| Hotline: 0983.970.780

Thương mại điện tử là cầu nối giúp nông sản vươn ra thế giới

Thứ Tư 23/11/2022 , 18:12 (GMT+7)

Các đại biểu dự Tọa đàm Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều đánh giá cao vai trò của thương mại điện tử hiện nay.

Toàn cảnh buổi tọa đàm do Tạp chí Công thương tổ chức ngày 23/11.

Toàn cảnh buổi tọa đàm do Tạp chí Công thương tổ chức ngày 23/11.

Những năm gần đây, sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Chính phủ, Bộ, ban, ngành quan tâm, thúc đẩy tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử. Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai), bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn ... được chào bán ở vị trí ưu tiên trên những sàn thương mại điện tử.

Nằm trong dòng chảy ấy, tỉnh Bắc Giang đã chủ động phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người dân địa phương. Thông qua việc ký hợp tác đưa sản phẩm vải thiều lên 6 sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, địa phương tiếp tục kích hoạt sàn thương mại điện tử hiện có là “vaithieu.net” và mở đường hàng hóa tiêu thụ lên sàn quốc tế Alibaba để tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Tại Tọa đàm Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử do Tạp chí Công thương tổ chức ngày 23/11, Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết, tỉnh hiện có 54 sản phẩm chủ lực, đặc trưng và 180 sản phẩm OCOP.

"Nhờ áp dụng các quy trình như GlobalGAP, VietGAP và các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, Bắc Giang đã tạo được thương hiệu riêng và chiếm được niềm tin của khách hàng", ông Toản nói.

Với sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bắc Giang nhận định, đây là nhóm có tính chất mùa vụ cao, sản lượng lớn, tạo nên áp lực cho cơ quan quản lý. Do đó, ngành công thương tỉnh đã chủ động triển khai nhiều ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ bà con. Bước đầu, tín hiệu rất khả quan, chẳng hạn như vụ tiêu thụ vải thiều 2021. Đây là năm mà vải Bắc Giang được cả mùa lẫn giá, dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Trong năm 2022, Bắc Giang hỗ trợ được 40 HTX và doanh nghiệp để mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử và tổ chức hướng dẫn người dân ngay tại vườn về cách quảng bá thương hiệu, làm hình ảnh, cũng như tiếp nhận và chốt đơn hàng, cùng quy cách đóng gói, vận chuyển đến tay người tiêu dùng.

Cam kết tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho giai đoạn 2021-2025, Bắc Giang coi thương mại điện tử là kênh bán hàng hiệu quả, hiện đại, giúp giảm chi phí đầu tư mở gian hàng, xây dựng thương hiệu... Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh quyết tâm không bỏ sót bất cứ cơ hội nào để đưa sản phẩm của tỉnh đến được tay người tiêu dùng.

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang.

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng nhiều nông sản nước ta như vải thiều Bắc Giang có chất lượng hàng đầu. "Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng quả vải đã được cả quốc tế công nhận. Những hoạt động xúc tiến hầu hết là tập trung giúp bà con nâng cao quy trình sản xuất để đạt các tiêu chuẩn của Mỹ như FDA, hay là các tiêu chuẩn của châu Âu", ông bày tỏ. 

Coi Covid-19 là động lực thúc đẩy bà con nông dân và đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số tích cực tham gia thương mại điện tử, ông Minh tiết lộ: Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đang cao nhất Đông Nam Á, cụ thể là khoảng 18% năm 2020 và hơn 15% năm 2021. 

Điểm lợi khi đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử, theo ông Minh, đó là nước ta hiện sở hữu 7/10 sàn lớn nhất khu vực. Do đó, thay vì bán hàng thật rẻ qua sàn, nông sản Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh bằng sự khác biệt. Đây chính là lý giải cho hiện tượng nông sản đặc trưng vùng miền xuất hiện ngày càng nhiều trên các sàn.

Nhấn mạnh thương mại điện tử là cầu nối giúp bà con phát triển trong đại dịch, đại diện VECOM đề nghị các bên liên quan vào cuộc tích cực hơn nữa, nhằm giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa giải quyết những khó khăn về khoảng cách hạ tầng, công nghệ với đô thị, hỗ trợ hoạt động giao dịch, bán hàng, công tác đào tạo kiến thức cơ bản, khả năng truy xuất nguồn gốc nông sản.

"Đưa được sản phẩm lên sàn thương mại điện tử rồi thì phải tối ưu thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi sự chủ động, tích cực từ nhiều bên, trong đó không thể thiếu các đơn vị, các sàn thương mại điện tử", ông Minh đánh giá.

Nhờ các sàn thương mại điện tử, vải thiều Bắc Giang năm 2021 được cả mùa lẫn giá.

Nhờ các sàn thương mại điện tử, vải thiều Bắc Giang năm 2021 được cả mùa lẫn giá.

Ông Nguyễn Bình Minh cũng đề cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng. Đây là nơi đưa ra những đóng góp, điều chỉnh theo hướng kiến tạo không gian, giúp giảm trở ngại cho sự phát triển của thương mại điện tử; đồng thời sắm vai kết nối, chia sẻ, phản biện chính sách để giúp doanh nghiệp, người dân kết nối tốt hơn với các sàn thương mại điện tử.

Lãnh đạo VECOM đặc biệt lưu ý tới quá trình xây dựng thương hiệu. Đây là bước đệm cho nông sản Việt đi khắp thế giới, chạm tới các thị trường uy tín, thay vì dồn toàn bộ nguồn lực vào tăng doanh số. "Đầu tư làm thương hiệu, nâng cao kỹ năng về marketing trên nền tảng số là những điều doanh nghiệp cần đầu tư. Chúng sẽ mang tới bước nhảy không ngờ", ông nhấn mạnh.

Đề nghị người dân phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý, theo hướng vừa làm vừa điều chỉnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang lưu ý thêm người dân về quy mô, số lượng sản phẩm. Ông ví von, không thể vì bận, việc riêng mà các chủ thể trên sàn thương mại điện tử được nghỉ bán bất thình lình.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết, mỗi sản phẩm của HTX khi đưa ra thị trường hoặc bán trên sàn thương mại điện tử đều đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, bao bì đẹp, bên cạnh chất lượng.

Ngoài những bỡ ngỡ về tiếp cận công nghệ, ông Dũng nêu khó khăn khi có những thời điểm HTX phải vận chuyển đơn hàng với số lượng ít. Nguyên do bởi vải thiều cần vận chuyển trong xe chuyên dụng, xe lạnh để đảm bảo độ tươi ngon.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất