| Hotline: 0983.970.780

Thuốc lậu, thuốc nhái tung hoành

Thứ Năm 19/09/2013 , 10:30 (GMT+7)

Giữa ma trận của thị trường thuốc BVTV, nông dân gần như không thể có sự lựa chọn. Họ bị chèo kéo, bịp bợm, mua nhiều đến mức mỗi vụ lên đến cả tạ thuốc BVTV. Ai cũng biết thuốc BVTV bị lạm dụng một cách khủng khiếp, nhưng nguyên nhân vì sao?

Giữa ma trận của thị trường thuốc BVTV, nông dân gần như không thể có sự lựa chọn. Họ bị chèo kéo, bịp bợm, mua nhiều đến mức mỗi vụ lên đến cả tạ thuốc BVTV. Ai cũng biết thuốc BVTV bị lạm dụng một cách khủng khiếp, nhưng nguyên nhân vì sao?

>> Ma trận thị trường thuốc BVTV

"Nông dân dễ lừa, dễ lái lắm"

Vùng trồng dưa hấu và cà rốt ở các xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) và xã Thái Tân (huyện Nam Sách) tỉnh Hải Dương được nhiều người ví von là cánh đồng thuốc độc. Nông dân dùng thuốc vô tội vạ, một vụ dưa hấu, một vụ cà rốt, hàng tấn thuốc BVTV đủ chủng loại được tưới xuống các cánh đồng.

Người dân ở những vùng này không dùng khái niệm phun thuốc BVTV nữa, họ chuyển sang hình thức pha nước rồi tưới thẳng lên các cánh đồng từ lâu rồi.

Chúng tôi thực hiện một cuộc khảo sát với 10 hộ dân ở hai xã Đức Chính và Thái Tân bằng câu hỏi: Họ đang sử dụng thuốc BVTV như thế nào?

100% nông dân đều trả lời là họ phụ thuộc hoàn toàn vào các đại lý. Đưa cho thuốc nào thì dùng thuốc đó, bảo thuốc nào tốt thì mua thuốc đó, bán một bình bao nhiêu loại, số lượng nhiều hay ít thì mua bấy nhiêu… Họ không phân biệt được công dụng các loại thuốc, không phân biệt được giá cả, nguồn gốc...


Một số loại thuốc BVTV nhập lập cực độc nông dân đang sử dụng

Gia đình ông Trần Mạnh Thưởng (52 tuổi) ở thôn Xuân Kiều, xã Đức Chính chuyển đổi hơn một mẫu ruộng sang trồng dưa hấu từ mấy năm nay. Mỗi năm làm hai vụ dưa, theo hạch toán của ông Thưởng, thuốc đắt, thuốc rẻ cộng gộp vào tính bình quân hết khoảng 10 triệu đồng một vụ.

Tương tự, gia đình ông Bùi Văn Quân ở thôn An Tân, xã Thái Tân cũng làm gần một mẫu cà rốt và rau. Nếu chia theo đầu sào thì ít nhất một vụ gần 1 triệu đồng tiền thuốc các loại. Thuốc sâu, thuốc nấm, thuốc rầy…

Tiêu chí mà ông Quân đặt ra khi sử dụng thuốc, rẻ là dùng chứ không tính đến yếu tố độc hại. Chẳng hạn bọ nhảy trên rau, phun thuốc BVTV loại thật rẻ. Rẻ để mua được nhiều, phun nhiều loại thuốc thì kiểu gì sâu, rầy cũng chết. “Ôi dào. Nông dân chúng tôi cứ thấy có triệu chứng bệnh thì ra đại lý hỏi mua, người ta đưa cho loại nào dùng loại đó. Mà mấy năm nay thuốc dỏm nhiều quá, nhiều lúc phun chẳng thấy tác dụng gì”.

Những cánh đồng ven sông Thái Bình của các xã như Đức Chính, Thái Tân có trên 1.000 hộ dân trồng dưa, rau màu. Nếu tính diện tích bình quân một mẫu, tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV hơn 1 tạ/mẫu thì mỗi vụ có hàng trăm tấn thuốc BVTV đủ chủng loại đổ xuống đồng. Một cán bộ BVTV ở tỉnh Hải Dương ví von rằng, các cánh đồng bây giờ chẳng khác nào những kho thuốc độc khổng lồ.

Theo tìm hiểu, trên thị trường hiện nay các loại thuốc BVTV chất lượng thường có công dụng trong một quãng thời gian dài. Nhưng tâm lý người dân, phun buổi chiều mà sáng mai không chết thì xem như thuốc đó kém chất lượng. Chính vì vậy, các đại lý thuốc BVTV tại các địa phương tha hồ cộng dồn các loại thuốc, nâng số lượng và giá bán một cách vô tội vạ.

Ông Nguyễn Văn Nhận, một chủ đại lý kinh doanh thuốc BVTV đúc kết chắc nịch: Nông dân dễ lừa, dễ lái lắm. Ví dụ như vụ vừa rồi, rầy nhiều, một bình thuốc cộng đến bốn năm chục ngàn, có những nhà phun đến 3 lần trong một đợt. Cộng nhiều loại thuốc quá nên cuối cùng cũng chẳng biết thuốc nào hiệu quả cả.

Thực trạng bát nháo của thị trường thuốc BVTV chẳng khác nào miếng mồi béo bở để các sản phẩm nhái, sản phẩm kém chất lượng đổ bộ. Mặc dù loa phát thanh ở một số địa phương ra rả khuyến cáo người nông dân cẩn trọng nhưng cuối cùng vẫn bị mắc lừa.


Tưới thuốc BVTV ở xã Thái Tân

Cách đây khoảng 2-3 năm, các đại lý chỉ bán một số mặt hàng chất lượng tốt, có thương hiệu và uy tín với bà con nông dân. Nhưng bây giờ thì khác rồi, nếu chỉ bán các mặt hàng chất lượng thì khó mà lời nhanh.

Ông Nhận nói rằng, đây là thời buổi những mặt hàng thương hiệu không ai để ra ngoài cả, phải cất kĩ vào trong nhà, nếu nông dân đến hỏi, lái sang hàng khác không được thì mới phải mang ra bán. Mà bán xong lại thấy xót ruột, ai đời mình nhập vào đã gần 8.200đ mà một vài thằng bán hàng rong chạy xe tối ngày chào đại lý của mình chỉ có 8.000đ/cốc.

Nông dân có biết đâu rằng cái bọn bán hàng rong đó lỗ 1- 2 trăm đồng cốc Tilt super nhưng thu lại ở các mặt hàng lô, hàng độc quyền gấp cả chục lần. Tỉnh nào có 4-5 ông bán rong trở lên thì hàng vạn nông dân bị lừa. Cộng thêm các công ty nhỏ, bán hàng độc quyền, cứ đưa hàng đến gửi cuối vụ bán hết bao nhiêu thu tiền bấy nhiêu, giá bán và lợi nhuận ông nào cũng vô cùng hấp dẫn.

Điển hình như An Nông, Bình Phương, Hà Thái, Minh Thành, Việt Thắng, Nhật Việt, Pháp Thụy Sĩ, Vipes… "Nhiều đến mức không sao đếm nổi. Sáng một ông công ty đến chào chú bán độc quyền giúp cháu, trưa lại đã có ông khác đến chào, ông nào cũng hay, ông nào cũng tốt. Nhưng toàn là lừa đảo người dân.

Sản phẩm nhập vào 30 bán ra 60-80, lợi nhuận như vậy thì lấy đâu ra chất lượng. Chỉ được mỗi cái bao bì quá hấp dẫn, nếu muốn có hình con sư tử sẽ in hình sư tử, muốn có hình con hổ in hình con hổ, muốn giống loại thuốc nổi tiếng nào sẽ giúp làm giống thuốc đó, miễn sao nhập số lượng đủ lớn là được", ông Nhận chia sẻ.

Ưa chuộng thuốc nhập lậu cực độc

Thị trường thuốc BVTV bị lũng đoạn, bát nháo cũng là cơ hội để thuốc lậu hoành hành. Theo điều tra của chúng tôi, hiện nay nông dân ở các huyện Nam Sách và Cẩm Giàng (Hải Dương) đang sử dụng thuốc nhập lậu từ Trung Quốc khá phổ biến. Từ lúa cho đến dưa hấu, cà rốt, rau màu đều sử dụng những loại thuốc BVTV Trung Quốc mà họ gọi là thuốc cấm.

“Nông dân ở đây dùng thuốc Tàu lâu rồi. Nói thật là chúng tôi cũng chả biết, nghe nói là thuốc lậu, cấm buôn bán, nhưng các đại lý nhập hàng về, người dân rỉ tai nhau dùng thử, thấy cũng chết nhanh”, ông Bùi Văn Tới, một nông dân ở xã Đức Chính khẳng định.


Ông Tới khẳng định thuốc lậu biết là độc nhưng diệt sâu nhanh chết

Thuốc BVTV lậu mà người trồng dưa, cà rốt, rau màu ở các xã Đức Chính, Thái Tân đang sử dụng gồm rất nhiều loại. Vì toàn là chữ Trung Quốc nên nông dân lẫn các đại lý buôn bán chỉ phân biệt được bằng hình ảnh, hình dạng.

Có 3 loại phổ biến. Một loại thuốc nước, một loại bột màu nâu, một loại bột màu xanh. Nhiều nhất là thuốc nước, không biết tên gì, bao bì có 3 màu, người dân đang mua về sử dụng diệt bọ nhảy, bọ cánh cam, rầy…

Vụ dưa hấu vừa rồi, gia đình ông Tới cũng làm gần một mẫu. Đối với những loại bệnh thông thường thì sử dụng thuốc BVTV trong nước. Nhưng riêng bệnh ghẻ trên quả, bọ nhảy, rầy rệp, sâu ải, sâu xanh… thì phải dùng đến thuốc lậu Trung Quốc.

Ông Tới gọi loại thuốc lậu mà gia đình đang sử dụng là thằng siêu nhân hoặc thằng bắn súng, vì trên bao bì những loại thuốc này có in hình siêu nhân cầm súng. Có hai lý do để những nông dân như ông Tới sử dụng thuốc BVTV Trung Quốc nhập lậu là giá thành rẻ và chết rất nhanh.

Một gói “siêu nhân bắn súng” giá từ 7-8 ngàn đồng. Một sào dưa hoặc cà rốt chỉ cần một gói loại này với một gói rầy rệp là đủ. “Chỉ sau vài tiếng là sâu, rầy chết như ngả rạ. Làm nghề trồng dưa, cà rốt thì ăn nhau ở thuốc BVTV. Chúng tôi đang lạm dụng thuốc BVTV thật đấy, nhưng không có cách nào khác. Vào giai đoạn cao điểm, tính bình quân cứ 2-3 ngày là phải đánh từ 5-6 loại thuốc”, ông Tới phân tích.

Tất cả các loại thuốc nhập lậu chỉ toàn chữ Trung Quốc này đều thể hiện độc tính bằng vạch đỏ trên bao bì. Hiện nay, ký hiệu màu sử dụng trên các sản phẩm thuốc được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại. Theo đó, những sản phẩm có in vạch màu đỏ nằm trong nhóm I, LD50 < 50 mg/kg, là những loại thuốc rất độc.

Theo qui định của nhà nước, những sản phẩm thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, không nằm trong danh mục thì cấm được sử dụng. Tuy nhiên, xu hướng của người dân ở các địa phương như xã Đức Chính có vẻ tin tưởng vào thuốc lậu hơn thuốc trong nước.

Theo kinh nghiệm của ông Tới, những thời điểm như giai đoạn dưa hấu chuẩn bị lấy phấn là sâu nhiều nhất. Thuốc của các công ty nhỏ cung ứng bát nháo, phun bao nhiêu cũng không chết, phải dùng thuốc cấm.

Thậm chí, ông Tới còn khẳng định chắc nịch rằng, những sản phẩm thuốc của các công ty siêu nhỏ, các đại lý buôn thúng bán mẹt cung ứng cho nông dân thì ruột cũng là thuốc Trung Quốc. “Giá cả mỗi nơi một thứ, dân dùng linh tinh lắm, nay thuốc này mai thuốc khác, thuốc dởm lại nhiều. Tôi lấy ví dụ như thuốc trị khô vằn của Công ty Việt Thắng, cắt bao bì rồi đổ ra cốc thì ruột cũng i xì như mấy loại thuốc người ta nhập lậu về bán cho dân thôi mà”.

Theo đánh giá của người dân lẫn những người tâm huyết với thuốc BVTV thì thực trạng thuốc lậu, thuốc nhái tung hoành như hiện nay là do quản lý. Nếu các cơ quan có thẩm quyền thắt chặt việc đăng ký hoạt chất, tên sản phẩm của các Cty siêu nhỏ và có chế tài xử lý việc nhái tên sản phẩm thì nông dân đỡ bị lừa. Chính vì việc có quá nhiều sản phẩm, chất lượng thấp cũng là điều kiện để thuốc lậu đột nhập.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.