Cụ thể, từ ngày 1/7/2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/ tháng, và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/ tháng. Nghĩa là cá nhân có thu nhập dưới 15 triệu đồng và phải nuôi dưỡng một người thân thì không phải nộp thuế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của nước ta tính đến cuối năm 2019 là khoảng 63 triệu đồng/người/năm.
Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương vào khoảng 6,7 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ mới tương đối thuyết phục so với mức thu nhập bình quân, nhưng so với nhu cầu đời sống đô thị thì vẫn còn tồn tại nhiều điều đáng băn khoăn.
Bộ Tài chính cho rằng việc đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là một trong những giải pháp tài khóa nhằm tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh trước tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính thì động thái ấy hoàn toàn là để thực thi Luật Thuế thu nhập cá nhân, chứ không phải hỗ trợ người nộp thuế.
Theo quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng trên 20% thì phải điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân. Tính đến tháng 12/2019, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng 23,3%. Đến tháng 6/2019, Bộ Tài chính mới đề xuất thay đổi mức giảm trừ gia cảnh đã là một sự chậm trễ.
Đành rằng, bối cảnh đại dịch Covid-19 đang làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời phát sinh thêm nhiều nhu cầu chi ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch, nhưng hiện tại doanh nghiệp và người lao động cũng chịu tác động tiêu cực từ hệ lụy.
Nếu doanh nghiệp được giảm thuế vì Covid-19, thì tại sao người lao động không được giảm thuế vì Covid-19? Không thể lấy sự điều chỉnh nhằm thực thi Luật Thuế thu nhập cá nhân để thế chỗ cho việc cần thiết giảm thuế thu nhập cá nhân trong giai đoạn chống dịch.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, với mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh lần này, ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 10.300 tỷ đồng/năm, tương đương giảm khoảng 13% số thu thuế thu nhập cá nhân năm 2019.
Trong khi đó, từ hoạt động thực tế của Cục Thuế TP.HCM đã cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2020, hàng loạt sắc thuế chịu ảnh hưởng mạnh, như số thu thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 11,08%, thu thuế giá trị gia tăng giảm 6,27% và số thu lệ phí trước bạ giảm 28,11%, so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, số thu thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng 8,96%.
Đối với người nộp thuế, giảm được đồng nào thì mừng đồng nấy. Nghị quyết về mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành là một tín hiệu tích cực để ổn định tâm lý cho người lao động. Còn để tạo sức bật cho thị trường tiêu dùng, có lẽ cần phải miễn giảm thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng cuối năm 2020.