| Hotline: 0983.970.780

Thủy nông mong ngày hết khó: [Bài 5] 6 người quản 23 công trình thủy lợi

Thứ Bảy 27/07/2024 , 08:45 (GMT+7)

Tây Nguyên đang là mùa mưa, những cánh đồng mùa này không có nhu cầu tưới. Tuy nhiên không vì vậy mà các thủy nông viên nơi đây có được một mùa rảnh rỗi.

Mỗi cán bộ phụ trách 3 - 4 xã

Ia Grai là huyện có diện tích cây cà phê lớn của tỉnh Gia Lai, chưa kể đến lúa nước và rất nhiều loại cây trồng khác. Theo đó, nhu cầu nước tưới là rất lớn.

Anh Nguyễn Đăng Lưu, Đội trưởng Đội quản lý - khai thác các công trình thủy lợi huyện Ia Grai cho biết, trên địa bàn huyện có rất nhiều công trình thủy lợi. Những công trình có dung tích tưới trên 100ha do Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý (hồ Ia H’rung, Biển Hồ...). Các hồ đập do ngành cà phê đầu tư thì các công ty, nông trường cà phê trên địa bàn quản lý và khai thác. 23 công trình còn lại, gồm 9 hồ chứa và hệ thống đập dâng, kênh dẫn nước do Đội quản lý - khai thác các công trình thủy lợi của huyện quản lý, khai thác...

Công trình hồ chứa Ia Năng được nâng cấp từ dự án WB8. Ảnh: Đăng Lâm. 

Công trình hồ chứa Ia Năng được nâng cấp từ dự án WB8. Ảnh: Đăng Lâm. 

23 công trình do đội quản lý và khai thác phục vụ tưới cho 678ha cà phê và 105ha lúa. Những công trình này nằm rải rác ở các xã vùng sâu, vùng biên giới giáp với nước bạn Campuchia... “Người ít, lại phải quản lý, vận hành nhiều công trình và hầu hết đều ở cách xa nhau, do vậy anh em ở đội phải chia việc mà làm”, Đội trưởng Nguyễn Đăng Lưu cho biết.

Cũng theo anh Lưu, 6 nhân lực của đội được tạm chia thành 4 tổ, bình quân mỗi người phụ trách 3 - 4 xã. Những công trình nhỏ thì hướng dẫn thôn trưởng vận hành, còn những công trình trọng điểm thì anh em thay phiên nhau để vận hành mỗi khi vào vụ tưới. Trong khi đó, hầu hết công trình do đội quản lý và khai thác, đều được làm từ những năm 90 của thế kỷ trước. Cụ thể, có 9 hồ chứa nguyên là đập đất, được xây dựng từ năm 1990 đến năm 1998, đến nay đã có tuổi đời từ trên 30 đến gần 40 năm.

Ngoài hệ thống hồ chứa, tràn xả lũ thì 13 đập dâng do đội quản lý đều là những thân đập nhỏ, chiều cao thân đập không quá 5 mét, và cũng trong tình trạng “già cỗi”. Các công trình đều bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều công trình bị bồi lắng làm giảm dung tích chứa, gây thiếu nước tưới cục bộ ở một số vùng.

“Lãnh đạo huyện rất quan tâm đến công tác thủy lợi trên địa bàn. Hàng năm, huyện đều đầu tư kinh phí nhằm nâng cấp, nạo vét các công trình bị xuống cấp hoặc bị bồi lắng, nhằm đảm bảo nguồn nước tưới, đồng thời đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập”, anh Lưu cho biết.

Tuy nhiên mỗi lần nạo vét các công trình bồi lắng không hề đơn giản, bởi chi phí lớn, nằm ngoài khả năng của huyện. Mặt khác, muốn nạo vét lòng hồ thì phải thông qua nhiều cơ quan như Sở NN-PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính... Ngay đầu vụ tưới năm 2024, có 9 hồ do đơn vị quản lý bị cạn kiệt, không đủ nước phục vụ tưới do bị bồi lắng nghiêm trọng.

Việc phải quản lý, vận hành 23 công trình thủy lợi lớn nhỏ, nằm rải rác trên địa bàn rộng, với thực trạng công trình xuống cấp nghiêm trọng... không hề đơn giản với chỉ 6 con người!

Việc nhiều, lương ít

Trong tổng số 6 người của đội thì chỉ anh Nguyễn Đăng Lưu là công chức Nhà nước, được phân công làm đội trưởng. 5 người còn lại đều là nhân viên hợp đồng, với nguồn thu duy nhất là tiền lương từ nguồn cấp bù thủy lợi phí (nay là giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi) của Nhà nước. Trừ các khoản cố định như bảo hiểm, quỹ công đoàn, số tiền thực nhận mỗi tháng của anh em trong đội khoảng 4,5 - trên 5 triệu đồng, tùy vào thâm niên mỗi người.

Nhiều công trình thủy lợi ở huyện Ia Grai đã xuống cấp. Ảnh: Đăng Lâm. 

Nhiều công trình thủy lợi ở huyện Ia Grai đã xuống cấp. Ảnh: Đăng Lâm. 

Con người và thu nhập là vậy, trong khi công việc thì không hề đơn giản. Vào những lúc cao điểm của vụ tưới, hoặc mùa mưa bão tiềm ẩn nguy hiểm đến công trình thì bản thân đội trưởng, kể cả nhân viên kế toán của đội là nữ cũng phải cùng anh em đi đến từng công trình, vận hành phục vụ bà con có nước tưới, hoặc kiểm tra hiện trạng công trình để sớm có biện pháp khắc phục sự cố...

“Công trình chủ yếu nằm ở vùng sâu, diện tích tưới nhỏ lẻ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do đó rất khó quản lý và bảo vệ. Thời kỳ cao điểm, có ngày mỗi người phải đi từ công trình này đến công trình khác để thực hiện việc đóng, mở nước, vừa đảm bảo nước tưới, lại không bị thất thoát nguồn nước. Có hôm, mỗi anh em cả đi lẫn về bằng xe máy trên một trăm cây số”, anh Lưu cho biết.

Công trình hồ chứa Ia Năng nằm trên địa bàn thị trấn Ia Kha thuộc huyện Ia Grai, được thi công từ năm 1990. Năm 2021, từ dự án WB8, công trình được nâng cấp, bê tông hóa một số hạng mục khác. Tại đây, có hai nhân viên của đội đang túc trực, kiểm tra công trình và xử lý sự cố trong mùa mưa bão.

Liêm Minh Tâm nhà ở thị trấn Ia Kha, đã có thâm niên 11 năm là nhân viên hợp đồng của đội. “Ngoài mức lương khoảng trên 5 triệu đồng mỗi tháng thì em không còn khoản thu nào khác”, Tâm nói. Trong khi đó, mỗi năm có 3 vụ tưới. Vào mỗi mùa tưới thì từ sáng sớm, anh em đi đến công trình để mở nước, kiểm tra vận hành, xong lại vội vàng đến công trình khác, cũng mở nước, kiểm tra vận hành. Chiều tối lần lượt quay lại công trình ban đầu để đóng nước, kiểm tra hiện trạng công trình... “Có hôm mờ sáng đi, tối mịt mới về đến nhà, trưa đói thì ghé ăn tạm quán dọc đường. Thu nhập thấp, còn phải chi cho việc ăn uống, xăng xe nên hàng tháng, số tiền đưa về cho vợ nuôi con không đáng là bao”, Tâm chia sẻ.

Còn Rơ Châm Hậu thì nhà ở tận xã biên giới Ia O. Công việc chính của chàng trai người J’rai này là mỗi ngày phóng xe máy đến các công trình được phân công để kiểm tra hồ đập, phát dọn, làm vệ sinh thân đập, đến mùa tưới thì vận hành đóng, mở nước tưới... Nghe thì đơn giản, nhưng chừng ấy công việc với 3 - 4 công trình được phân công theo dõi thì không hề dễ chút nào.

“Em làm nhân viên hợp đồng của đội đã được hơn một năm. Sau khi tập huấn công việc, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, em được giao công trình để kiểm tra và vận hành. Lương mỗi tháng khoảng hơn 4 triệu đồng, may ra chỉ đủ chi phí cho bản thân”, Hậu nói.

“Mùa khô thì vận hành lấy nước cho bà con tưới, mùa mưa như hôm nay thì phải thường xuyên đến công trình kiểm tra an toàn hồ đập. Mùa mưa Tây Nguyên rơi vào mùa hè nên anh em tăng cường đi công trình, cắm biển báo nguy hiểm, nhắc nhở các cháu học sinh khi đến tắm ở các ao, hồ”, anh Lưu nói.

Anh Nguyễn Đăng Lưu chia sẻ: “Vì là nhân viên hợp đồng nên không có gì ràng buộc để giữ chân anh em. Có trường hợp đang làm hợp đồng với đội, khi tìm được việc khác tốt hơn, anh em lại... ngậm ngùi chia tay. Mong Nhà nước có những chính sách thỏa đáng hơn, để anh em làm công tác thủy nông vùng sâu được yên tâm công tác, yên tâm phục vụ bà con”.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Những loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ 1/2025

Bộ NN-PTNN vừa ban hành Thông tư về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2025. Sẽ có những loại thuốc nào bị cấm?

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.