| Hotline: 0983.970.780

Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng

Chủ Nhật 26/01/2014 , 10:29 (GMT+7)

Văn Nguyên Hồng bao giờ cũng lấp lánh sự sống. Những dòng chữ đầy chi tiết cứ cựa quậy, phập phồng. Một thứ văn bám riết lấy cuộc đời, quấn quýt lấy con người.

Văn Nguyên Hồng bao giờ cũng lấp lánh sự sống. Những dòng chữ đầy chi tiết cứ cựa quậy, phập phồng. Một thứ văn bám riết lấy cuộc đời, quấn quýt lấy con người. Người ta thường nói nhà văn, nhà thơ cần có ba yếu tố chủ quan : tài, trí và tâm. Có cây bút chỉ mạnh về tài, về trí. Đọc Nguyên Hồng, thấy tài và tâm, nhất là tâm, nổi lên hàng đầu.

Mà "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", ở những nhà văn chân chính xưa nay, tâm bao giờ cũng là cái gốc. Tài và trí chỉ là cành, là ngọn. Nguyên Hồng viết văn như là đặt luôn cái "tâm" nóng hổi của mình trên trang sách. Nếu cần nói thật khái quát một cái gì chung nhất cho mọi chủ đề tác phẩm của Nguyên Hồng, thì đó là lòng nhân đạo, một chủ nghĩa nhân đạo bao giờ cũng thống thiết mãnh liệt.


Nhà văn Nguyên Hồng

...Trước Cách mạng tháng Tám, có nhà phê bình nhận xét Nguyên Hồng có cái tật cứ đổ dồn dập lên đầu nhân vật của mình đủ thứ tai hoạ trên đời. Đọc Nguyên Hồng, thấy căng quá, nặng nề quá. Đúng là như thế. Nhưng chủ nghĩa nhân đạo thống thiết của Nguyên Hồng đòi hỏi ông phải viết như vậy. Nếu không thế, nói sao cho hả, cho đã những tình cảm thống thiết của ông đối với thân phận người dân cùng ngày trước? Và có như thế, ông mới tỏ hết được niềm tin mãnh liệt của mình đối với "thiện căn" bền vững của nhân dân lao động.

 Từ vực thẳm tối tăm ngày trước, từ đống bùn rác ngập ngụa trong xã hội cũ, những Tám Bính, những mẹ La của tiểu thuyết Nguyên Hồng vẫn giữ chắc bản chất hồn hậu, trong sáng của mình mà vươn lên, như những mầm cây căng nhựa, xuyên thủng lớp lớp bùn đất dày đặc để nhô lên đón lấy ánh sáng mặt trời.

...Nguyễn Tuân có lần nói, ông sở trường về tả gió, còn tả nắng thì nhất Nguyên Hồng. Nắng không thể thiếu trong phong cảnh thiên nhiên làm nền cho sinh hoạt của nhân vật tiểu thuyết Nguyên Hồng. Một thứ nắng vùng cửa biển, phấp phới, lồng lộng. Một thứ nắng có sức sống, có linh hồn, cũng hoạt động sôi nổi như con người, thậm chí có lúc như reo lên, hét lên hoà với nhịp sống tưng bừng náo nhiệt của thành phố Hải Phòng rực rỡ màu phượng vĩ. Dĩ nhiên, thiên nhiên vùng đất cảng đã ảnh hưởng tới thế giới thẩm mĩ của nhà văn.

Nhưng người cầm bút phải có một tâm hồn như thế nào đấy thì cái ánh nắng kia mới đi vào tác phẩm rực rỡ như thế được. Nguyên Hồng như có cái bản năng tự nhiên của cỏ cây luôn luôn hướng về ánh sáng. Một tâm hồn đầy ánh sáng, đầy ánh nắng. Dưới ánh nắng ấy, mọi cảnh vật ông mô tả đều tươi tốt, nở nang, màu mỡ, tràn đầy sức sống. Thứ ánh nắng có sức xua tan cả âm khí, tử khí trên những xác chết.

...Cái gì đã tạo nên ở Nguyên Hồng một chủ nghĩa lạc quan vững khoẻ đến như thế? Đó là lí tưởng cách mạng mà nhà văn đã tiếp thu được ngay từ thời kì Mặt trận Dân chủ Đông Dương, nhất là từ khoảng năm 1938 - 1939 trở đi. Đó là bản tính yêu đời, yêu sống của nhân dân lao động đã thấm vào máu thịt, tâm hồn ông. Đó là sức mạnh tinh thần của một con người bao giờ cũng sống hết mình với cuộc sống, với mọi người, mọi việc xung quanh.

...Quá trình sáng tác của Nguyên Hồng như thế là đúng 46 năm liên tục (1936 - 1982). Ông để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ mà sức sáng tạo, cho đến phút cuối cùng, chưa hề có dấu hiệu gì vơi cạn. Dĩ nhiên, đánh giá một nhà văn, người ta nghĩ đến chất lượng hơn là số lượng những trang viết. Không thể nói rằng tác phẩm của Nguyên Hồng đều là những đỉnh cao, những kiệt tác văn học. Nhưng đối với lịch sử văn học nước ta năm mươi năm qua, Nguyên Hồng có một vị trí chắc chắn lắm, bền vững lắm...

Xuân Diệu có lần nói, Nguyên Hồng có năng khiếu của một nhà văn lớn. Tôi cũng nghĩ như thế. Ông thành công ngay từ sáng tác đầu tay. Nhưng nếu như có những cây bút nào kia chỉ loé sáng lúc ban đầu rồi lụi tắt, thì Nguyên Hồng, cả quá trình sáng tác mấy chục năm, không có lúc nào viết xuống tay hẳn.

 Tác phẩm cuối cùng của ông là bộ tiểu thuyết "Núi rng Yên Thế". Tác phẩm mới in một tập. Bản thảo tập hai chưa ráo mực. Với bộ truyện viết về Đề Thám này, Nguyên Hồng sẽ có thêm một đóng góp mới đối với văn học hiện đại nước ta, nói riêng về loại tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm chưa hoàn thành. Cái chết đến với nhà văn quá đột ngột, giữa đà sáng tác đang còn hào hứng và đầy hứa hẹn. Tiếc thay!

...Nguyên Hồng đã sống hơn sáu mươi năm, đã viết hơn bốn mươi năm, ai biết được ông đã đổ ra bao nhiêu nước mắt cho đời và cho nghệ thuật? Bây giờ nằm dưới ba thước đất, nguồn nước mắt ấy, liệu có bao giờ khô cạn được chăng?

(Trích trong cuốn "Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn", NXB Giáo dục, 1994)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm