| Hotline: 0983.970.780

Tiếng động của làng

Thứ Tư 03/09/2014 , 09:01 (GMT+7)

Chúng sống động trong ký ức ta, làm cái nền âm thanh khi ta muốn lắng lại trước sự tấn công ồ ạt của mớ âm thanh hỗn độn như thứ âm nhạc thảm họa của cuộc sống xô bồ hiện đại.

Không biết bao người đã “làm văn” về làng. Một miếng đất nhiều khi chỉ rộng bằng vài cái sân bóng đá có lũy tre hay không đối với người Việt Nam mình, dù đang sống ở nông thôn hay thành thị, thì đó không còn là “đất” là “ruộng rẫy” nữa. Làng đã thành một cái nôi, một ngôi nhà hay một gia đình.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long làng tuy có khác, được gọi bằng cái tên khác là ấp, không bao bọc bởi lũy tre mà là kênh rạch với hàng dừa nước thiên thu. Nhưng ấp hay làng, nơi có người Việt ở thì đều mang hồn Việt, hồn quê hương, không khác nhau là mấy.

Và có thể nào quên tiếng động của làng. Chúng sống động trong ký ức ta, làm cái nền âm thanh khi ta muốn lắng lại trước sự tấn công ồ ạt của mớ âm thanh hỗn độn như thứ âm nhạc thảm họa của cuộc sống xô bồ hiện đại.

Ta nhớ tiếng làng! Tiếng của ngày xưa, của ngàn xưa.

Đó là tiếng gà gáy điểm canh và báo bình minh. Tuổi thơ tôi đã gắn kết với tiếng gà. Nửa đêm thức giấc, con gà trống nhà gáy canh một. Tiếp theo là bản đồng ca ồn ã lan qua tán cây vườn đến tận cùng cái xóm chưa đến một trăm nóc nhà.

Tiếng gà đánh thức tôi nhưng không làm tôi tỉnh dậy hẳn, mà tiếp tục dẫn tôi vào một giấc mơ khác. Một nỗi buồn xâm chiếm hồn tôi trong cơn ngái ngủ. Tôi gậm nhấm nỗi cô đơn khi trong cái im ắng đến rợn người của đêm làng, tôi nhận ra bên mình chỉ có mẹ và mấy đứa em.

Ai bảo cô đơn chỉ là xa xỉ phẩm của những tâm hồn nhạy cảm? Nếu tỉnh dậy lúc giữa đêm sau tiếng gà, một súc gỗ cũng cảm thấy “hồn tôi rợn bốn bề”…

Mẹ tôi chưa ngủ dù gà đã gáy canh một. Bà còn bận đan nốt cái áo ấm cho tôi bằng những cuộn len tháo từ cái áo cũ của mình. Mùa đông này mẹ sẽ rét hơn vì không còn áo ấm. Nhưng lần đầu tiên tôi có một cái áo len.

Cuộc kháng chiến sẽ còn kéo dài, ba tôi chưa biết ngày nào trở lại nghề dạy học có đồng lương lo đủ cơm áo cho vợ con. Mẹ tôi nói khi tôi vẫn còn ngái ngủ, giữa tiếng gà đang rộn lên khắp xóm, nói mà không cần biết tôi có tỉnh táo để nghe hay không. “Len này tốt lắm, khi nào con lớn, mặc chật thì mẹ đan lại cho bé Hoa!”.

Tôi chỉ nghe được tiếng gà canh một. Và canh năm, khi trời sắp sáng, con gà trống đánh thức cả nhà dậy mỗi người một việc.

Tôi và các em ăn vội mấy thìa cơm rang để kịp đi học, cuốc bộ năm cây số, lại còn phải qua một con đò ngang. Khi chúng tôi ra khỏi nhà thì tiếng gà đã tắt hẳn. Nhưng tận hôm nay khi đã thành ông già “cổ lai hy”, trong đám âm thanh làm thủng lỗ nhĩ của thành phố, thỉnh thoảng lại vọng bên tai tôi một tiếng gà và tôi lại sực nhớ làng.

Chuông chùa không phải ngày nào cũng vang lên như tiếng gà. Nhưng tiếng chuông từ ngôi chùa nhỏ trên đỉnh một quả đồi đơn côi gần làng nhắc mẹ tôi hôm nay là ngày rằm hay mồng một.

Dù bận trăm công ngàn việc cáng đáng một đàn con, mẹ tôi cũng không bỏ một bữa lên chùa nào. Ít nhất bà cùng dắt theo được một hai đứa, tôi là con trai cả, hình như mặc nhiên tôi phải đi chùa nhiều nhất thay cho các em.

Lên chùa mẹ chỉ niệm A di đà, tôi họa theo cho đến lúc buồn ngủ. Dọc đường, mẹ thủ thỉ: “Sau này nếu các con vấp cảnh nghèo thì cũng đừng trách mẹ. Mẹ không xin Phật phù hộ cho giàu có mà chỉ mong các con có sức khỏe là sung sướng lắm rồi”. 

Tiếng chuông chùa làng thường văng vẳng trong tai tôi, nhắc lại cho tôi bài học đầu tiên của cuộc đời là sự quý giá không gì đánh đổi được của chính bản thân cuộc sống, mọi thứ khác đều là gió thổi mây bay.

Tiếng chuông nhà thờ cũng làm nên bản nhạc sinh động của làng tôi. Một cái nhà thờ con con với vài chục nóc nhà người công giáo, không có cha đạo trị nhiệm. Nhưng sáng tinh mơ nào cũng có tiếng chuông ngân.

Chiếc đồng hồ quả lắc của nhà thờ bị hỏng lâu ngày không có tiền chữa nên ông bõ nhà thờ theo tiếng gà gáy sáng để kéo chuông. Nhiều lúc tiếng chuông hòa lẫn tiếng gà, như tình thân ái lương giáo vẫn là tắt lửa tối đèn có nhau.

Chuyện “sát đạo” xảy ra hơn trăm năm trước, vết thương đã lành từ lâu. Bên xóm đạo có anh em ông Hiền Tiến, người giỏi câu lươn, người tài thiến gà. Hai ông đều được quý và có thể nói là nể trọng nữa. Vì chợ thì xa, ông Hiền mang lươn đến tận nhà bán và không nhà nào là không phải thỉnh ông Tiến để thiến gà nuôi ăn Tết.

Năm 1954, cả xóm đi vào Nam gần hết, hai ông Hiền Tiến cũng vậy. Ai cũng lo không có lươn nấu cháo và cũng chẳng còn người giỏi thiến gà trăm con sống cả trăm. Nhưng cải cách ruộng đất tràn đến. Nó cuốn đi những tiểu tiết của cuộc sống thường ngày, chẳng còn ai bận tâm đến chuyện nuôi gà thiến hay nhớ tới món lươn om chuối nữa.

Nhớ lại tiếng động của làng, tôi không thể không nhớ tới bản hợp xướng của cuộc sống những con vật thân thiết với con người như bè bạn. Khi chúng đồng thanh kêu lên thứ ngôn ngữ không hiểu nổi của chúng thì mọi người được nghe một bản hợp xướng tuy quen thuộc nhưng không cũ bao giờ.

Đó là tiếng chó sủa trăng suông buồn nao lòng, tiếng lợn kêu khi bị chọc tiết vào lúc ba giờ sáng từ những nhà có đám, tiếng bò rống ngày động đực. Và cả tiếng những con mèo đực đa tình, dâm đãng tìm bạn tình giữa đêm khuya.

Chúng tụ tập thành đàn quanh hàng rào nhà nào đó có một con mèo cái đang kỳ động cỡn. Và thay vì đánh nhau, lao và nhau như sư tử, trâu đàn với tư cách chững chạc của người đàn ông, chúng chỉ kêu ré lên bằng thứ tiếng gọi là "mèo kêu” nhẽo nhợt như mỡ cháy trên chảo.

Người ta bảo các nhà khoa học hiện nay của nước Pháp vẫn còn ghi được âm thanh tiếng chuông nhà thờ Đức Bà Paris từ thời có thiên tình sử Thằng Gù và nàng Esméralda kiều diễm. Nhưng làm sao tôi còn được nghe lại tiếng động của làng tôi?

Cay cú, nhiều khi đáng ghét nhưng không kém phần da diết. Bản “súc vật đại hợp xướng” ấy làm chứng cho sự hiện diện cuộc sống đang sôi sục, sinh sôi nẩy nở và không thiếu ganh đua dưới bầu không khí tưởng là an bài tĩnh lặng muôn đời sau lũy tre nhưng thực ra không phải thế.

Tiếng động cuối cùng của làng ấn tượng nhất với tôi ngày tôi rời khỏi làng cho đến hôm nay là tiếng trống hối thúc ra đồng đấu tố trong một đêm có gió Lào dữ dội.

Tiếng hô khẩu hiệu của con người, tiếng thanh la, tiếng lửa phần phật cháy trên những cây đuốc tẩm nhựa trám. Và cuối cùng là một hoặc hai tiếng súng sau phiên tòa của “toà án nhân dân đặc biệt”…

Tóc còn xanh, rời khỏi làng tôi còn là chú học trò, bỗng thành kẻ tha hương. Đâu cũng là đất nước mình, đâu cũng là người Việt xung quanh mình. Nhưng có một lỗ trống to lớn trong hồn tôi. Tôi đã hơn một lần về làng, mong muốn lấp đầy chỗ trống ấy.

Làng tôi không bị giặc chiếm, không bị động đất hay núi lửa vùi dập. Nhưng không bao giờ tôi còn nghe được bản đại hợp xướng của làng nữa. Đơn giản vì mọi thứ đã đổi khác.

Những con gà công nghiệp không biết gáy, cái chuông cổ của chùa làng bị một ông buôn đồ cổ lừa thôn trưởng lấy đi mất. Một tai nạn hy hữu làm dây treo chuông nhà thờ bị đứt, cái chuông rơi xuống nền gác chuông nằm mãi đó không ai treo lên nữa, và cái dàn nhạc sĩ gia súc của thời thơ ấu, chúng vẫn còn đó.

Những con lợn vẫn bị chọc tiết, những con mèo vẫn đa tình, những con chó vẫn vu vơ sủa trăng suông. Nhưng chúng không dám ra đường vào ban đêm vì những ông chủ của chúng không muốn chúng bị kẻ gian câu trộm mất.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm