Vi phạm liêm chính học thuật
Ngày 11/12, Tiến sĩ Trần Trọng Dương, phản biện 2 của Hội đồng nghiệm thu lần thứ 2 đề tài cấp cơ sở của Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong nhận xét về đề tài “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tài liệu Hán Nôm” do Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện làm chủ nhiệm, đã kết luận: “Gần 106 lần (=38 lần (đoạn văn) + ≈ 68 lần (ảnh)) vi phạm Công văn số 960/KHXH-QLKH của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam do Chủ tịch GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn ký ngày 22/5/2018 về việc chủ nhiệm đề tài phải chịu trách nhiệm đối với “nội dung khoa học và mức độ chính xác của các trích dẫn” trong đề tài nghiên cứu”.
Báo cáo tổng hợp đề tài “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tài liệu Hán Nôm” của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện |
Cụ thể, ông Dương đã thống kê tổng số lượt đoạn văn bị đạo là 38 đoạn. Có 7 tác giả bị “đạo” gồm: Phùng Hồng Kổn 16 lần, Trang Thanh Hiền 16 lần, M Durand 1 lần, Phan Cẩm Thượng 1 lần, Hà Tùng Long 1 lần, Nguyễn Hữu Mão 1 lần, Wikipedia 2 lần, Nguyễn Xuân Diện 1 lần (tự đạo).
Số liệu do ông Dương đưa ra còn chưa tính đến 19 trang cắt dán trùng lặp (tự đạo văn để “độn” sản phẩm cho đủ số trang) của Báo cáo tổng hợp lần 1 do TS. Đào Phương Chi – thành viên Hội đồng nghiệm thu – phát hiện.
Còn trong số 69 lượt tranh (không tính theo đơn vị tranh trùng, tính theo vị trí xuất hiện), ông Dương cũng thống kê được chỉ có 1 đơn vị có nguồn ảnh, còn lại có 68 tranh không có nguồn ảnh và nguồn lưu trữ/ sưu tập, cũng như nguồn xuất bản.
Đặc biệt, ở đoạn 37, Tiến sĩ Trần Trọng Dương nêu rõ: 7 lỗi sai giống Durand cho thấy: Chủ nhiệm đề tài đã lấy từ người khác mà không chú nguồn tham khảo. Theo ông Dương, đây là những lỗi nghiêm trọng. “Nhấn mạnh ở đây, các lỗi này vừa thể hiện trong báo cáo tổng hợp, vừa thể hiện trên bài báo khoa học đã công bố, nên mức độ vi phạm về đạo văn là không thể sửa chữa”, Tiến sĩ Trần Trọng Dương nhận xét.
Chờ báo cáo kết quả xử lý
Làm việc với PV Báo NNVN, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm xác nhận: Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện có thực hiện đề tài cấp cơ sở nhan đề “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tài liệu Hán Nôm” năm 2018 và đã không được Hội đồng nghiệm thu thông qua.
“Tôi không phải thành viên của các Hội đồng nghiệm thu. Tôi làm việc trên cơ sở các bản báo cáo cũng như Biên bản Hội đồng và bản nhận xét của các thành viên trong Hội đồng. Toàn bộ quy trình này chúng tôi làm theo Quy chế quản lý khoa học của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Theo báo cáo từ Biên bản Hội đồng cả hai lần họp, Hội đồng đều có kết quả dưới 50/100 điểm và như thế theo quy định là đề tài không đạt yêu cầu”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết.
GS.TS Phạm Văn Đức – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết ông nắm được thông tin sự việc Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện “đạo văn” trong đề tài cơ sở năm 2018. “Hiện nay Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chờ báo cáo kết quả xử lý của Viện Nghiên cứu Hán Nôm theo phân cấp quản lý”, ông Phạm Văn Đức nói.
“Chất lượng của báo cáo này là thiên về mỹ thuật, chứ không phải là nghiên cứu văn bản học Hán Nôm và thư mục học Hán Nôm. Đặc biệt, báo cáo khoa học này đã không tuân thủ quy tắc dẫn nguồn, dẫn đến việc không biết khi nào là phần viết của tác giả, khi nào là sản phẩm/ kiến thức của người khác, dù là kiến thức phổ thông” (Tiến sĩ Trần Trọng Dương). |
“Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu tôi cho rằng, sản phẩm đề tài cấp cơ sở của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nộp cho hội đồng lần 2 đã có sửa chữa và bổ sung so với lần 1. Nếu tạm bỏ sang một bên những lỗi mà hội đồng đã chỉ ra (như nội dung chưa đúng theo thuyết minh mà chủ nhiệm đề tài đã đăng kí, lỗi trùng lặp nội dung mà không dẫn nguồn), thì đề tài có thể coi là không non. Mong rằng Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện sẽ sửa chữa bổ sung và cho xuất bản công trình này như anh đã hứa, để mọi người cùng đọc”. (Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm). |