Sau khi thông tin về luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" được phát tán và bình phẩm rầm rộ trên mạng xã hội cũng như báo chí nhà nước thì người ta còn khui ra rất nhiều những luận án khác nữa với những “đề tài” dễ… gây cười không kém. Tuy nhiên, sau tiếng cười chua chát ấy, bất cứ ai có lòng với nền giáo dục và tương lai đất nước đều không thể giấu nổi sự lo lắng và cả giận dữ.
Cứ cho rằng dư luận trên mạng xã hội có thể là cảm tính, nhưng một khi những người như PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá rằng "Xét cả về tính học thuật hay thực tiễn, đề tài chưa đạt yêu cầu. Không biết lý do vì sao mà người hướng dẫn nghiên cứu lại đồng ý và hội đồng thẩm định lại thông qua đề tài như vậy" (vtc.vn) thì vấn đề chất lượng của nó là thật sự đáng báo động, chứ không phải là như ông Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao nói là "Mạng xã hội đang làm quá lên"!
Nhân dân đặt câu hỏi: phải làm gì đây với những “luận án” và những chủ nhân của nó mà giờ đã “lỡ” thành “tiến sĩ”? Đó là một câu hỏi nghiêm túc.
Có thể lập hội đồng thẩm định lại/bảo vệ lại đối với những luận án loại này không?
Nếu trường hợp luận án không được thông qua thì giải quyết ra sao? Có thể tước bằng tiến sĩ của những tác giả luận án đó không? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những tổn thất mọi mặt cho nghiên cứu sinh trong suốt mấy năm đó để có cái bằng tiến sĩ kia?
Có hay không những khuất tất, tiêu cực đằng trong quá trình thực hiện, bảo vệ và công nhận kia? Nếu có thì xử lý ra sao với những người hướng dẫn, với hội đồng và các cấp có liên quan?
Tất cả những câu hỏi loại này được đặt ra là trên cơ sở một nguyên tắc hệ trọng và bất di bất dịch sau đây: không thể chấp nhận những “luận án rởm” và những “tiến sĩ giấy”. Nếu không có những xử lý thích đáng như hủy bỏ kết quả bảo vệ và tước học vị tiến sĩ nếu luận án không đảm bảo chất lượng thì đó chính là việc sản xuất và tiêu thụ hàng giả một cách công khai, chà đạp lên pháp luật. Và như chúng tôi đã chỉ ra ở hai bài viết liền trước, chấp nhận những món hàng giả này là đang trực tiếp phá hủy nền học vấn, sự trong sạch cùng tính công bằng; chấp nhận nghĩa là công khai sỉ nhục những “tiến sĩ thật”, phá hủy các nền tảng cơ bản nhất của một quốc gia.
Nelson Mandela, Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Nam Phi và là người anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, phát biểu trong chuyến thăm trường đại học Nam Phi rằng:"Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy. Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy. Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.
Và cũng chính ông đã nói: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới".
Chừng đó đã đủ để chúng ta thấy nạn bằng cấp giả/dỏm không phải chỉ là câu chuyện của đương sự với các nhà quản lý; rộng lớn, nó liên quan trực tiếp tới số phận của cả một quốc gia mà ở đó không một công dân nào có thể vô sự và vô can. Vì thế, đòi hỏi về việc làm trong sạch hệ thống giáo dục ấy là đòi hỏi chính đáng và dứt khoát phải được thi hành.
Tóm lại, đây không phải là một chuyện ồn ào trên mạng xã hội, càng không phải là một vụ “khủng hoảng truyền thông”. Đây là một sự việc nghiêm trọng và cần phải làm sáng tỏ. Tất cả các bên có liên đới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (tức là chịu trách nhiệm trước nhân dân), từ đó mà thiết định lại một nền học vấn tử tế, lành mạnh và tiến bộ.