| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi nội đồng 'hóa' thủy 'hại' do xuống cấp

Thứ Sáu 28/06/2024 , 13:39 (GMT+7)

Tại một số địa phương, hệ thống thủy lợi nội đồng qua thời gian sử dụng lâu dài đã xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng mùa vụ và đời sống bà con.

Xuống cấp đồng bộ

Hệ thống thủy lợi nội đồng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp, tiêu thoát nước, phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng nếu không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên thì chính thủy lợi lại trở thành thủy “hại” gây ảnh hưởng trực tiếp tới mùa vụ và đời sống của người dân trong khu vực.

Hiện trên địa bàn xã Hải Lựu (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) nhiều đoạn kênh đã cho thấy dấu hiệu xuống cấp rõ ràng. Điều này làm cho việc cung cấp cũng như tiêu thoát nước trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Hệ thống tiêu thoát nước không đảm bảo, nước tràn vào ruộng gây ngập úng. Ảnh: Hùng Khang.

Hệ thống tiêu thoát nước không đảm bảo, nước tràn vào ruộng gây ngập úng. Ảnh: Hùng Khang.

Có ruộng nằm cạnh dòng kênh đất, bà Nguyễn Thị Dân (58 tuổi, thôn Thống Nhất, xã Hải Lựu) là người hiểu rõ nhất những ảnh hưởng do sự xuống cấp của những con kênh này. “Mỗi trận mưa rào là nước đánh dạt hết lúa 2 bên, không được ăn. Đắp bờ lên bao nhiêu thì mưa lại bào đi bấy nhiêu. Nhiều khi, gây tắc mương, nước không chảy được, phá ngang”.

Không chỉ những con kênh đất mà ngay cả những đoạn kênh đã được cứng hóa cũng cho thấy dấu hiệu "lão hóa", xuống cấp. Tại nhiều khu vực, kênh đã nghiêng hẳn về phía ruộng của người dân, nguy cơ xảy ra tình trạng đổ, sập rất cao. Ngoài ra, phần đáy kênh cũng đã bị vỡ, rỉ nước, khiến cho lượng nước đến các thửa ruộng không đều nhau.

Ông Nguyễn Văn Đạo (67 tuổi, nhân viên tổ kỹ thuật Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hải Lựu) cho biết: “Nhiều khi mệt lắm, bơm nước ở trạm bơm được 10 phần thì lên đến ruộng của người dân chỉ còn 3 phần. Nước nó rỉ ra những thửa ruộng đủ nước rồi, trong khi ruộng cần nước lại thiếu. Nước thì không chảy ngược, không tháo từ ruộng dưới lên ruộng trên được. Nên ruộng thì ngập, ruộng thì khô không cấy được”.

Nhiều đoạn kênh bị đổ, sập gây nghẽn nguồn nước. Ảnh: Hùng Khang.

Nhiều đoạn kênh bị đổ, sập gây nghẽn nguồn nước. Ảnh: Hùng Khang.

Không chỉ gây khó khăn trong công tác cung cấp nước tưới cho bà con mà việc tiêu thoát nước mùa mưa cũng đang là vấn đề nan giải đối với những công nhân thủy nông như ông Đạo. Do hệ thống dẫn nước không đảm bảo nên họ đành phải tháo nước bằng cách khơi dòng từ ruộng này sang ruộng khác.

Tuy nhiên, đầu ra cho lượng nước dư thừa này lại cách ruộng của người dân từ 4-5km. Theo ông Đạo, thời gian để thoát hết lượng nước ngập kéo dài từ 4-5 ngày thậm chí 1 tuần. Trong khoảng thời gian này, lúa của bà con nông dân ít nhiều bị ảnh hưởng do ngập úng kéo dài.

Trên thực tế, địa bàn xã Hải Lựu đã từng diễn ra tình trạng ngập úng kéo dài như vậy. Chị Lâm Thị Lan (Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hải Lựu) cho biết: “Cuối vụ chiêm năm 2022, mưa lớn kéo dài. Ngay sáng hôm sau tôi lên thăm lúa của bà con thì ngập trắng hết rồi. Không thấy ngọn lúa đâu, mà đấy còn là lúa chuẩn bị thu hoạch. Đứng trên đường nhìn xuống mà xót nhưng không biết làm thế nào cả…”.

Vì đâu nên nỗi?

Hệ thống kênh, mương qua thời gian sử dụng lâu năm khó tránh khỏi tình trạng xuống cấp. Hợp tác xã cũng đã có những phương án duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới và tiêu thoát nước kịp thời khi có dấu hiệu của ngập úng. Nhưng những nỗ lực của địa phương cũng như hợp tác xã chỉ như “muối bỏ bể”.

Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hải Lựu thường xuyên có những phương án khơi dòng, phát quang bụi rậm để đảm bảo lưu lượng nước cho bà con, đặc biệt là trong thời gian chính vụ. Cây cối 2 bên bờ kênh, mương phát quang thường xuyên, đất bồi, đất lở cũng được loại bỏ khỏi lòng kênh.

Ông Đạo thường xuyên phát quang các khu vực kênh, mương để duy trì sự ổn định của dòng chảy. Ảnh: Hùng Khang.  

Ông Đạo thường xuyên phát quang các khu vực kênh, mương để duy trì sự ổn định của dòng chảy. Ảnh: Hùng Khang.  

Dù thường xuyên có những hoạt động phát quang, khơi dòng, thế nhưng yếu tố quyết định đến sự ổn định của cả hệ thống thủy lợi nội đồng lại nằm ở ý thức của người dân. Ông Đạo - nhân công trực tiếp tham gia vào công tác khơi thông dòng chảy bộc bạch: “Chúng tôi có làm giời làm bể mà ý thức người dân kém thì cũng không hiệu quả…”.

Theo ông Đạo, việc người dân trồng cỏ voi ở 2 bên bờ kênh là một trong những nguyên nhân gây ách tắc dòng chảy. Đất trồng cỏ lấn ra cả mặt mương, hành lang kênh mương gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Thậm chí, nhiều hộ gia đình còn “tiện tay” xả thẳng những phần cỏ úa, rác thải xuống lòng kênh. Người dân vứt xuống, những nhân công thủy nông như ông Đạo lại vớt lên.

Hệ thống kênh xây xuất hiện tình trạng nghiêng thành, vỡ đáy ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của bà con nông dân. Ảnh: Hùng Khang.

Hệ thống kênh xây xuất hiện tình trạng nghiêng thành, vỡ đáy ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của bà con nông dân. Ảnh: Hùng Khang.

Nhưng không chỉ có cỏ, rác mà thậm chí xác động vật chết đôi khi cũng được tìm thấy dưới lòng kênh. Ông Hán Văn Hà (trưởng thôn Thống Nhất) cho biết: “Nhiều hôm anh em đi kiểm tra, thấy nước không chảy được, ngó xuống thấy xác con lợn 60-70kg dưới đấy, bằng cả cái mương thì nước nào chảy qua cho được. Anh em lại phải móc lên khơi lại dòng. Ý thức tệ đến thế cơ mà…”.

Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn kinh phí để nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi cũng là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến chất lượng của cả hệ thống. Mỗi năm, Hợp tác xã nhận được 246 triệu đồng tiền vận hành hệ thống thủy lợi nội đồng. Trong đó, có 6,2 triệu đồng tiền duy tu, bảo dưỡng hệ thống.

Tuy nhiên, từ khi hợp tác xã tiếp nhận hệ thống thủy lợi nội đồng, những công trình này đã xuống cấp trầm trọng. Chị Lan cho biết: “6,2 triệu mỗi năm chỉ đủ tiền đi vá mương, vá kênh, chứ nâng cấp, làm mới kiểu gì…”. Khó khăn chồng chất khó khăn, vì vậy mà hệ thống thủy lợi nội đồng ở xã Hải Lựu đã và đang gây ra không ít phiền toái cho bà con nông dân.

Đầu tư nhỏ lợi ích lớn

Các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được ví như những “mạch máu nhỏ lưu thông trong cơ thể”, dẫn nước đến từng thửa ruộng, xứ đồng. Phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường, giảm thiệt hại do nguồn nước ô nhiễm gây ra.

Chị Lan cho biết: “Hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng toàn xã Hải Lựu có khoảng 24km kênh đất và 12km kênh xây đã được cứng hóa. Mỗi năm nạo vét được 800-1000m3 đất và 10-12 tấn rác...".

Nhiều khu vực kênh đã được kè ở bên trong nhưng cũng chỉ là biện pháp tạm thời, không mang tính triệt để. Ảnh: Hùng Khang.

Nhiều khu vực kênh đã được kè ở bên trong nhưng cũng chỉ là biện pháp tạm thời, không mang tính triệt để. Ảnh: Hùng Khang.

Ông Đào Tiến Trung - Chủ tịch UBND xã Hải Lựu, cho biết: “Người dân Hải Lựu cơ bản vẫn còn mặn mà với đồng ruộng, vẫn duy trì sản xuất thời vụ. Hệ thống thủy lợi có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất nông nghiệp. Địa phương đại diện cho người dân, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở hợp tác xã trong vấn đề tiêu thoát nước cho bà con…”.

Cụ thể, hiện năng suất lúa bình quân của địa phương đạt mức 6,94 tấn/ha/vụ; ngô, lạc đạt 2,9 tấn/ha/vụ. Việc điều tiết nước vào - ra cho từng thửa ruộng, thông qua hệ thống thủy lợi nội đồng, nhằm đáp ứng những yêu cầu về kỹ thuật trong nông nghiệp không chỉ cho cây lúa, mà còn cho nhiều mô hình sản xuất kết hợp khác.

"Thực tiễn cho thấy, nhờ vận hành tốt hệ thống thủy lợi nội đồng, nên quá trình sản xuất nông nghiệp đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, nếu không có những phương án để duy tu, nâng cấp sửa chữa thì chính hệ thống thủy lợi sẽ trở thành nỗi lo hàng đầu của bà con nông dân", ông Đào Tiến Trung - Chủ tịch UBND xã Hải Lựu chia sẻ. 

Xem thêm
Ông Nguyễn Hữu Đông làm Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương

Ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La được Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Công trình thủy lợi giúp giảm chiều sâu xâm nhập mặn

ĐBSCL Nhờ vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi đã làm giảm chiều sâu xâm nhập mặn, giữ ổn định ranh mặn, bảo vệ tốt sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Tác giả của 'quả bom bán bản quyền giống' nói về truyền thông chân chính

Lúc tôi sang trường, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm tất tả từ đồng về, mặt lo âu: 'Cô đang cho gặt dòng mẹ đóng bao chờ chở về nhưng gặp mưa sẽ phải hong đây'.

Bình luận mới nhất