| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản Tây Ninh-[Bài 2]-Tỷ phú ba ba và cách lập HTX liên kết làm giàu

Thứ Tư 23/03/2022 , 11:35 (GMT+7)

Trang trại của tỷ phú ba ba Lưu Văn Tỉnh có tới trên 80.000 con, quy mô lớn bậc nhất khu vực. Ông cùng hàng chục hộ dân còn lập HTX liên kết làm giàu...

Gặp gỡ tỷ phú ba ba

Về ấp Cây Khế, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, một trong những địa phương nằm bên bờ hồ Dầu Tiếng hỏi thăm trang trại ba ba của gia đình ông Lưu Văn Tỉnh ai cũng biết, bởi ông Tỉnh được xem là người khởi xướng nghề nuôi ba ba ở đây.

Với gần 20 năm gây dựng, hiện trang trại của ông có tổng đàn ba ba lên đến trên 80.000 con và thuộc quy mô lớn bậc nhất khu vực, mỗi năm đem lại thu nhập hàng tỷ đồng, nức tiếng gần xa.

Trang trại nuôi ba ba của ông Tỉnh được quy hoạch đẹp như công viên. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại nuôi ba ba của ông Tỉnh được quy hoạch đẹp như công viên. Ảnh: Trần Trung.

Dẫn chúng tôi xem hệ thống trang trại được đầu tư bài bản trên diện tích 15.000 m2 đất của gia đình, ông Tỉnh cho biết, mô hình nuôi ba ba không phải mới, ngay từ những năm 2.000 qua xem ti vi ông thấy các tỉnh phía Bắc và ĐBSCL đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả. Sau khi tìm hiểu, thấy ba ba là động vật có nguồn gốc từ hoang dã nên sức đề kháng tốt, ăn tạp, dễ nuôi nên ông đem 1.000 con giống về nuôi thử nghiệm.

Nhờ tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về đặc điểm sinh thái và tận dụng được nguồn cá tạp sẵn có tại địa phương để làm thức ăn, đàn ba ba không ngừng phát triển, chỉ trong vụ đầu tiên đã đem lại thu nhập cho gia đình gần 100 triệu đồng. Từ nền tảng có được, ông mạnh dạn đầu tư trang thiết bị bố trí và thiết kế ao nuôi đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho vật nuôi.

Những con ba ba phát triển khỏe mạnh nhờ nguồn nước từ hồ thủy lợi Dầu Tiếng và phương pháp chăn nuôi khoa học. Ảnh: Trần Trung.

Những con ba ba phát triển khỏe mạnh nhờ nguồn nước từ hồ thủy lợi Dầu Tiếng và phương pháp chăn nuôi khoa học. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, trong trang trại, ông Tỉnh chia thành các khu vực lớn, nhỏ khác nhau cho các đối tượng nuôi, gồm ao nuôi liên hoàn dành cho ba ba thương phẩm và những khu vực riêng cho ba ba sinh sản, khu ấp trứng, khu nuôi dưỡng ba ba mới nở, khu ương ba ba giống. Mỗi ao có diện tích từ 700-1.000m2, xây  rào cao 40cm so với mặt nước để ba ba không bò ra ngoài. Khu chăn nuôi còn được trồng cây xanh, sân chơi cho ba ba lên ăn và phơi nắng, lắp đặt hệ thống tiêu, thoát nước hiện đại.

Cầm một con ba ba trên tay, nói về bí quyết chăn nuôi hiệu quả, ông Tỉnh chia sẻ, ba ba hầu như ít nhiễm dịch bệnh nhưng muốn thành công, người nuôi phải xử lý môi trường nuôi thật tốt, thức ăn phải sạch, nhất là con giống phải đảm bảo chất lượng. Do vậy, trước mỗi vụ nuôi thả mới, cần chú ý xử lý kỹ ao nuôi, khử trùng bùn và nước bằng vôi bột, chế phẩm sinh học.

“Mặc dù khá dễ chăm sóc nhưng người nuôi ba ba cần đặc biệt lưu ý tới các bệnh: viêm loét do vi khuẩn, bệnh gan, bệnh nấm thủy mi, bệnh ký sinh đơn bào. Đây là các bệnh có khả năng lây lan rất nhanh nên người nuôi phải thường xuyên theo dõi ao nuôi. Khi phát hiện con nào có dấu hiệu bất thường cần tách khỏi đàn ngay và xử lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học, vôi bột”, ông Tỉnh nói.    

Ông Tỉnh và những con ba ba thương phẩm của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Tỉnh và những con ba ba thương phẩm của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Tỉnh cho biết thêm, ba ba sinh sản quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa hè. Mỗi cặp bố mẹ đẻ 7-8 lứa/năm. Bình quân mỗi ngày đàn ba ba bố mẹ trong trang trại đẻ 200-250 trứng. Sau khi ba ba đẻ, người nuôi nhặt trứng xếp vào khu ấp, phủ cát khô để ấp trong 50-60 ngày ở nhiệt độ 27-30 độ C thì trứng nở. Tỷ lệ trứng nở thành công đạt khoảng 50-70%. Đối với ba ba thương phẩm, sau 1 năm đã đạt trọng lương lý tưởng 1,5 kg/con nếu nuôi càng lâu trọng lượng sẽ càng tăng, đến năm thứ 3 sẽ đạt trọng lượng 3-5kg/con. Do thời gian nuôi ba ba dài nên ông Tỉnh có thể “đánh tỉa”, thu hoạch và xuất bán quanh năm, không sợ “ế”.

“Hàng năm, trang trại tôi sản xuất và cung cấp ra thị trường hơn 200 nghìn con giống và trên 50 tấn ba ba thương phẩm với giá dao động từ 250.000-350.000 đồng/kg đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng sau khi trừ chi phí”, ông Tỉnh tiết lộ.

Cùng nhau làm giàu

Điều đáng quý ở ông Tỉnh là không giấu “bí quyết làm giàu”, trang trại ba ba của ông luôn là nơi bà con nông dân đến tham quan, học hỏi. Nếu có nhu cầu, ông Tỉnh sẵn sàng chia sẻ toàn bộ kỹ thuật nuôi, hướng dẫn từ cách quy hoạch, kỹ thuật đào ao đến nuôi thả, quy trình ấp trứng, ương con giống…

Các thành viên HTX phấn khởi thu hoạch và giao cho các đơn vị công ty đến tận nơi thu mua ba ba. Ảnh: Trần Trung.

Các thành viên HTX phấn khởi thu hoạch và giao cho các đơn vị công ty đến tận nơi thu mua ba ba. Ảnh: Trần Trung.

Dưới sự vận động của chính quyền địa phương, năm 2015, HTX dịch vụ - sản xuất thủy - đặc sản Tân Hòa ra đời do chính ông Lưu Văn Tỉnh làm Giám đốc với 18 thành viên. Sau gần 7 năm hoạt động hiện HTX đã có gần 50 thành viên chính thức và hàng trăm thành viên liên kết với tổng đàn lên đến hàng trăm nghìn con, đem lại thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/hộ/năm.

Theo ông Tỉnh, khi vào HTX, các thành viên có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nhất là khâu phòng trị bệnh, cách chăm sóc… Từ đó, các hộ nuôi ba ba đạt chất lượng cao hơn so với trước đây tự mày mò nuôi nhỏ lẻ. Đặc biệt, các thành viên được ký kết hợp đồng tiêu thụ rõ ràng, đảm bảo 100% sản lượng được tiêu thụ với giá cả ổn định.

HTX giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

HTX giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, Tân Hòa là xã chuyên nông nghiệp, trong đó chủ lực là cây lúa, mì và cao su. Thời gian qua địa phương tích cực vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao chuỗi giá trị. Từ lâu, con ba ba đã có mặt tại địa phương và ngày càng cho thấy hiệu quả kinh tế, bên cạnh giúp bà con nâng cao thu nhập, HTX ba ba còn giải quyết hàng trăm lao động, đặc biệt là lao động Việt kiều Campuchia trở về địa phương thiếu đất canh tác, thiếu giấy tờ tùy thân không tiếp cận các công ty xí nghiệp.

Riêng ấp Cây khế có 750 hộ, HTX đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 350 hộ, để ba ba trở thành đối tượng nuôi phát triển kinh tế cho người dân, góp phần đa dạng hóa mô hình nuôi tại địa phương. Chính quyền địa phương cũng đã tạo mọi điều kiện để HTX phát triển. Theo đó, UBND tích cực phối hợp với Phòng NN-KTNT huyện chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phối hợp ngân hàng chính sách, Liên minh HTX tỉnh giải ngân các nguồn vốn ưu đãi. Chỉ trong năm vừa qua, đã có hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn NQ 11 của Trung ương về giải quyết việc làm nông thôn đã được giải ngân và sắp tới sẽ giải ngân thêm 1 tỷ đồng nữa.

Tuy nhiên, hiện nay bộ máy hoạt động của HTX còn yếu và thiếu, địa phương đang tích cực củng cố kiện toàn nhân lực. Đồng thời, hướng dẫn HTX chuẩn hóa quy trình chăm sóc, giống đặc trưng làm tiền đề để xây dựng ba ba thành sản phẩm đặc sản, đặc trưng giúp địa phương thực hiện thành công Chương trình “mỗi xã một sản phẩm OCOP”, ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.