Hàng nghìn hộ dân Thanh Hóa sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Quảng Bình còn hơn 200 phương tiện hoạt động trên biển. Kiên Giang kiên quyết ngăn chặn tàu cá ‘3 không’. Nông dân Đồng Nai dồn sức khôi phục vườn tiêu.
Hàng nghìn hộ dân Thanh Hóa sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất
Quốc Toản sx
Theo thống kê của tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, có 2.564 hộ đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, chủ yếu tại 11 huyện miền núi.
Thực hiện đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021-2025, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện tái định cư xen ghép, tái định cư liền kề được 282 hộ.
Để hỗ trợ các hộ dân di rời trong thời gian tới, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp với UBND các huyện miền núi thực hiện việc rà soát từng khu vực có thể di duyển và hoàn thiện, bổ sung điều chỉnh đề án, trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt điều chỉnh để sắp sếp lại dân cư, ổn định cuộc sống người dân vùng nguy cơ sạt lở.
Quảng Bình còn hơn 200 phương tiện hoạt động trên biển
Tâm Phùng sx
Chiều ngày 15/7, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đã triển khai phương án, chỉ đạo các đơn vị trên hai tuyến khẩn trương thông báo, tuyên truyền về tình hình diễn biến của áp thấp nhiệt đời và kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.
Đến thời điểm 15 giờ hôm nay, có 246 phương tiện, 1.236 lao động đang hoạt động trên biển. Hầu hết các phương tiện được Bộ đội biên phòng thông báo và nắm được thông tin về áp thấp nhiệt đới.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cũng chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với các địa phương và lực lượng có liên quan rà soát các điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở để chủ động có phương án di dời, khắc phục; hướng dẫn, tổ chức lực lượng canh trực, cắm biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm, đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống.
Kiên Giang kiên quyết ngăn chặn tàu cá ‘3 không’
Văn Vũ sx
Tỉnh Kiên Giang đang quyết tâm ngăn chặn, xử lý tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm) gây khó khăn cho công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, tỉnh đang thực hiện đăng kiểm, đánh dấu, đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho hơn 2.700 tàu cá “3 không” trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Hữu Toàn, giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, nguyên nhân còn nhiều tàu cá “3 không” chủ yếu do người dân địa phương đi làm ăn xa, khai thác thủy sản ngoài tỉnh trong thời gian dài, khai báo không kịp thời, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan quyết liệt xử lí triệt tình trạng tàu cá không đủ điều kiện khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Nông dân Đồng Nai dồn sức khôi phục vườn tiêu
Minh Phúc khai thác
Những tháng đầu năm 2024, giá tiêu tăng phi mã, có thời điểm lên gần 200.000 đồng/kg nên nông dân có động lực, tập trung chăm sóc, cải tạo vườn tiêu hiện có. Một số nông dân có vườn tiêu già cỗi đã mạnh dạn đầu tư trồng mới hoặc nhân rộng diện tích so với trước. Đến nay, diện tích cây tiêu toàn tỉnh còn khoảng 11.000 ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai Nguyễn Văn Thắng khuyến cáo người dân, trước khi cải tạo hoặc mở rộng diện tích trồng cây tiêu, bà con nên kiểm tra lại diện tích vườn có phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây tiêu hay không. Trên những vườn tiêu có cây trồng chết nhiều trước đây thì không nên mở rộng và tự ý trồng mới, phải thực hiện cải tạo đất trước khi trồng; cần tìm hiểu trồng các loại giống tốt, giống chuẩn để có được sản phẩm tốt cho thị trường sau này.