| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh thành công với giống vật nuôi bản địa

Tiên phong xây dựng chuỗi lợn Móng Cái

Thứ Năm 03/08/2023 , 06:04 (GMT+7)

Bà Nguyễn Thị Loan được biết đến là một trong những người tiên phong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lợn Móng Cái với quyết tâm khôi phục giống lợn đặc sản địa phương.

Mỗi sáng, bà Nguyễn Thị Loan lại cho lợn Móng Cái đi bộ, ăn các loại rau cỏ mọc trên đồi. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Mỗi sáng, bà Nguyễn Thị Loan lại cho lợn Móng Cái đi bộ, ăn các loại rau cỏ mọc trên đồi. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Làm đủ nghề vẫn quay về nuôi lợn

Móng Cái là thành phố vùng biên viễn thuộc tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây có nhiều đặc sản nổi tiếng gần xa, trong đó phải kể đến giống lợn Móng Cái sở hữu chất lượng thịt thơm ngon, ăn một lần nhớ mãi.

Là sản vật quý của địa phương, nhưng lợn Móng Cái từng đối diện với nguy cơ bị mai một, lai tạp mất đi nguồn gien thuần đặc hữu. Thêm vào đó, đa số các mô hình chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và ở Móng Cái nói riêng đều là mô hình nhỏ lẻ, nông hộ chiếm trên 90%. Bà con chăn số lượng ít, lại chưa chú trọng đến việc bảo tồn, lưu giữ giống gốc đã dẫn đến tình trạng suy thoái giống.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc được thành lập với 7 thành viên cùng quyết tâm khôi phục giống lợn quý này. Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc HTX cho biết, xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, ngay từ nhỏ, bà đã tiếp xúc với chăn nuôi lợn.

“Cách đây gần 20 năm, tôi đã chăn lợn trắng để xuất bán sang Trung Quốc vì TP Móng Cái có lợi thế sát với thị trường tỉ dân. Nhưng sau đó, giá cả thị trường biến động, chăn nuôi không còn có lãi nữa nên tôi đã chuyển sang nhiều việc khác như trồng keo, làm gỗ”, bà Loan nhớ lại.

Trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng bà Loan vẫn mong mỏi được tiếp tục công việc gắn liền với tuổi thơ của mình. Đầu năm 2016, bà Loan lặn lội từ Móng Cái sang Hải Phòng để bắt giống lợn Móng Cái. Đường sá xa xôi, lại chưa có cao tốc như bây giờ nên đi lại rất khó khăn.

Sau khi có con giống cũng là lúc HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc ra đời vào tháng 11/2016, với mục đích tập hợp những hội viên trên địa bàn xã Quảng Nghĩa có tâm huyết trong chăn nuôi giống lợn Móng Cái cùng liên kết, chia sẻ kinh nghiệm để sản xuất lợn theo một quy trình sạch đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, tiến tới xây dựng, phát triển trang trại, gia trại quy mô lớn, chăn nuôi bền vững để nâng cao thu nhập cho các xã viên.

Lúc bấy giờ, gia đình bà Nguyễn Thị Loan là một trong những hộ chăn nuôi lợn lớn ở xã Quảng Nghĩa. Với diện tích hơn 2ha, gia đình bà đã đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi lợn Móng Cái với quy mô 25 chuồng, chuyên nuôi lợn thịt và nái Móng Cái cung cấp thịt lợn thương phẩm, con giống cho thị trường.

Lợn Móng Cái có đặc trưng màu lông đen pha lẫn trắng hoặc hồng. Lợn có đầu to, cổ ngắn và to, lưng dài, rộng và hơi võng xuống. Bụng lợn tương đối gọn gàng nhưng về sau bụng càng sệ, lông thưa và nhỏ, da mỏng mịn, chân cao, móng xòe.

Việc ăn các loại rau cỏ kết hợp đi bộ 4 - 6 tiếng/ngày giúp lợn Móng Cái giảm lượng lớn mỡ, tăng chất lượng thịt. Ảnh: Quang Dũng.

Việc ăn các loại rau cỏ kết hợp đi bộ 4 - 6 tiếng/ngày giúp lợn Móng Cái giảm lượng lớn mỡ, tăng chất lượng thịt. Ảnh: Quang Dũng.

Lợn Móng Cái được tập gym

Giữa tháng 7 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh chịu ảnh hưởng của cơn bão số 1, khiến trời mưa trong nhiều ngày liền. Sau khi bão tan, trời hửng nắng, bà Loan vui lắm. “Trời nắng tôi mới thả lợn chạy ra các vườn cỏ, vườn rau để cho chúng vừa tập thể dục giảm mỡ, vừa đỡ tốn kém chi phí thức ăn”, vừa nói bà vừa chỉ tay về phía khu chuồng chăn lợn Móng Cái.

Dường như biết sắp được thả ra ngoài, đàn lợn của bà Loan kêu éc éc, ra điều khoái chí lắm. Vừa tháo chốt cửa chuồng, từng đàn lợn Móng Cái như “bước ra” từ bức tranh dân gian Đông Hồ, chen nhau chạy ra ngoài. Đàn lợn Móng Cái ăn cỏ một cách ngon lành, cứ như thể chúng là trâu, bò vậy.

“Lợn Móng Cái là giống vật nuôi bản địa, rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Đặc biệt, chúng thích phong cách sống bán hoang dã, lại ăn tạp, rau cỏ gì cũng chén hết”, bà Loan thích thú nói.

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nuôi, bà Loan thường cho ăn nhiều loại cám gạo, cám ngô trộn với thân chuối băm nhuyễn. Mặc dù ăn rau nhưng lợn Móng Cái có đặc điểm dễ tích mỡ, khiến lợn nhanh béo.

“Tôi cứ liên tưởng chúng như con người vậy. Ăn uống mà không thể dục thể thao, vừa yếu mà vừa dễ tăng cân, thừa mỡ. Chính vì vậy, tôi đã thay đổi chế độ ăn, khẩu phần ăn, sáng thả ra rừng, tối về chỉ cho ăn 1 bữa”, bà Loan cho biết.

Mỗi sáng, đàn lợn Móng Cái được thả đi bộ trên những quả đồi, chúng được thoải mái vận động trong khoảng 4 - 6 tiếng trước khi quay lại chuồng. Được biết, lợn Móng Cái nuôi tầm 5 tháng cân nặng 30kg, lợn 8 tháng đạt 40 - 45kg.

Bà Loan hồ hởi nói: “Lợn Móng Cái có mỡ trắng, bì trong, thịt đỏ, nấu ăn không cần mì chính cũng vẫn ngọt vị. Nhiều người ăn thịt lợn Móng Cái thấy ngon đã giới thiệu bạn bè tìm đến cơ sở HTX để đặt hàng”.

Theo kinh nghiệm chăn nuôi của các thành viên trong HTX, nuôi lợn sạch Móng Cái mất nhiều công chăm sóc hơn so với chăn nuôi các giống lợn bình thường. Thời gian nuôi cho đến lúc xuất chuồng khoảng 8 tháng (lợn thường từ 3 - 4 tháng).

Tuy nhiên, với ưu điểm dễ nuôi, ít bệnh, đẻ nhiều (có thể đẻ 25 con/lứa và rất khéo nuôi con), mô hình nuôi lợn sạch Móng Cái của HTX An Lộc đã gặt hái nhiều thành công và có thể nhân rộng trong thời gian tới.

HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) đang trở thành địa chỉ tin cậy chuyên cung cấp lợn sạch Móng Cái cho thị trường trong và ngoài tỉnh tiêu thụ. Đặc biệt, mô hình này còn thường xuyên được TP Móng Cái lựa chọn sản phẩm tham gia các hội chợ OCOP tỉnh và đang được các thành viên trong HTX tiếp tục nhân rộng thành công.

Lợn Móng Cái hướng tới trở thành sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia của Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Lợn Móng Cái hướng tới trở thành sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia của Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

 Xây dựng chuỗi liên kết, tiến tới sản phẩm OCOP 5 sao

Từ 7 thành viên ban đầu, nay HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc đã có 45 thành viên tham gia. Năm 2019, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, tổng đàn lợn Móng Cái bị suy giảm mạnh. Hiện HTX chỉ nuôi theo đơn đặt hàng, bên cạnh đó, duy trì đàn lợn khoảng 2.000 con mỗi năm.

Với mục tiêu xây dựng mô hình HTX cung ứng sản phẩm lợn thịt Móng Cái sạch tới tay người tiêu dùng, các thành viên trong HTX đều cam kết làm thương hiệu lợn sạch với một quy trình chăn nuôi đảm bảo nghiêm ngặt từ khâu đầu vào đến đầu ra, kiểm soát an toàn dịch bệnh.

Toàn bộ trang trại của các thành viên HTX đều được xây dựng theo quy trình hoàn toàn khép kín. Ban đầu, lợn giống được nhập tại các trung tâm sản xuất giống uy tín. Hiện nay, HTX đã chủ động sản xuất con giống để cung cấp cho các hộ thành viên. Từ đó giảm chi phí sản xuất, giá bán để sản phẩm thịt lợn sạch Móng Cái dễ dàng đến tay người tiêu dùng hơn.

Đặc biệt, để chủ động được thức ăn trong chăn nuôi, gia đình bà còn tận dụng nguồn phân chuồng qua hệ thống hầm biogas xử lý nước thải dùng để nuôi bèo, tưới rau. Ngoài ra, HTX còn trồng thêm các loại cây dược liệu như sachi, lá lốt để tăng thêm hương vị cho thịt lợn Móng Cái.

Với ưu thế săn chắc, thơm ngon và nuôi theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, thịt lợn Móng Cái có giá bán cao gần gấp đôi so với lợn nuôi thông thường, khoảng 150.000 đồng/kg, nhiều khi không có hàng để bán.

Vừa qua, với quy trình nuôi sạch sẽ, an toàn, thân thiện với môi trường, mô hình chăn nuôi lợn sạch Móng Cái của HTX An Lộc đã được TP Móng Cái cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện để HTX tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường và từng bước xây dựng một cách vững chắc thương hiệu sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hải, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Móng Cái cho biết, thành phố đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết lợn ỉ Móng Cái, từ khâu con giống đến chế biến, tiêu thụ. Hiện, địa phương đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước, cũng như quốc tế. Thành phố đặt mục tiêu trong những năm tới, lợn Móng Cái sẽ được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, trở thành thế mạnh của Quảng Ninh.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.