Nhà viết tuồng - Danh nhân văn hoá Đào Tấn đã viết trong vở tuồng "Hộ sinh đàn" hai câu hát nam đầy khí phách: "Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay".
Dường như có một mối lương duyên, sau này chính Nhà văn Sơn Tùng đã xây dựng hình tượng nghệ thuật Danh nhân văn hóa Đào Tấn trong tiểu thuyết "Búp sen xanh" mà như đánh giá của nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa: “Sơn Tùng đã đi trước cả giới sử học nước nhà trong việc xóa bỏ định kiến về triều Nguyễn như một triều đình tối phản động trước đó với những hình tượng vua quan vì nước vì dân như Tri huyện Nguyễn Sinh Huy, Tổng đốc - Thượng thư Đào Tấn và nhà vua Thành Thái”.
Giọt máu hồng quê hương Xô viết
Dăm năm trước tôi vào thành Vinh, nhà báo Phan Văn Thắng khi đó là Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ An đưa tôi về làng Kim Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ngôi làng tên Kim mà rất cổ ấy là nơi chôn nhau cắt rốn nhà văn Sơn Tùng. Xe ô tô qua cầu rồi từ từ lăn bánh vào làng Kim, vốn tên xưa là làng Hoa Lũy. Thế hệ mới lớn lên bây giờ có lẽ ít biết được rằng nhờ nhà văn Sơn Tùng mới có cây cầu bắc qua sông để dân làng lên thị trấn. Nhưng những người có tuổi trong làng khó quên được vì nhờ có ông mới không còn cảnh cách trở đò ngang. Duyên do cũng từ cuộc gặp với Tổng Bí thư Đỗ Mười vào một ngày mùa đông năm 1994...
Qua cuộc trò chuyện, Tổng Bí thư Đỗ Mười hiểu ra tấm lòng của người cầm bút vốn tôn trọng sự thật, nhà văn chỉ viết sự thật, dù sự thật ấy có làm mất lòng không ít người đang ngồi ghế cao. Một sự hữu duyên khi Tổng Bí thư hỏi về quê hương của nhà văn để rồi người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng nắm chặt bàn tay thương tật của người hàn sĩ xứ Nghệ - quê ngoại vợ mình. Tổng Bí thư Đỗ Mười hỏi thăm cuộc sống của bà con ở làng Kim Lũy. Nghe kể hàng ngày dân làng quê ngoại vợ mình vẫn phải đi đò sang sông để lên thị trấn, Tổng Bí thư thoáng chút trầm ngâm rồi ông dặn người giúp việc lưu ý chuyện này. Chẳng bao lâu, cây cầu bắc nhịp, con đò lui dần vào dĩ vãng.
Làng Hoa Lũy nơi cậu bé Bùi Sơn Tùng cất tiếng khóc chào đời bên bãi ngang mường nước mặn, con trai giỏi nghề khơi lộng, quả cảm trước phong ba - Trai làng Hoa xông pha biển cả - con gái vừa đẹp người, vừa đẹp nết đảm đang, hiền thục - Gái làng Hoa tần tảo đoan trang. Cha là Bùi Phú, một trong bảy người sáng lập tổ chức cách mạng đầu tiên ở trong làng, Bí thư Chi bộ lâm thời xã Diễn Kim trước Xô Viết Nghệ Tĩnh. Mẹ là Nguyễn Thị Nhiên con một nhà Nho, vào loại giàu có trong làng cũng đã sớm tham gia Đảng Tân Việt yêu nước.
Nhà văn Sơn Tùng mồ côi cha năm lên 9 tuổi, chị cả ông (sau này là Chủ tịch UBND đầu tiên của xã Diễn Kim) tuổi vừa mười tám. Dưới ông còn hai em trai, một em 5 tuổi (sau là liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ), em út mới lên ba. Mẹ ông góa bụa tần tảo với vài thửa ruộng lúa nương dâu một mình nuôi dạy bảy người con thơ dại (năm con trai, hai con gái) nên người. Bảy người con ai cũng có chữ nghĩa, đều tham gia Cách mạng, đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1944, mới 16 tuổi, tiếp bước cha anh, Sơn Tùng đã tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Từ công tác đoàn thanh niên, với năng khiếu thiên bẩm, ông đã viết những bài thơ tuyên truyền đăng trên các báo như Cứu quốc Liên khu IV. Ban đầu là những bài vần vè dễ thuộc dễ nhớ để củng cố quyết tâm kháng chiến thắng lợi: “Em là con gái chưa chồng/ Răng đen nhưng nhức, má hồng hây hây/ Anh nào đi lính hôm nay/ Quyết tâm em đợi đến ngày thành công”. Đến năm 1955, bài "Gửi em chiếc nón bài thơ" ra đời đã trở thành một ca khúc trữ tình được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc khi đất nước thống nhất “nước non liền một dải”.
Tốt nghiệp trường Đại học Nhân dân (nay là trường Đại học Kinh tế Quốc dân) ở một khóa đặc biệt chỉ có duy nhất sau ngày miền Bắc giải phóng (1954), được đón toàn lãnh tụ đến giảng bài: Chủ tịch Hồ Chi Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng (Hiệu trưởng danh dự), Bộ trưởng Hoàng Minh Giám (Hiệu trưởng)… Sơn Tùng được giữ lại làm giáo vụ trường. Năm 1959, trường Báo chí do Tuyên giáo Trung ương mở, ông được chuyển sang làm giảng viên.
Từ một cán bộ tuyên truyền sang làm báo, Sơn Tùng về báo Nông nghiệp (tiền thân báo Nông nghiệp Việt Nam ngày nay) khi đó như em bé còn nằm nôi. Chủ nhiệm báo Phan Văn Chiêu, một nhà cách mạng lão thành cán bộ miền Nam tập kết (hiện nay tên ông được đặt cho một tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh). Những người viết báo (hồi đó không gọi là phóng viên) có: Nguyễn Thanh Sân, cán bộ miền Nam tập kết, sau này chuyển về báo Nhân dân; Nguyễn Xuân Khang, sau chuyển sang phụ trách ban Nông nghiệp của báo Hà Nội mới; Chu Hồng Đức, con trai nhà văn Học Phi; Nguyễn Văn Đồng; và Nguyễn Sinh sau cũng chuyển sang báo Nhân dân, rồi Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ… Thời đó cũng không cấp thẻ nhà báo như bây giờ, khi đi viết bài ở nơi nào, người viết báo được cơ quan viết giấy giới thiệu mang về nơi đó.
Thời gian ở với báo Nông nghiệp không dài, chỉ 2 năm vậy mà Sơn Tùng đã đặt chân đến hầu hết những vùng đất của miền Bắc, từ đồng bằng đến miền núi, ra cả hải đảo từ Bạch Long Vĩ đến Cô Tô. Ngòi bút của ông đã xông pha và phát hiện nhiều tấm gương điển hình trong nông nghiệp của những năm tháng miền Bắc bắt đầu Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất… Chuyển sang báo Tiền Phong ông làm Phó Bí thư Chi bộ và Phó Trưởng ban Nông nghiệp của báo cho đến khi được phân công vào Nam bộ sáng lập và phụ trách tờ Thanh niên Giải phóng…
Cốt cách sĩ phu
Trở ra miền Bắc với thương tật nặng, mất 81% sức khỏe, gần như người tàn phế. Khó ai ngờ được ông đã bằng ý chí và nghị lực để dùng nội lực trong cơ thể tự rèn luyện để cầm bút trở lại. Ngòi bút đã bắc những nhịp cầu nối những trang văn (Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim quả đất, Con người Con đường, Trần Phú, Nguyễn Hữu Tiến – Người vẽ cờ Tổ quốc…) lấp lánh trang đời đưa ông trở thành Anh hùng Lao động duy nhất – hội viên Hội Nhà văn Việt Nam còn tại thế.
Vậy nhưng, mặt sau tấm huân chương cũng là một cuộc sống vất vả ít ai ngờ tới của vợ chồng nhà văn. Mấy ai ngờ Anh hùng Lao động – nhà văn Sơn Tùng suốt 50 năm vẫn ở trên căn phòng tập thể cấp bốn chưa đầy 20m2 không có nhà vệ sinh riêng, vẫn đi vệ sinh chung với bao người dân lao động lam lũ trong con ngõ mang cái tên rõ là nhã: Văn Chương. Có lần, một Tiến sĩ Sử học và một nhà văn người Hàn Quốc tới phỏng vấn, hỏi chuyện ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải... nhịn xả... suốt cả buổi làm việc.
Sống thanh bần, ông bà chỉ cần nhu cầu vật chất tối thiểu, cái gì là tiêu chuẩn của mình thì nhận, cái gì không phải của mình thì kiên quyết từ chối. Ông vẫn thường nói: "Tôi tàn phế thân thể nhưng không tàn phế tâm hồn". Ông bà sống trong tình cảm quý mến của bạn bè chứ không ăn mày tình thương của xã hội. Các con đủ sức mua một căn hộ khang trang để ông bà ở nhưng ông bà không muốn dựa dẫm, ỷ lại vào con cái, tự mình lao động trên cánh đồng văn chương với bao nỗi nhọc nhằn để "đêm nằm lạnh lưng mới biết thương người chiếu rách" như lời ông thường nói.
Nhà giáo Vũ Thế Khôi, trưởng nam cụ Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên và 15 năm liền làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chia sẻ:
Cụ Vũ Đình Hòe rất quý trọng nhà văn thương binh Sơn Tùng. Không lần nào từ Thành phố Hồ Chí Minh ra mà Cụ quên bảo tôi đưa xuống căn hộ cấp 4 xập xệ, cầu thang nhỏ dốc ngược ở trong ngõ Văn Chương. Lần nào xuống thăm anh Sơn Tùng về, Cụ cũng lắc đầu, lẩm bẩm: "Thương binh đấy, Anh hùng đấy, mà "họ" để sống như vậy!". Tôi thưa: "Con nghe kể đã có lần gợi ý cấp nhà mới, nhưng Anh không nhận ạ".
"Tính khí khái của kẻ sĩ" - Cụ đáp: "Cho cũng phài biết cách cho”.
Năm 1992, Thành đoàn Hà Nội quan tâm, cấp cho ông bà một căn nhà. Không hiểu bộ phận hành chính và các bên liên quan làm thế nào lại thành nhà tình nghĩa. Cùng với đó là những tiếng bấc tiếng chì trong tổ dân phố. Ông viết thư ngỏ (22/7/1992) cảm tạ tình cảm của Thành đoàn mà xin được từ chối nhận Nhà tình nghĩa.
“Kính gửi: Ban Thường vụ Thành đoàn Thanh niên Hà Nội.
Việc Thành đoàn xây dựng nhà tình nghĩa tặng tôi, một cán bộ Đoàn lâu năm, một thương binh 1/4, đó là nghĩa cử cao cả, là tấm lòng cao thượng của toàn thể cán bộ đoàn viên, đội viên thanh thiếu nhi Thủ đô Hà Nội dành cho tôi. Tôi vô cùng biết ơn. Cho nên tôi đã nhờ Hội Nhà văn Việt Nam cử cán bộ đến Thành đoàn bày tỏ lòng biết ơn của tôi và đề đạt lý do tôi xin được: Không nhận ngôi nhà này.
…Rất biết ơn thanh thiếu nhi Thủ đô, nhưng tôi không thể đến ở ngôi nhà dựng lên đã không đúng như biên bản cuộc họp liên tịch giữa các đại diện UBND quận Đống Đa với UBND phường Văn Chương và tôi. Hơn nữa, căn nhà này dựng lên trên mảnh đất mà tiếng kêu ca: “Ông Sơn Tùng là thương binh, tôi cũng là thương binh, sao chính quyền lại lấy mảnh đất của tôi đã bỏ nhiều công sức san lấp để làm nhà tình nghĩa cho ông Sơn Tùng?”.
Thưa các đồng chí! Tôi ra trận, trả căn hộ thuê cho Phòng nhà đất Đống Đa, 1967. Tôi bị thương ở mặt trận Nam bộ về, đã hai lần dùng tiền nhuận bút viết sách “Bên khung cửa sổ”, “Nhớ nguồn” mua nhà để ở cho thích hợp tình cảnh tật nguyền. Cả hai lần đều bị họ lừa (Một lần ở hẻm Nguyễn Trường Tộ, một lần ở ngõ 146 Thụy Khuê). Giờ đây, đã 65 tuổi, tật nguyền, tôi cần sự yên tĩnh để làm việc những năm tháng cuối đời. Tôi rất sợ mọi sự giành giật, sát phạt nhau vì một chút vật chất…
Một lần nữa, tôi xin được không nhận căn nhà mà Thành đoàn dành cho tôi. Tuy tôi không ở ngôi nhà này, lòng tôi ghi nhớ mãi mãi nghĩa cử của Thành đoàn”.
Năm 2009, Hội Nhà văn Việt Nam có thành ý đưa 2 tác phẩm của ông là tiểu thuyết “Bông sen vàng” và truyện ký “Cuộc gặp gỡ định mệnh” (được đổi tên từ truyện ký “Bác về”) vào xét duyệt trao tặng thưởng các tác phẩm xuất sắc trong cuộc vận động sáng tác về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đọc tin đăng trên báo Văn nghệ, Nhà văn Sơn Tùng đã có thư “Xin được miễn trao tặng thưởng” gửi Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động, với lý do cả 2 tác phẩm trên đều có một đời sống riêng, hàng chục năm tuổi rồi, nó không thuộc diện trong sáng tác Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Đó là cốt cách của một bậc hàn sĩ mang cốt cách chí khí của sĩ phu Bắc Hà!