| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi đa giá trị nhìn từ cách làm của Thanh Hóa

Thứ Năm 18/07/2024 , 08:36 (GMT+7)

Dự báo đến năm 2030, hằng năm tỉnh Thanh Hóa có thể thiếu tới gần 500 triệu m3 nước. Nếu không có chiến lược định hướng bài bản và hành động ngay từ bây giờ...

Theo thống kê toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.286 công trình thủy lợi bị hư hỏng, cần duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa. Trong đó có 173 hồ chứa; 106 đập dâng; 276 trạm bơm; 609 kênh và hệ thống kênh tưới tiêu; 56 cống tưới, tiêu... Toàn tỉnh có 86 hồ chứa bị hư hỏng nặng có nguy cơ mất an toàn. Các công trình thủy lợi xuống cấp đã khiến việc điều tiết, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình khí hậu trong những năm gần đây có nhiều biến đổi phức tạp, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, do đó việc duy trì hiệu quả của hệ thống hạ tầng thủy lợi sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai, nâng cao năng lực tưới tiêu, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu. Để làm rõ nội dung này, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa.

Ông có thể giới thiệu về bức tranh thủy lợi của tỉnh Thanh Hóa và những năm qua ngành thủy lợi tỉnh nhà đã có những thay đổi như thế nào để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân?

Tỉnh Thanh Hóa nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ với diện tích hơn 11.000km2, đứng thứ 5 cả nước, với dân số gần 3,7 triệu người. Địa hình bị chia cắt phân thành 3 vùng rõ rệt (vùng núi, đồng bằng, ven biển) và có diện tích đồi núi lớn.

Thanh Hóa cũng là địa phương có hệ thống sông ngòi dày đặc với 4 hệ thống sông lớn (sông Mã, sông Yên, sông Bạng, sông Hoạt) với nguồn tài nguyên nước dồi dào (từ 21-23 tỷ m3/năm). Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng các công trình thủy lợi ngay từ những ngày đầu đất nước thống nhất. Hệ thống thủy lợi của tỉnh đã và đang đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng, kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản. 

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản. 

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 2.500 công trình thủy lợi đầu mối phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ tưới cho hơn 330 nghìn ha. Ngoài ra, với 610 hồ đập, cùng hệ thống trạm bơm trên sông Mã, sông Chu, sông Bạng, sông Bưởi, sông Cầu Chày, đã và đang đáp ứng tốt cho nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, hệ thống thủy lợi hiện nay đang duy trì, cung cấp nước sinh hoạt cho Khu kinh tế Nghi Sơn khoảng 14 triệu m3/năm.

Cùng với việc phát triển hệ thống tưới, tỉnh Thanh Hóa đã phát triển hệ thống các vùng tiêu lớn gồm: Vùng tiêu sông Yên, vùng tiêu Bắc sông Chu, Nam sông Mã, vùng tiêu Bắc sông Lèn với 15 hệ thống tiêu, điển hình như hệ thống tiêu sông Nhơm, sông Hoàng, hệ thống tiêu Thọ Xuân, kênh Than, sông Đơ… Các hệ thống tiêu này đảm bảo tiêu thoát nước, ổn định sản xuất cho bà con.

Theo ông, yếu tố nào đang tạo ra những thách thức cho ngành thủy lợi Thanh Hóa hiện nay?

Việc đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung đều mang tính lịch sử. Ngay sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, non sống quy về một mối, cả nước bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong nông nghiệp đặc coi là mặt trận hàng đầu và là cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác. Song song đó, việc xây dựng và phát huy các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất cũng được Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng.

Trạm bơm tiêu Hoằng Quang 1 (TP Thanh Hoa) tiêu ra sông Mã. Ảnh: Xuân Hào. 

Trạm bơm tiêu Hoằng Quang 1 (TP Thanh Hoa) tiêu ra sông Mã. Ảnh: Xuân Hào. 

Trong bối cảnh chung ấy, Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung đã huy động sức dân để xây dựng các công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất. Nhiều địa phương trong tỉnh đã trở thành đại công trường về xây dựng các công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, trải qua hàng chục năm sử dụng, các công trình thủy lợi dần xuống cấp và chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Điều này đặt ra nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi, trong bối cảnh nguồn lực của tỉnh chưa thể đáp ứng ngay các yêu cầu này.

Bên cạnh đó, nhiều công trình thủy lợi bị lấn chiếm, hư hại có nguyên nhân từ ý thức của người dân chưa cao. Trong thời gian dài, việc tuyên truyền phổ biến những quy định pháp luật liên quan tới trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc bảo vệ công trình thủy lợi còn hạn chế, dẫn đến nhận thức và hiểu biết về các quy định về việc bảo vệ công trình thủy lợi có nơi vẫn còn chưa đầy đủ. Ngoài ra, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến bảo vệ công trình thủy lợi.

Các công trình thủy lợi có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng để giữ, điều tiết nước, đồng thời góp phần phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một cực đoan. Bên cạnh đó, việc phát huy tính đa giá trị của công trình thủy lợi cũng được địa phương thực hiện khá hiệu quả trong thời gian qua. Ông có thể trao đổi kỹ hơn vấn đề này?

Đa giá trị tức là tạo ra nhiều giá trị sử dụng từ công trình thủy lợi. Cũng có thể hiểu rằng, 1m3 nước phải sử dụng vào nhiều mục đích và mang lại hiệu quả khác nhau. Các công trình thủy lợi ở Thanh Hóa ngoài nhiệm vụ dẫn và cấp nước cho sản xuất nông nghiệp còn thực hiện nhiệm vụ cấp nước thô cho nhà máy nước sinh hoạt, cho sản xuất công nghiệp, tiêu nước cho khu công nghiệp, khu đô thị; kết hợp phát điện…

Tại Thanh Hóa, các công trình thủy lợi đang phát huy giá trị bằng việc kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, tạo không gian cảnh quan, góp phần bảo vệ môi trường (công trình thủy lợi hồ Cửa Đạt, hồ Yên Mỹ…); sử dụng nguồn nước với phát điện (thủy điện Cửa Đạt); sử dụng nguồn nước kết hợp nuôi trồng thủy sản… Đây là yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân ở những vùng có công trình thủy lợi trữ nước.

Ngoài ra, trong những năm tới, tỉnh Thanh Hóa định hướng phát triển thủy lợi đa giá trị theo hướng gắn công trình thủy lợi với phát triển bộ mặt nông thôn. Ngoài đầu tư hạ tầng công trình thủy lợi để đảm bảo năng lực thiết kế, an toàn trước thiên tai, công trình thủy lợi đó phải trở thành điểm nhấn, mang lại giá trị kiến trúc, cảnh quan cho một vùng (thủy lợi Cửa Đạt, thủy lợi sông Lèn...).

Theo ông, để quản lý và phát triển bền vững công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần những giải pháp mang tính chiến lược gì?

Thanh Hóa có nguồn tài nguyên nước dồi dào, thế nhưng công trình trữ nước mới đáp ứng được khoảng 2,2 tỷ m3. Đặc thù của công trình trữ nước của Thanh Hóa phân bố hầu khắp các địa phương trong tỉnh, chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi.

Trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nhu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ đòi hỏi nhu cầu dùng nước ngày càng tăng. Dự báo đến năm 2030, hằng năm tỉnh Thanh Hóa có thể thiếu tới gần 500 triệu m3 nước. Với tốc độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới, việc thiếu nước phục vụ sản xuất có thể xảy ra nếu không có chiến lược định hướng bài bản và hành động ngay từ bây giờ.

Điều này đặt ra vấn đề về quản trị nguồn nước mà cụ thể là việc điều phối nguồn nước giữa các vùng miền để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đang hướng tới việc củng cố, nâng cấp khả năng và thời gian trữ nước tại các công trình thủy lợi. Muốn thực hiện được điều này đòi hỏi phải nâng cấp và đầu tư công trình thủy lợi mới.

Bên cạnh đó, việc quản lý công trình thủy lợi phải hướng tới chuyển đổi số, nhằm đáp ứng được mục tiêu quản trị nguồn nước mang tính hệ thống, hiệu quả. Để làm được việc này, ngoài cơ sở dữ liệu nguồn nước, cần ứng dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý và truyền tải nguồn nước (sử dụng đường ống kín để dẫn nước, lắp đặt thiết bị đo đếm trữ lượng, sử dụng các thiết bị điện tử trong vận hành, điều khiển nguồn nước). Trên cơ sở chính sách phát triển thủy lợi kết hợp với các nguồn lực hiện có, tỉnh Thanh Hóa sẽ phấn đấu đạt được các mục tiêu đặt ra.

"Những người làm công tác thủy lợi nói chung, phòng chống thiên tai nói riêng luôn tâm niệm rằng, đối với người ngoài, thiên tai là bất thường, nhưng đối với người trong ngành thì thấy bình thường. Bởi lẽ, chúng tôi luôn đặt mình trong tâm thế thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ra nên phải chủ động phòng chống. Tỉnh Thanh Hóa đứng đầu cả nước về thiệt hại do thiên tai, nên những người làm công tác thủy lợi luôn cố gắng để hạn chế thiệt hại xảy ra", ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.