| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 05/05/2022 , 09:21 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

09:21 - 05/05/2022

Tiến sĩ giấy – không phải chỉ là đồ chơi

Hai chữ “tiến sĩ” ngày nay đã khiến cho không ít “tiến sĩ thật” phải xấu hổ vì trót mang danh. Nền học vấn trở thành trò cười, là sự mỉa mai và chua chát.

Một cái đề tài tiến sĩ như Nghiên cứu phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La đang được phát tán trên mạng giữa những thông tin về những sai phạm nghiêm trọng ở Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã khiến không ít người cười ra nước mắt. Cười vì nó… buồn cười, cười còn vì chỉ là một ví dụ minh họa cho những cái “lò ấp tiến sĩ” thời nay. Có những người vì quá ngạc nhiên và hiếu kỳ mà đã ngồi lục ra, chỉ một lúc đã thấy hàng chục luận án cùng “đẳng cấp” với cái luận án trên.

Nhưng không ai cười lâu được, vì đó không phải chuyện để cười, đó là chuyện phải khiến người ta bật khóc. Hãy nhớ lại, trong gần một nghìn năm khoa cử phong kiến (1075 - 1919) Việt Nam chỉ có tổng cộng 2.896 tiến sĩ, nhưng chỉ trong năm học 2017 - 2018 đã có 1.545 người được công nhận học vị này. Chỉ cần hai năm như thế cộng lại thì số lượng tiến sĩ sẽ vượt cả 1000 năm phong kiến!

Ở đây không phải chỉ là vấn đề số lượng, người ta chỉ để ý đến nó (số lượng) khi đọc những cái tên đề tài như trong phần mở đầu của bài viết này.

Nguyên nhân của tình trạng đào tạo tiến sĩ đại trà và dễ dãi này không phải là nội dung mà bài viết muốn đề cập, chúng tôi chỉ nhấn mạnh tới vài trong số rất nhiều hậu quả mà nó tất yếu gây ra. Đây là một sự tàn phá xã hội trên quy mô quốc gia và gây họa ở chiều sâu nhất của nó. Khi mà tuyển dụng và bổ nhiệm lấy bằng cấp làm một căn cứ quan trọng thì những tấm bằng loại này sẽ khiến trao quyền lực vào tay những kẻ bất tài, không đủ năng lực và tư cách. Từ những chiếc ghế ấy, sự phá hoại hay hỏng hóc sẽ được khởi động trong hệ thống, và theo thời gian sẽ làm hỏng cả hệ thống ấy.

Đất nước nào cũng có khoa cử và bằng cấp của nó, nhưng vấn đề là danh có đi liền với thực hay không. “Tiến sĩ giấy” mà Nguyễn Khuyến đã trào lộng không chỉ là một món đồ chơi của trẻ em thời xưa nữa khi mà nó đã được gắn lên những con người thật bằng xương bằng thịt. Hai chữ “tiến sĩ” ngày nay đã khiến cho không ít những “tiến sĩ thật” phải xấu hổ vì trót mang danh. Họ bị ném vào và gọi chung là “tiến sĩ” với những người đã làm những cái đề tài như trên.

Nền học vấn trở thành trò cười, là sự mỉa mai và chua chát. Những trí thức chân chính, thực tài bị coi thường và bị rẻ rúng giữa vàng thau lẫn lộn. Đó là một cách gián tiếp để hủy hoại nền giáo dục, gây ra sự khinh khi đối với tri thức và học vị. Khi mà người ta không thể phân biệt được cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ vì ranh giới trình độ của họ đã bị xóa nhòa thì đó chính là hồi chuông báo động cho một sự suy vi từ bên trong.

Chúng ta hãy nhớ lại và quan sát, khi tiếng nói của người trí thức trở nên mất giá thì điều gì sẽ kéo theo? Quyết định hướng đi và sự phát triển của một xã hội chính là nhờ tầng lớp này, họ được gọi là “tinh hoa”, là “elite”, là người dẫn đường cho dân chúng, nhưng giờ dân chúng đã mất niềm tin, mất tín nhiệm, trở nên coi thường thì điều ấy đồng nghĩa với việc phá hủy cùng một lúc cả hai thứ: vai trò của trí thức và sự hướng đạo của dân chúng.

Những gì đang diễn ra về tình hình của chất lượng đào tạo và sự rẻ tiền của các loại học vị, trong đó đặc biệt là học vị tiến sĩ, một lần nữa cho thấy sự tàn phá nền tảng xã hội và giáo dục quốc gia, phá vỡ các thang bậc giá trị, hủy hoại tình yêu tri thức và lòng tôn trọng đối với trí thức.

“Chạy theo bằng cấp” là một cách nói không chính xác, vì nó mang nét nghĩa đổ lỗi cho người học, trong khi nạn bằng cấp trước hết tuân thủ theo đúng quy luật cung - cầu và năng lực quản trị của nhà chức trách.

Bản thân học vị là cần thiết vì nó là tấm “giấy chứng nhận”. Là “chứng nhận” chứ không phải “nhãn hiệu”, nghĩa là nó phải hoàn toàn tương ứng với năng lực của người sở hữu, để làm cơ sở cho việc tuyển dụng và hoạt động nghề nghiệp. Một khi không đảm bảo được điều ấy thì chính các cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm đầu tiên, vì hậu quả kéo dài và khuếch đại của nó là không thể đong đếm hết được. Một “tiến sĩ rởm” đứng trên giảng đường đại học 30 năm sẽ cho ra lò hàng ngàn sinh viên kém chất lượng, từ hàng ngàn ấy sẽ tiếp tục lũy thừa lên. Cứ thế, xã hội và đất nước sẽ lãnh đủ.

Ai sẽ chịu trách nhiệm về những tai họa đó, và làm thế nào để chặn đứng cơn đại-dịch-bằng-rởm này? Chúng tôi cho rằng, câu trả lời cho cả hai vế đều không khó tìm, cái khó nằm ở chỗ là có dám làm hay không mà thôi, vì như một vị nguyên thủ đã nói, đó là việc tự mình đánh mình! Khó là vì thế.