| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang: Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

Thứ Hai 14/06/2021 , 16:20 (GMT+7)

Dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng việc sản xuất kinh doanh nhưng cộng đồng doanh nghiệp Tiền Giang đã nỗ lực cùng với địa phương vừa chống dịch vừa sản xuất phát triển kinh tế.

Dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến việc xuất khẩu trứng chim cút nhưng ông Trần Nguyễn Hồ, nông dân ở xã Long An (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vẫn duy trì được 2 trang trại rộng 3 ha nuôi khoảng 200.000 con chim cút, có quy mô lớn nhất vùng ĐBSCL. Mỗi ngày, trang trại chim cút Nguyễn Hồ cung ứng gần 200.000 quả trứng cút sang thị trường Nhật, giải quyết việc làm ổn định cho 20 lao động.

Ông Trần Nguyễn Hồ cho biết, dù dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra, giảm lợi nhuận nhưng không chùn bước, quyết tâm duy trì mô hình nuôi chim cút thương phẩm đã gầy dựng hơn 20 năm qua. Nếu hoà vốn hoặc lỗ chút đỉnh cũng sản xuất để giữ được lao động và khách hàng.

Chế biến xoài sấy xuất khẩu tại Công ty TNHH Vina XO. Ảnh: Minh Đảm.

Chế biến xoài sấy xuất khẩu tại Công ty TNHH Vina XO. Ảnh: Minh Đảm.

Còn ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bê tông Minh Tâm (tại xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) cho biết, do chủ động được nguồn nguyên liệu, giữ uy tín với khách hàng nên trong bối cảnh dịch Covid-19 doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, tạo việc làm cho hơn 100 công nhân lao động.

Gần đây, ông Nguyễn Minh Tâm còn mở thêm ngành nghề sản xuất, gia công kính cường lực phục vụ cho khách hàng ở khắp vùng ĐBSCL. Trong sản xuất kinh doanh, cán bộ, công nhân lao động luôn chú trọng việc phòng chống dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe cho mình và khách hàng.

Hiện nay, bệnh Covid-19 ở tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị ở địa phương chung sức phòng chống đại dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp các sản phẩm đầu ra có giảm sản lượng và lợi nhuận, nhưng cũng duy trì và phát triển về chất. Hiện nay, nông dân tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục chăm sóc hơn 82.000 ha vườn cây ăn trái, hàng chục nghìn ha rau màu, nuôi 12 triệu con gia cầm, đàn gia súc hơn 300.000 con… vừa cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh vừa phục vụ thi trường TP HCM và các địa phương khác.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng hơn chục nhà máy chế biến trái cây trên địa bàn đang hoạt động tăng tốc. Tiêu biểu như, Công ty TNHH Long Uyên chi nhánh Tiền Giang (huyện Châu Thành), Công ty TNHH chế biến Nông sản Cát Tường (TP Mỹ tho), Công ty TNHH Vina XO (huyện Gò Công Tây), Công ty TNHH MTV Nichirei Suco Việt Nam (huyện Gò Công Đông)… đã đưa sản phẩm trái cây xuất sang các thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…

Tại huyện Cái Bè địa phương có hơn 20.000 ha vườn cây ăn trái đặc sản, là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đầu mối, nơi giao thương nhiều mặt hàng nông sản với tỉnh Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Do đó đi đôi với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì việc chăm lo phát triển sản xuất, kinh doanh rất được các cấp chính quyền, các ngành chức năng quan tâm.

Đến thời điểm này, dù dịch bệnh ở địa phương phức tạp nhưng tình hình phát triển kinh tế vẫn ổn định. Ông Trần Văn Út, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết: Trong công tác chống dịch, cả hệ thống chính trị huyện đang vào cuộc.

Về vấn đề phát triển kinh tế ở huyện Cái Bè, các cửa hàng, dịch vụ ăn uống phải thực hiện theo các quy định của tỉnh. Còn lĩnh vực kinh tế nông nghiệp vẫn tạo điều kiện cho các điểm giao thương nhưng phải đảm bảo các quy định phòng chống dịch. Về xuất khẩu, thu mua lúa gạo, trái cây tạo điều kiện cho phát triển.

Công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến nông sản Cát Tường. Ảnh: Minh Đảm.

Công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến nông sản Cát Tường. Ảnh: Minh Đảm.

Để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh chưa lắng dịu, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh ở tỉnh Tiền Giang chủ động trong việc liên kết sản xuất, tìm hướng đi mới để tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ. Cụ thể như HTX Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) đã kết nối được với các doanh nghiệp tại các chợ đầu mối, siêu thị ở TP Đà Nẵng, cung cấp khoảng 20 tấn trái cây một ngày, nhất là các loại trái cây đang dội hàng như: thanh long, sầu riêng, sa pô.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều loại trái cây ế ẩm nên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Phước phối hợp với Phòng NN-PTNT tổ chức Chương trình hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn. Chương trình này đã bán được một lượng lớn các loại trái cây như: khóm, thanh long, mít.

Hiện nay, có nhiều dự án tiếp tục được đầu tư vào địa bàn Tiền Giang. Dự án Nhà máy chế biến trái cây, của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thanh Bình, với công suất khoảng 400.000 trái dừa/ngày. Dự án Trung tâm nghiên cứu giống và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến Mê Kông của Công ty TNHH Thương mại xây dựng An Na, có quy mô khoảng 20 ha. Dự án Xây dựng nhà máy chế biến nông sản, của Công ty TNHH Một thành viên Thiên Hộ, quy mô khoảng 3 ha.

UBND tỉnh Tiền Giang còn xây dựng Kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa. Qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, cung ứng đủ lượng hàng hóa cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

    Tags:
Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bức tranh 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' nhiều kỷ lục đến với người dân Thủ đô

Đây là bức tranh toàn cảnh đầu tiên tại Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với 4 trường đoạn tái hiện lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.