| Hotline: 0983.970.780

Thủy nông viên bỏ ruộng

Thứ Hai 23/05/2011 , 09:15 (GMT+7)

Hiện nay, dịch vụ thủy lợi của các HTXNN ở Bình Định đang long đong vì hàng loạt cán bộ thủy nông bỏ việc.

Thủy nông là lực lượng không thể thiếu trong dịch vụ cung ứng nước tưới cho sản xuất của các HTXNN. Thế nhưng hiện nay, dịch vụ thủy lợi của các HTXNN ở Bình Định đang long đong vì hàng loạt cán bộ thủy nông bỏ việc.

Trong vụ hè thu năm nay, HTXNN Nhơn Hậu (An Nhơn-Bình Định) sản xuất 403,5 ha lúa. Do địa hình cao nên toàn bộ đất SX của HTXNN Nhơn Hậu không thể hưởng nước tự chảy, HTX phải xây dựng 8 trạm bơm với tổng công suất 504kWh để cung ứng nước tưới cho nông dân. Là ruộng bậc thang, lại chân đất cát nên việc cung ứng nước cho SXNN ở đây gặp nhiều khó khăn. Đến vụ, để nông dân SX kịp thời vụ, những cán bộ thủy nông của HTXNN Nhơn Hậu phải bám ruộng cả ngày lẫn đêm.

Ông Mai Đức Anh-Chủ nhiệm HTXNN Nhơn Hậu cho biết: “Để phục vụ cho 8 trạm bơm, HTX xây dựng lực lượng gồm 42 người, trong đó có 15 tài công và 27 cán bộ thủy nông. Mỗi người quản lý từ 10 đến 15 ha ruộng. Trong thời buổi giá điện tăng vùn vụt như hiện nay, đến vụ, chúng tôi phải tổ chức bơm tưới vào ban đêm trong giai đoạn giờ thấp điểm để giảm chi phí. Do vậy, những cán bộ thủy nông phải thức thâu đêm để theo con nước. Đường nước thì rất dài, từ trạm bơm ra đến thửa ruộng cuối phải đến 5-7km nên các cán bộ thủy nông thức trắng đêm để dẫn nước đến ruộng là chuyện bình thường”.

"Thu nhập của 2 cha con không bằng một lao động nữ"

Ông Võ Đành, làm thủy nông của HTXNN Nhơn Hậu (An Nhơn) đã bỏ việc hơn 1 năm nay tâm sự: “Trước đây tôi cùng con trai là Võ Văn An phụ trách việc dẫn thủy của trạm thủy nông Bắc Nhạn Tháp. Thế nhưng trong thời buổi vật giá đắt đỏ như hiện nay mà mức thu nhập của 2 cha con không bằng 1 công lao động nữ nên chúng tôi đã bỏ việc”.

Sau khi 2 cha con ông Đành bỏ việc, mọi hoạt động của trạm thủy nông Bắc Nhạn Tháp đều đổ dồn vào người trạm trưởng Giả Ngọc An. Một mình không thể quán xuyến cả công việc đứng trạm bơm lẫn dẫn nước ra ruộng, ông An phải vận dụng đến “nội lực” của gia đình. “Vào vụ mùa, tôi phải vận động bà vợ đã 55 tuổi ra đứng trạm bơm, còn tôi vác cuốc ra đồng dẫn thủy”.

Ông Giả Ngọc An-Trạm trưởng Trạm Thủy nông Bắc Nhạn Tháp thuộc HTXNN Nhơn Hậu than thở: “Không chỉ dẫn nước tưới cho cây trồng trong phạm vi được giao quản lý, thủy nông còn phải đảm trách cả công việc dọn sạch kênh mương nội đồng trước khi vào vụ. Mỗi vụ mùa, từ khi chuẩn bị SX đến khi thu hoạch, các cán bộ thủy nông phải làm việc ròng rã 4 tháng. Công việc cơ cực là vậy nhưng thu nhập chẳng đáng bao nhiêu”.

Theo QĐ 26 của UBND tỉnh Bình Định, mặc dù được miễn giảm thủy lợi phí nhưng nông dân phải đóng góp cho các HTXNN khoản tiền từ 600.000 đồng- 1 triệu đồng/ha/năm để HTX trả công cho thủy nông. Theo đó, mức trả công cho họ (cả công dọn mương lẫn dẫn thủy) trong vụ ĐX là 20.000 đồng/sào (500m2); vụ HT: 20.000 đồng/sào và vụ mùa: 10.000 đồng/sào. Như vậy, mỗi cán bộ thủy nông quản lý 10 ha ruộng (200 sào) thì sẽ có thu nhập khoảng 4 triệu đồng/vụ. Chia cho 4 tháng lao động, theo đó mỗi tháng được...1 triệu đồng, 1 mức thu nhập dưới cả chuẩn nghèo. Ấy là nói mức thu nhập của vụ ĐX và vụ HT, trong vụ mùa thì thu nhập giảm chỉ còn ½ mức thu nhập trên.

Tại HTXNN Nhơn Thành 2 (An Nhơn), nơi có 7 trạm bơm nhưng diện tích đất SX hưởng nước chỉ có 160 ha/vụ lại phân thành nhiều vùng nhỏ lẻ nên diện tích quản lý của mỗi cán bộ thủy nông cũng rất ít, đồng nghĩa với thu nhập của họ cũng ít theo. Ông Trần Văn Phúc-Chủ nhiệm HTXNN Nhơn Thành 2 cho biết: “HTX chúng tôi có 15 thủy nông, người có thu nhập ít nhất là 500.000 đồng/người/tháng, vị chi công lao động của họ chỉ có hơn 16.000 đồng/ngày. Thu nhập bèo bọt vậy nên hầu hết họ đã bỏ việc”.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.