Tôi đang chuẩn bị báo cáo khoa học “Triết lý Giáo dục Lương Định Của” vào ngày 5/11 ở Sóc Trăng thì được tin anh Tạn qua đời vào 1/11.
Tôi ngừng mọi công việc để viết về anh Tạn, hay đúng hơn là viết những kỷ niệm với anh Tạn từ những năm 60 (TK XX) cùng dạy môn Canh tác học ở Đại học Nông lâm, nay là Học viện Nông nghiệp Hà Nội; cho đến thời anh làm Bộ trưởng, rồi Phó Thủ tướng có phụ trách nông nghiệp.
Tôi làm Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL trực tiếp dưới quyền anh, lại là “ní” của anh (cùng tuổi, theo cách nói của người Nam bộ). Cho đến những năm tháng về hưu, chúng tôi vẫn tìm gặp nhau khi có dịp.
Ngay cả ở những buổi gặp gỡ trong thời gian nghỉ ngơi theo chế độ này, thời lượng mà chúng tôi dành cho việc trao đổi về khoa học công nghệ nông nghiệp vẫn chiếm gần hết buổi gặp gỡ.
Điều này cũng thể hiện sự hết lòng vì nông nghiệp, nông dân và nông thôn của anh Tạn. Tất nhiên không chỉ dừng lại ở các cuộc nói chuyện, mà phần nào đó đã thể hiện trong các bài viết, cuộc nói chuyện và đóng góp ý kiến về phát triển sản xuất nông nghiệp.
Những kỷ niệm sâu sắc hơn là trong quá trình làm việc với anh Tạn về sản xuất lúa ở ĐBSCL nói riêng, và của cả nước nói chung. Có thể nói, anh Tạn là người nắm bắt tiến bộ kỹ thuật rất nhanh, và là người chỉ đạo chuyển giao giống kỹ thuật vào sản xuất sắc bén. Xin được dẫn chứng:
Trước đây, anh Tạn và tôi giảng dậy ở miền Bắc. Cũng như các bạn đồng nghiệp ở trong Nam đều dạy sinh viên nông nghiệp là đối với đất phèn mà muốn cải tạo phải bón vôi để trung hòa độ chua, và không được bón phân chua như sulfát đạm, supe lân... Điều này rất hợp với với giáo trình, với lý luận.
Tuy nhiên, quá trình quan sát đồng lúa ở ĐBSCL thì có khác: bón phân cho đồng lúa mới chuyển từ lúa mùa cao cây cổ truyền sang lúa cao sản bằng bất cứ loại phân nào có lân, như phốtphorit, appatit, supe lân, DAP... lúa đều tốt hẳn, kể cả bón phân lân chua như supe lân. Một cuộc điều chỉnh về chính sách nhập khẩu phân bón được thực hiện theo hướng tập trung nhập DAP (18 N - 46 P2O5) cho ĐBSCL.
Cố Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Văn Thế ở Văn phòng phía Nam có nói việc này riêng giảm chi phí vận chuyển cho Nhà nước đã đến hàng chục tỷ đồng, còn nếu kể cả hiệu quả sử dụng phân lân làm cho năng suất lúa tăng thì phải tăng hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Nông dân và cán bộ địa phương phấn khởi, vì vừa nhẹ nhàng, vừa không làm bụi mù ô nhiễm không khí.
Anh Tạn gần như thường xuyên về Viện lúa ĐBSCL thăm những thí nghiệm sản xuất lúa, thăm những giống lúa triển vọng. Vào năm 1984, chúng tôi lấy được dòng lúa IR19868 sau có tên IR64 là lúa có chất lượng cao. Chúng tôi lập một chương trình lai tạo giống lúa cho gạo chất lượng cao. Chúng tôi bị phê phán là gạo còn chưa đủ ăn lại đi lo ăn ngon.
Nhưng anh Tạn thì ủng hộ và khuyến khích. Sau đổi mới 1986 vài năm, Việt Nam xuất khẩu gạo, Nhà nước yêu cầu gạo chất lượng cao thì Bộ Nông nghiệp đã có. Hồi đó, anh Tạn có thu xếp cho chúng tôi chuyển 2 toa xe hỏa ra Bắc hai giống lúa OM80 và IR64, rồi đưa lên tận Điện Biên. Mấy năm trước tôi có lên Điện Biên vẫn còn thấy sản xuất lúa bằng IR64; vừa hợp đất, vừa hợp khí hậu nên IR64 trở thành đặc sản có thương hiệu Điện Biên.
Giống lúa chất lượng cao RVT do nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn góp công chọn tạo từ nguồn vật liệu nước ngoài
Chương trình tạo chọn giống lúa cực sớm OMCS ở Viện lúa ĐBSCL cũng lại được anh Tạn ủng hộ, khích lệ và cho thành lập nhanh hội đồng xem xét và công nhận giống, do GS.TS Nguyễn Ngọc Kính làm Chủ tịch, Báo NNVN tổ chức hội thảo.
Thời gian sinh trưởng OMCS từ khoảng 80 - 90 ngày, vẫn đạt năng suất, chất lượng và tính kháng như những giống cao sản dài ngày hơn, thuận tiện cho bà con nông dân tăng vụ, và làm “nòng cốt” cho diện tích lúa vụ ba ở nơi thích hợp, trong khi chưa tìm được, chưa tạo điều kiện cho “tái cơ cấu” nào hơn. Diện tích lúa vụ ba từ vài ba trăm ngàn ha tăng lên 700.000 - 800.000 ha như hiện nay, năng suất và sản lượng vụ sau vẫn cao hơn vụ trước, hóa giải được những ý kiến “vụ ba bóc lột đất, cầu nối sâu bệnh”.
Phạm vi công tác của anh Tạn là cả nước. Tôi chỉ nêu vài ví dụ trên là trong phạm vi một viện, nhưng là người trong cuộc nên tôi biết khá rõ, và đã được chứng minh bằng kết quả sản xuất lúa ở ĐBSCL, là những đóng góp cho an ninh lương thực.
Tôi xin chuyển sang vài chuyện về tác phong của anh Tạn cũng có những thể hiện hết lòng hết mình cho những điều trăn trở như trên, luôn xông ra phía trước.
Một ví dụ vui vui: Một buổi chiều muộn trên cánh đồng thí nghiệm của Viện lúa ĐBSCL, anh Tạn và tôi cùng nhiều cán bộ đi thăm đồng lúa về, khi qua một bờ ruộng thấy anh Tạn lao xuống ruộng tóm một con rắn bò ven bờ cỏ, quay quay mấy vòng rồi quăng ra xa.
Trước sự ngạc nhiên của mọi người, anh Tạn nói: Lúc đó chỉ nghĩ, có ai đó chỉ cần khỏa chân xuống ruộng rửa bùn là bị rắn cắn, không biết là rắn độc hay rắn nước. Thật là một hành động "không giống ai" của một người bình thường, chứ không phải của một vị Bộ trưởng! Khi anh Tạn đang suy nghĩ về một điều gì cũng vậy, đi đi lại lại, quên tất cả những điều không có lợi cho mình trong mối quan hệ.
Rất nhiều hoạt động khác của anh Tạn, tôi đâu có biết, mà chỉ nghe nói, nhưng có suy ngẫm đúng sai, vì anh Tạn còn là bạn tôi. Có những hoạt động duy lí trí của anh Tạn như mang chuối lên đồi trồng, khai thác Tứ Giác Long Xuyên, trồng lúa bằng máy bay gieo hạt, khai thác Tây Nguyên, nhập nội một số cây trồng, vật nuôi... không thành công là sự thật.
Tuy nhiên cũng cần xem xét trong bối cảnh của sự chỉ đạo của cấp trên, anh Tạn cũng có trách nhiệm, nhưng không có anh Tạn sẽ có người khác làm. Hơn nữa, sự thất bại chỉ diễn ra một vài vụ, còn những thành công như trong sản xuất lúa ở ĐBSCL là liên tiếp vụ này, năm này đến năm khác, giải quyết được vấn đề an ninh lương thực. Công bằng mà xét thì công vẫn nhiều hơn, như nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã đánh giá quá trình làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT của anh Tạn.
Thương nhớ anh Tạn vô cùng! Không chỉ vì “nghĩa tử là nghĩa tận” mà còn là vì trân trọng những đóng góp của anh với nền nông nghiệp nước nhà, vì những mối quan hệ xã hội tốt đẹp và tình bạn chân thành. Xin viết bài này như một nén tâm nhang tưởng niệm anh!