Sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP còn hạn chế
Sáng 22/8, tại TP.HCM, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 và Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang tại TP.HCM.
Theo ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, chương trình OCOP đã đem lại hiệu quả tích cực, phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của tỉnh Tiền Giang và góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, định hình những sản phẩm chất lượng, đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng thời, thay đổi tập quán sản xuất, khơi dậy và phát huy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân không chỉ trên lĩnh vực khôi phục và phát huy ngành nghề truyền thống làm giàu mà còn hướng người dân tiếp cận nền kinh tế thị trường, hàng hóa, mở mang sản xuất khu vực nông thôn.
Một số sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt tại nhiều cửa hàng tiện ích trong và ngoài tỉnh, các hệ thống siêu thị lớn, nhiều sản phẩm đã có doanh số bán hàng từ hàng trăm triệu đồng trở lên.
Tuy nhiên, ông Phi nhìn nhận, chương trình OCOP cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm chưa cao.
Dẫn đến sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn.
Để chương trình OCOP phát triển theo chiều sâu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho biết, ngoài việc ban hành cơ chế, chính sách cụ thể cho Chương trình OCOP, tỉnh tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy, hệ thống tư vấn thực hiện OCOP; nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; đổi mới, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm...
Tiền đề hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm OCOP
Ông Lưu Văn Phi cho biết, tới đây, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 và Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang tại TP.HCM, qua đó, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh đến với khách tham quan, mua sắm tại TP.HCM.
Đặc biệt, Hội nghị cũng sẽ tiến hành ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang với Sở Công Thương TP.HCM, Co.opmart TP.HCM, Tập đoàn Central Retails về phát triển hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh; giữa doanh nghiệp Tiền Giang và doanh nghiệp TP.HCM.
"Sự kiện tạo tiền đề hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tạo kênh tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa ổn định, bền vững đa dạng các chủng loại hàng hóa, chất lượng cao, giá thành hợp lý và có tính cạnh tranh.
Tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX, đơn vị cung ứng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm của tỉnh Tiền Giang có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường", ông Phi cho hay.
Đến nay tỉnh Tiền Giang đã xây dựng và công nhận 207 sản phẩm OCOP, trong đó có 95 sản phẩm OCOP được chứng nhận 4 sao, 112 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao. Ngoài ra, có 5 sản phẩm đang được tỉnh đề nghị 5 sao.