| Hotline: 0983.970.780

Tiêm miễn phí hơn 1,1 triệu liều vacxin phòng bệnh sởi

Thứ Năm 22/08/2024 , 16:01 (GMT+7)

Hưởng ứng Tuần lễ Tiêm chủng thế giới, Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm vacxin miễn phí phòng bệnh sởi trên cả nước, trước mắt cho đối tượng trẻ từ 1 đến 10 tuổi.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến, với sự tham gia của Bộ trưởng Đào Hồng Lan ở điểm cầu chính. 

Hội nghị được tổ chức trực tuyến, với sự tham gia của Bộ trưởng Đào Hồng Lan ở điểm cầu chính. 

Ngày 22/8, Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội nghị Hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng thế giới và phát động triển khai chiến dịch tiêm vacxin sởi.

Tuần lễ tiêm chủng thế giới hàng năm là sáng kiến do WHO phát động nhằm kêu gọi các quốc gia, tổ chức hành động để trẻ em, cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vacxin.

Tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ tiêm chủng mà nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Ước tính Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu phòng được 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm. 

Việt Nam hiện có 11 bệnh truyền nhiễm gồm lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do HIB, viêm não Nhật Bản B, rubella, rota được triển khai trong tiêm chủng mở rộng.

Hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vacxin đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam. Kết quả này góp phần quan trọng trong việc thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, giảm rõ rệt tỷ lệ các bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tuần lễ tiêm chủng năm 2024, có chủ đề “Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh”, diễn ra trùng với kỷ niệm 50 năm thành lập Chương trình Tiêm chủng mở rộng toàn cầu.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Chương trình Tiêm chủng mở rộng là một trong những chương trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam. 

Chương trình này cung cấp vacxin miễn phí và được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố. Tuần lễ tiêm chủng tại Việt Nam lần đầu tiên được Bộ Y tế tổ chức năm 2011 tại Phú Thọ và được duy trì từ đó đến nay.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: 'Nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm có khả năng tăng cao khi cả nước bước vào năm học mới'.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: "Nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm có khả năng tăng cao khi cả nước bước vào năm học mới".

Bên cạnh những thuận lợi và thành tựu đã đạt được, công tác tiêm chủng còn nhiều khó khăn thách thức như tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa… tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện trở lại, lây lan và bùng phát.

"Đặc biệt thời điểm hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học, có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp", bà Lan nói.

Để hoạt động tiêm chủng được quan tâm hơn nữa, Bộ trưởng Lan đề nghị các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn trách nhiệm đối với cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố thúc đẩy tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vacxin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc rà soát tiền sử tiêm chủng, tuyên truyền vận động các gia đình, phụ huynh học sinh đưa trẻ em đi tiêm chủng theo hướng dẫn của ngành y tế.

"Bộ Y tế mong muốn người dân Việt Nam ngày càng được tiêm chủng nhiều loại vacxin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm", bà Lan chia sẻ và cho biết thêm, Bộ Y tế sắp sử dụng một số vacxin mới phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota, phòng bệnh do phế cầu, phòng bệnh ung thư cổ tử cung do virus HPV...

Người đứng đầu Bộ Y tế cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong ngành nâng cao trách nhiệm, trong đó có việc triển khai tiêm vacxin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu, phối hợp xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Ngoài ra, do nguy cơ bùng phát dịch sởi trên thế giới cũng như tại Việt Nam, Bộ Y tế đã phối hợp với WHO, UNICEF xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vacxin phòng chống dịch sởi năm 2024 với hơn 1,1 triệu liều vacxin do Chính phủ Australia tài trợ.

Chiến dịch sẽ được triển khai tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế tại các quận, huyện có nguy cơ và đang có các ca sởi, dịch sởi. Vacxin được cung cấp miễn phí cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi; nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vacxin chứa thành phần sởi theo quy định.

Đối với các tỉnh, thành phố chưa thuộc phạm vi triển khai của Kế hoạch, Bộ Y tế đề nghị phối hợp các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để rà soát, đánh giá, xác định vùng nguy cơ để chuẩn bị, xây dựng kế hoạch tiêm chủng trong trường hợp cần thiết.

Để phòng, chống bệnh sởi một cách hiệu quả, ngành y tế khuyến cáo đưa trẻ đi tiêm vacxin phòng bệnh sởi mũi 1 ngay khi 9 tháng tuổi.

Bà Silvia Danailov Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam cho biết, ý tưởng tiêm chủng vacxin cho trẻ em được UNICEF bắt đầu thực hiện từ năm 1980. Trong vòng 50 năm qua, vacxin đã góp phần cứu sống 154 triệu người.

Theo bà, Việt Nam đã đạt những thành công nhất định hướng tới loại trừ bệnh sởi, nhưng đại dịch Covid-19 gián đoạn công tác tiêm chủng tại Việt Nam cũng như đặt ra thách thức trong việc cung ứng vacxin vào nửa cuối 2023.

Nhân sự kiện do Bộ Y tế tổ chức, UNICEF cùng WHO và các đối tác cam kết hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cho hệ thống tiêm chủng trên các mảng như cung ứng, dây chuyền lạnh, hệ thống thông tin kỹ thuật số, truyền thông thay đổi hành vi và triển khai tiêm chủng, bao gồm tiêm chủng ngoại trạm. 

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Trà táo đỏ kỷ tử có những tác dụng gì đối với sức khỏe?

Táo đỏ, kỷ tử là hai dược liệu quen thuộc trong Đông y, kết hợp với nhau tạo thành thức uống bổ dưỡng, có nhiều lợi ích cho sức khỏe.