| Hotline: 0983.970.780

Tiếc đứt ruột cá lồng bè chết hàng loạt, người nuôi lâm cảnh nợ nần

Thứ Năm 27/07/2017 , 08:58 (GMT+7)

Sau xả lũ thủy điện Hòa Bình, báo cáo của các địa phương tiếp tục công bố thiệt hại của người nông dân, đặc biệt là thiệt hại về thủy sản.

Cá lồng tiếp tục chết sau xả lũ thủy điện Hòa Bình

Theo thống kê nhanh của Chi cục Thủy sản Phú Thọ, tính đến nay tổng số lồng cá trên sông bị thiệt hại trên 70% là 399 lồng. Trong đó huyện Thanh Sơn có 40 lồng, huyện Thanh Thủy có 359 lồng. Tổng sản lượng thiệt hại tạm tính thời điểm ngày 26/7 là 372 tấn. Hiện tượng cá chết vẫn đang còn và số liệu thống kê của tỉnh Phú Thọ vẫn tiếp tục được cập nhật hàng ngày.

13-18-59_nh_1
Các hộ dân vớt cá chết để đem đi ủ làm phân bón

Tại tỉnh Hòa Bình, lãnh đạo Sở NN – PTNT cho hay, về thủy sản thiệt hại 253 lồng nuôi cá, chết 170 tấn, ước trị giá 33 tỷ đồng. Trong đó huyện Kỳ Sơn 100 lồng, chết 133 tấn cá; TP Hòa Bình thiệt hại 153 lồng, chết 40 tấn cá.

Chỉ sau 1 ngày sau khi thủy điện xả lũ, gần 90 tấn cá lồng của HTX nông - lâm - thủy sản Kỳ Sơn và nhiều hộ dân nuôi cá lồng dọc sông Đà trên địa bàn huyện Kỳ Sơn bỗng dưng chết nổi trắng bụng. Nguyên nhân do ngộ độc khí sau khi hồ thủy điện mở cửa xả thứ nhất.

Theo cán bộ HTX, ban đầu cá nuôi trong lồng ngoi ngóp lên mặt nước, chết lác đác, sau đó số lượng cá chết cứ tăng dần. Đến sáng ngày 20/7, nhiều hộ dân tỉnh dậy đã không thể tin vào mắt mình khi hàng chục tấn cá các loại đang khỏe mạnh, chuẩn bị cho thu hoạch vào tháng 9 tới bỗng dưng chết nổi trắng bụng.

Có mặt tại khu vực cá chết, theo ghi nhận của PV, 100% số cá được nuôi trong các lồng của các hộ dân đã chết, bốc mùi hôi thôi nồng nặc, hàng tấn cá trắm, ngạnh,… trọng lượng từ 2 - 3kg chết nổi trắng bụng. Cá chết khiến họ mất ăn, mất ngủ, đứng ngồi không yên bởi bao nhiêu tiền của bỗng trôi sông. Nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay, vỡ nợ.

13-18-59_nh_2
Những con cá có trọng lượng 2 - 3kg chết trương phình bụng

Vợt từng con cá chết cho vào bao tải để đem đi ủ làm phân bón, anh Nguyễn Văn Huy, Chủ nhiệm HTX nông - lâm - thủy sản Kỳ Sơn không khỏi xót xa. Theo anh Huy, đến hết ngày 23/7 thì số cá lồng của HTX và của nhiều hộ dân khác đã bị chết hoàn toàn. Để không gây ô nhiễm ra môi trường, HTX nông - lâm - thủy sản Kỳ Sơn đã phải vớt số cá chết để bán lại cho các hộ dân đem về ủ làm phân bón cho cây trồng với giá 4.000đ/kg.

“HTX nông - lâm - thủy sản Kỳ Sơn có 15 xã viên với gần 90 lồng cá, chủ yếu là nuôi cá ngạnh, chiên, quất, rô phi, trắm cỏ và cá diêu hồng. Khoảng 80 tấn cá của HTX đã bị chết hoàn toàn, ước tính thiệt hại gần 4 tỷ đồng. Hiện HTX đang lâm vào cảnh khó khăn”, anh Huy cho hay.

Chỉ tay vào những lồng cá, ông Lê Văn Bảo (xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn) cho biết, sau nhiều năm nuôi cá lồng ở sông Đà, đây là lần đầu tiên mới xuất hiện cá bỗng dưng chết nhiều. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ liên tục, mực nước dâng cao, môi trường nước trong lồng thay đổi đột ngột nên cá bị ngạt thở và chết, chứ không phải bệnh tật gì.

“Cả năm chăm bẵm, sắp đến ngày thu hoạch thì cá chết hàng loạt. Đến thời điểm này, gia đình tôi đã mất trắng hoàn toàn, không còn hi vọng gì nữa, ước tính thiệt hại ban đầu là vài tỷ đồng, giờ không biết lấy tiền đâu mà trả nợ ngân hàng”, ông Bảo buồn rầu.

13-18-59_nh_3
Nguyên nhân ban đầu được xác định là cá chết do ngộ độc khí sau khi hồ thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ

Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT tỉnh Hòa Bình Trần Quốc Toản cho biết, tại thời điểm này, hiện tượng cá chết vẫn tiếp tục xảy ra ở các lồng nuôi cá của dân. Các địa phương đang cùng phối hợp với người dân để vừa thống kê thiệt hại và tìm giải pháp khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân.

Liên quan đến việc xả lũ thủy điện Hòa Bình và hướng hỗ trợ cho nông dân, ông Văn Phú Chính, Chánh văn phòng BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, hiện BCĐ đang tham mưu các địa phương và Chính phủ là áp dụng Nghị định 02 để hỗ trợ cho người dân. Mức hỗ trợ cao nhất thì khoảng 7 – 10 triệu đồng/lồng bè/100 m3. Theo ông Chính, địa phương có thể lấy ngân sách dự phòng của Quỹ phòng chống thiên tai ra hỗ trợ nông dân.

13-18-59_nh_4
Đội Thanh niên tình nguyện giúp đỡ các hộ vớt cá chết

Cá lồng ở Bình Phước cũng chết bất thường

 Theo ghi nhận của PV NNVN, những ngày qua, hiện tượng cá nuôi lồng của nhiều hộ dân trên lòng hồ Suối Giai, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước bất ngờ chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Ông Trần Văn Nhu, ở ấp 3, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, một trong những hộ dân có thiệt hại nặng nhất cho biết, chỉ trong vòng 3 ngày qua, gần 5 tấn cá, chủ yếu là cá lăng đang trong thời kỳ thu hoạch của gia đình ông gần như chết toàn bộ. Trong đó, loại nhỏ nhất cũng đã 700 - 800gr, loại lớn nhất gần 3kg. Thiệt hại này khiến ông tổn thất hơn 400 triệu đồng.

Một hộ nuôi cá lồng khác là ông Huỳnh Văn Khanh cũng lâm cảnh tương tự. Hơn 3 tạ cá rô phi sắp tới đợt xuất bán của ông đã chết sạch. Gia đình ông Khanh thuộc diện hộ nghèo, gần như không có thu nhập nào khác, vào đầu năm nay ông mới vay được Ngân hàng CSXH hơn chục triệu đồng dốc hết vào nuôi cá. Đây là vụ nuôi đầu tiên của ông với rất nhiều niềm tin. Thế nhưng, mọi hi vọng mới lóe lên đã tắt khi cá nuôi chết trắng lồng.

Cũng theo ghi nhận, do từ khi phát hiện đến lúc cá chết xảy ra quá nhanh nên hầu hết các hộ nuôi cá ở đây đều không kịp trở tay. Số ít được bán tháo bán đổ với giá 20-30 ngàn đồng/kg, còn lại phần lớn là đem cho các hộ gần đó ủ làm phân bón cho cây trồng, hoặc làm sạch phơi khô.

Theo thống kê sơ bộ, địa phương có khoảng 30 - 40 hộ nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Suối Giai. Thiệt hại do cá chết chưa thống kê được hết, nhưng với riêng một số hộ tại khu vực ấp 3 của xã đã có 13 lồng bè với gần một chục tấn cá chết đồng loạt.

Theo ông Nguyễn Văn Chuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập: "Bước đầu, xác định nguyên nhân cá chết do thời tiết mưa nhiều, mưa liên tục kéo dài trong nhiều ngày, do đó xảy ra tình trạng nước nhiễm phèn ở mức độ cao và lượng ôxy thiếu nên cá chết".

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.