt thời gian qua, nói không ngoa giá cám là nguyên nhân chính khiến người chăn nuôi khốn khổ.

khanh

Ông chủ trang trại Bùi Văn Khanh ở Cửu Cao ngán ngẩm vì lợn. Ảnh: Võ Việt.

Anh Bùi Văn Khanh (47 tuổi), một trong số ít chủ trang trại lớn ở xã Cửu Cao phàn nàn, mười mấy năm làm nghề nuôi lợn, thăng trầm đều đã trải qua mà chưa có lúc nào cảm thấy bấp bênh, hoang mang như giai đoạn này.

Nuôi lợn không khác gì chơi chứng khoán. Từ đầu năm ngoái giá lợn hơi có nhích lên được chút thì giá cám cũng bắt đầu tăng. Lần tăng 5 nghìn, 10 nghìn chỉ hơn một năm mà tăng tổng cộng đến 15 -16 lần, tăng đến hơn 50% thì chăn nuôi kiểu gì lại nổi.

Trang trại của gia đình anh Khanh bình thường nuôi khoảng 200 con lợn nái, 600 - 700 con lợn thịt, lúc cao điểm lên đến cả ngàn con. Tuy nhiên kể từ khi giá cám tăng vọt, giá lợn hơi giảm sâu không ít lần anh Khanh phải cắn răng bán theo kiểu cắt lỗ. Hiện trong chuồng chỉ còn khoảng 200 con, ông chủ trang trại nói, vậy đã đủ chết rồi. Để ra được một con lợn hơi tầm 1 tạ mỗi ngày hết tầm 3 kg cám, cả chu kỳ nuôi hết khoảng hơn 10 bao. Tùy từng giai đoạn lợn tăng trưởng mà cho ăn những loại cám nào, 350 nghìn đồng/bao cũng có mà 500 nghìn đồng/bao cũng có. 200 con lợn nuôi thêm một ngày là lỗ thêm cả chục triệu đồng.

Biết là lỗ nặng nhưng nuôi đến tầm nhỡ này rồi cũng phải cố thôi. Mặt khác chăn nuôi nông hộ còn tìm cách kiếm các nguồn phế phụ phẩm khác để gồng gánh bớt đi chứ nuôi trang trại phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy chuẩn của nó.

Đầu tư bao nhiêu tiền của vào đấy, đa số là phải đi vay ngân hàng, vay của họ hành, anh em, giờ có lỗ mấy thì vẫn cứ phải cố tìm cách cầm cự chứ bỏ là chết. Chỉ mong nhà nước làm sao đó hạ nhiệt giá cám xuống cho người chăn nuôi qua được “cơn bão” này.

Bán đất bù lỗ nuôi lợn

Từ Văn Giang đến Tiên Lữ, Khoái Châu, Phù Cừ… những vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh Hưng Yên, người dân đã thực sự quá chán ngán khi phải gồng gánh lỗ suốt hàng năm trời. Không riêng gì chăn nuôi lợn mà các loại gia súc, gia cầm, thủy sản khác đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Đây có lẽ là thực trạng chung của cả nước bởi nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi đang phải nhập khẩu giá cao, chịu nhiều loại thuế. Đối với các doanh nghiệp, trang trại lớn tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín còn chủ động được phần nào chứ nông hộ gần như không còn thiết tha gì nữa, thua lỗ quá nhiều rồi.

16

Chăn nuôi nông hộ ở bước đường cùng. Ảnh: Võ Việt.

Tổng đàn lợn tỉnh Hưng Yên bình quân vào khoảng 500.000 con, trong đó 60-70% vẫn là chăn nuôi nông hộ, mười mấy nghìn hộ dân sống bằng chăn nuôi nên giá cả thế này ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ở góc độ chuyên môn của địa phương chúng tôi rất mong mỏi Chính phủ có giải pháp giảm giá thức ăn chăn nuôi, nếu không chắc chẳng còn ai dám nuôi lợn nữa.

Lời bà Vân nói quả không sai. Hộ ông Lý Văn Tĩnh ở xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang là minh chứng. Nuôi lợn cay đắng đến mức gia đình ông Tĩnh đã phải bán hơn 200m2 đất thổ cư mới có tiền bù lỗ. Khiếp vía với cảnh càng nuôi càng lỗ, hiện giờ ông Tĩnh đã “treo” chuồng để đi làm thuê ở Làng nghề gốm sứ Bát Tràng.

Cùng xã Liên Nghĩa, ông Lý Văn Dũng dù chỉ nuôi thường xuyên 200 con lợn cũng phải vay ngân hàng 700 triệu đồng, nợ đại lý cám chăn nuôi 96 triệu đồng. Bỏ nuôi lợn từ một năm nay nhưng giờ nhắc lại vẫn khiến ông hãi hùng.

Ông Hoàng Ngọc Hiếu, cán bộ phụ trách chăn nuôi thú y xã Liên Nghĩa hạch toán: Giá thành sản xuất 1 kg lợn hơi thời điểm này ít nhất khoảng 57.000 đồng, trong khi giá bán chỉ 49.000 đồng 1kg thì dân chỉ lo tiền lãi suất ngân hàng thôi đã đủ ốm. So với năm 2017 giá lợn thịt gần như không tăng trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng quân bình trên 50% thì có thể khẳng định đây chính là “thủ phạm” làm cho các nhà nông bị thua lỗ rồi còn gì.  

"Cách nay trên 5 năm toàn xã Liên Nghĩa có 96 hộ, trang trại chăn nuôi lợn với tổng đàn đạt gần 8.000 con. Do chăn nuôi thua lỗ kéo dài, tới đầu tháng 3/2023 tổng đàn lợn của xã đã giảm xuống chỉ còn 3.450 con tại 19 hộ chăn nuôi còn bám trụ", ông Hiếu lắc đầu.

15

Giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt khiến người nuôi lợn lao đao. Ảnh: Võ Việt.

Đi sang xã Long Hưng, cũng là một xã chăn nuôi trọng điểm khác của Văn Giang, ông Ngô Văn Sáu, người nuôi lợn từ năm 2005 đến nay đúc rút: Tôi đang nợ ngân hàng 500 triệu đồng chưa biết tìm đâu ra nguồn trả nợ đây.

May nhờ chỉ nuôi trên dưới 200 con lợn thịt và lợn nái, không phải thuê mượn công lao động, trang trại đã hết hấu hao và chủ động được nguồn con giống nuôi đầu vào, nên tôi mới dừng được ở mức nợ chăn nuôi nêu trên. Ngược lại, những hộ nuôi nhiều lợn hơn, phải thuê người phụ giúp chăn nuôi, trang trại mới xây dựng... đều phải vay nợ từ 1 tỉ đồng trở lên.

Rồi Tân Tiến, Mễ Sở, Nghĩa Trụ hay nhiều xã khác cũng vậy, dường như đang có một làn sóng nợ nần âm ỉ, chực chờ bùng phát trong cộng đồng chăn nuôi lợn ở huyện Văn Giang và nhiều vùng khác ở tỉnh Hưng Yên.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.