| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản Việt Nam thích ứng quy định mới từ thị trường Trung Quốc

Thứ Ba 07/12/2021 , 16:36 (GMT+7)

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức Hội nghị Thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong tình hình mới.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, chia sẻ các quy định mới về ATTP đáp ứng quy định SPS đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Ảnh: Trung Quân.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, chia sẻ các quy định mới về ATTP đáp ứng quy định SPS đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Ảnh: Trung Quân.

Lệnh 248, 249 quy định gì với thủy sản?

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, chia sẻ, các quy định mới về ATTP đáp ứng quy định SPS đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc.

Theo đó, đối với Lệnh 248 (Quy định đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc). Nếu doanh nghiệp đăng ký với Tổng cục Hải Quan (TCHQ) Trung Quốc qua cơ quan có thẩm quyền, sẽ dựa trên quy định của Lệnh 248 TCHQ Trung Quốc (gọi tắt là quy định đăng ký) và Công hàm 353 ngày 27/9/2021 của Cục An toàn thực phẩm TCHQ Trung Quốc, có Hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Kể từ ngày 01/11/2021, doanh nghiệp xin đăng ký theo quy định có liên quan tại điều 8 của “Quy định đăng ký” sẽ sử dụng ngôn ngữ tiếng Trung hoặc tiếng Anh, thời hạn đăng ký 5 năm kể từ ngày được cấp.

Sản phẩm đăng ký bao gồm 18 nhóm: Thịt và các sản phẩm từ thịt; sản phẩm thủy sản; sản phẩm từ sữa; yến sào và sản phẩm từ tổ yến; ruột động vật (dùng làm vỏ xúc xích); sản phẩm từ ong; trứng và các sản phẩm từ trứng; dầu thực phẩm và nguyên liệu; bánh có nhân các loại; ngũ cốc dùng làm thực phẩm; sản phẩm bột ngũ cốc và mạch nha; các loại rau tươi, rau tách nước (rau khô, rau sấy) và đậu khô; gia vị nguồn gốc tự nhiên; quả hạch và các loại hạt; trái cây sấy khô; hạt cà phê và ca cao chưa rang; thực phẩm ăn kiêng đặc biệt; thực phẩm chức năng.

Trường hợp doanh nghiệp tự đăng ký, nếu sản phẩm không thuộc 18 loại sản phẩm đã liệt kê tại Công hàm 353 thì doanh nghiệp phải tự đăng ký (hoặc ủy thác đăng ký), thời hạn mở đăng ký từ 01/11/2021. Đối với doanh nghiệp thương mại hoặc đại lý xuất khẩu thực phẩm (của Việt Nam) đăng ký tại website http://ire.customs.gov.cn/.

Về các cơ quan quản lý nhà nước để các doanh nghiệp liên hệ để được hướng dẫn đăng ký, những sản phẩm thuộc thẩm quyền của Bộ NN-PTNT quản lý: Sản phẩm thủy sản liên hệ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; sản phẩm nguồn gốc thực vật liên hệ Cục Bảo vệ thực vật; sản phẩm nguồn gốc động vật trên cạn liên hệ Cục Thú y.

Những sản phẩm thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương quản lý do các cơ quan: Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi. Sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế quản lý do Cục An toàn thực phẩm quản lý.

Đối với Lệnh 249 (Biện pháp Quản lý giám sát ATTP xuất, nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc), nội dung điều chỉnh của lệnh 249 bao hàm sản phẩm nông sản thực phẩm; đánh giá hệ thống quản lý, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu; áp dụng công nghệ trong quản lý giám sát (có thể thực hiện kiểm tra trực tuyến); quy định rõ cấm nhập khẩu thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh truyền nhiễm, mối nguy mất ATTP dựa trên đánh giá rủi ro; điều chỉnh các quy định ghi nhãn hàng hóa.

Trên cơ sở đó, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản đưa ra khuyến nghị: Các cơ sở có tên trong danh sách xuất khẩu vào Trung Quốc, chủ động trao đổi với nhà nhập khẩu để tuân thủ đúng các quy định trong quá trình sản xuất, xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc.

Các cơ sở chưa có tên trong danh sách xuất khẩu vào Trung Quốc, có nhu cầu đăng ký xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc: Đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc đến 31/12/2021.

Đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc từ sau ngày 01/01/2022, đối với doanh nghiệp đăng ký bổ sung vào danh sách: Hồ sơ do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) thực hiện đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo quy định tại Điều 8, Lệnh 248.

Đối với doanh nghiệp sửa đổi thông tin trong danh sách, gia hạn đăng ký: Phía Trung Quốc chưa có hướng dẫn cụ thể, Cục đang trao đổi với phía Bạn và sẽ có văn bản thông báo sau.

Theo quy định mới, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải in mã số doanh nghiệp cùng các thông tin liên quan lên bao bì đóng gói. Ảnh: TL.

Theo quy định mới, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải in mã số doanh nghiệp cùng các thông tin liên quan lên bao bì đóng gói. Ảnh: TL.

Về vấn đề ghi nhãn thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, theo quy định mới, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải in mã số doanh nghiệp cùng các thông tin liên quan lên bao bì đóng gói. Mã này không được cắt dán, mà phải in trực tiếp, cả trong lẫn ngoài bao bì, tới phần đóng gói nhỏ nhất không thể chia được.

Về mã số doanh nghiệp xuất khẩu: Doanh nghiệp có thể sử dụng mã số đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp hoặc do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp.

Về ngôn ngữ tại nhãn mác sản phẩm: Việc đóng gói, ghi nhãn và nhận dạng thực phẩm nhập khẩu phải tuân theo luật, quy định và các tiêu chuẩn ATTP quốc gia của Trung Quốc. Trong trường hợp sản phẩm cần có hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn sử dụng phải được ghi bằng tiếng Trung Quốc.

Việc ghi nhãn đối với các sản phẩm thủy sản, bao bì bên trong và bên ngoài phải có nhãn hiệu chắc chắn, rõ ràng, dễ đọc bằng tiếng Trung Quốc/tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc và ngôn ngữ quốc gia (khu vực) xuất khẩu, thể hiện rõ như sau: Tên hàng hóa và tên khoa học; thông số kỹ thuật, ngày sản xuất, số lô, thời hạn sử dụng và điều kiện bảo quản; phương thức sản xuất (hải sản đánh bắt biển, đánh bắt nước ngọt, nuôi trồng); khu vực sản xuất; tên, số đăng ký và địa chỉ (tỉnh/thành phố) của tất cả các doanh nghiệp sản xuất và chế biến có liên quan (bao gồm tàu đánh cá, tàu chế biến và tàu vận tải, kho lạnh độc lập) và điểm đến bắt buộc phải được ghi chú là “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”...

Ông Diêu Trấn, Phó Thị trưởng Chính quyền Nhân dân thành phố Đông Hưng (Trung Quốc), phát biểu trực tuyến tại hội nghị. Ảnh: Trung Quân.

Ông Diêu Trấn, Phó Thị trưởng Chính quyền Nhân dân thành phố Đông Hưng (Trung Quốc), phát biểu trực tuyến tại hội nghị. Ảnh: Trung Quân.

Chính quyền Đông Hưng (Trung Quốc) sẵn sàng hợp tác

Ông Diêu Trấn, Phó Thị trưởng Chính quyền Nhân dân TP. Đông Hưng (Trung Quốc) chia sẻ mong muốn sẽ có thêm nhiều mặt hàng thủy sản Việt Nam đi vào thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Đông Hưng. Thành phố Đông Hưng sẵn sàng cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn cho việc nhập khẩu thủy sản Việt Nam. 

Đông Hưng cũng có thể tăng cường kết nối cho các chiến lược phát triển “Vành đai con đường”, “hành lang kinh tế phía đông”…, chủ động kết nối, thích ứng trước khi hiệp định RCEP có hiệu lực. Tận dụng tốt mối quan hệ đối tác thương mại cửa khẩu hữu nghị Việt Trung (Đông Hưng - Móng Cái), phát huy vài trò lớn hơn trong việc thúc đẩy hợp tác sáng tạo trong lĩnh vực thương mại xuyên biên giới.

Trên cơ sở đó, ông Diêu Trấn đưa ra kiến nghị: Tăng cường mở rộng thương mại thủy sản hai chiều. Tận dụng ưu thế đầu mối và hạt nhân trong việc kết nối ASEAN của Quảng Tây, biến xuất nhập khẩu thủy sản thành thương mại ưu thế đặc sắc trong thương mại song phương.

Đồng thời, mở rộng quan hệ thương mại song phương. Kiến nghị các cơ quan hữu quan phía Việt Nam tích cực đề xuất kiến nghị xin phép nhập khẩu với Tổng cục hải quan Trung Quốc, thúc đẩy thêm nhiều sản phẩm trái cây và thủy sản có ưu thế của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Đông Hưng sẽ tích cực thúc đẩy Tổng cục Hải quan Trung Quốc đồng ý mở rộng chủng loại cho phép nhập khẩu thủy sản Việt Nam.

Hai bên tích cực tập trung nguồn vốn xây dựng cửa khẩu, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu, mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng kiểm tra, kiểm nghiệm của cửa khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cửa khẩu hai bên.

Hiện Đông Hưng đã quy hoạch khu logistics thông minh đồng bộ cửa khẩu có diện tích hơn 3.000 mẫu Trung Quốc, đã hình thành khu công nghiệp Giang Bình thành phố Đông Hưng và 2 khu chế biến thủy sản tại khi công nghiệp Xung Lãm. Hy vọng phía Việt Nam đẩy nhanh việc xây dựng khi hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Trung.

Hai bên cùng nhau xây dựng cơ chế hợp tác, cùng nhau thúc đẩy việc hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp logistics thủy sản, nâng cao mức độ chuẩn hóa logistics nông lâm thủy sản, nâng cao hiệu suất logistics.

Thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình nông lâm thủy sản đi vào thị trường, giá cả hàng hóa, số lượng xe vận chuyển và thông quan cửa khẩu…. Kịp thời nắm bắt và dự báo tình hình thông quan trong mùa cao điểm thủy sản của hai bên, điều phối và chỉ dẫn doanh nghiệp và xe vận chuyển, thực hiện thông quan cửa khẩu nhanh chóng.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục Trưởng cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhất là mặt hàng nông sản. Trong những năm qua, mặc dù trong bối cảnh Covid-19 nhưng thương mại xuất nhập khẩu chung giữa hai nước vẫn tăng gần 40%.

Thời gian tới, Trung Quốc sẽ có chính sách tăng cường nhập khẩu nông sản từ các nước ASEAN, đây là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Do đó, ông Hòa bày tỏa mong muốn, chính quyền Móng Cái và Đông Hưng tiếp tục phối hợp chặt chẽ. Bộ NN-PTNT hai nước, tiếp tục đồng hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những chinh sách hợp tác, đảm bảo hoạt động thương mại sản phẩm thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ngày một thuận lợi.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.