| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 01/04/2021 , 16:36 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 16:36 - 01/04/2021

Tiếng ồn lắng xuống rồi tiếng ồn lại tăng lên?

Khi người dân phản ánh đến cổng thông tin 1022 thì lực lượng nào sẽ đến hiện trường để lập biên bản vụ việc và tịch thu những cái loa kẹo kéo?

Trước vấn nạn karaoke tự phát gây bức xúc cho đời sống dân sinh, UBND TPHCM quyết định giao cho Sở Thông tin Truyền thông TPHCM chủ trì vận hành cổng thông tin 1022 để xử lý ô nhiễm tiếng ồn. Cổng thông tin 1022 nhiều năm qua cũng đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh của người dân và được sự tín nhiệm của cộng đồng. Thế nhưng, cuộc chiến chống lại những cái loa kẹo kéo lại đầy thách thức với cổng thông tin 1022.

Đại diện Sở Thông tin Truyền thông TPHCM cho biết, sắp tới sẽ phối hợp với các địa phương trên địa bàn để tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn khi phát sinh vi phạm tiếng ồn thì người dân sẽ gọi đến đâu, nhận kết quả xử lý ra sao qua cổng thông tin 1022. Tuy nhiên, dù lạc quan đến mấy, thì cũng không ai tin vấn nạn karaoke tự phát có thể được chấm dứt, nếu chỉ trông cậy vào những người điều hành cổng thông tin 1022 mà không có sự nỗ lực của chính quyền cơ sở.

UBND TPHCM trong tháng 3 vừa qua cũng đã có văn bản khẩn gửi các ban ngành về biện pháp xử lý hành vi vi phạm tiếng ồn. UBND TP.HCM chia đợt xử lý vi phạm tiếng ồn thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ 25/3 đến 30/6 toàn thành phố tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và người dân đăng ký cam kết thực hiện nghiêm  quy định pháp luật về tiếng ồn. Giai đoạn 2, sẽ thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về tiếng ồn bắt đầu từ ngày 30/6. Trong đợt cao điểm xử lý vi phạm tiếng ồn, chính quyền các cấp cùng sở, ngành liên quan sẽ thành lập các tổ công tác liên ngành nhằm xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất theo lĩnh vực phụ trách.

Với quyết tâm như vậy, những khu vực thường xuyên bị phản ánh vi phạm tiếng ồn sẽ được khoanh vùng, kiểm tra thường xuyên. Và người đứng đầu mỗi địa bàn phải chịu trách nhiệm nếu để tái diễn vi phạm tại các địa điểm đã kiểm tra, xử lý. 

Câu chuyện karaoke tự phát không phải riêng biệt tại TPHCM, mà hầu như tỉnh nào cũng đang hứng chịu hậu quả ê chề của những cái loa kẹo kéo. Chưa có văn bản pháp lý mang tính toàn quốc để làm căn cứ xử phạt người hát karaoke bất kể giờ giấc làm náo động xóm làng, nên mỗi nơi có một cách giải quyết khác nhau. Thực tế cho thấy, chỉ dừng ở việc nhắc nhở thì tiếng ồn lắng xuống rồi tiếng ồn lại tăng lên.

Ra quân rầm rộ để trấn áp phong trào karaoke tự phát, hoàn toàn không phải biện pháp có tác dụng lâu dài. Có lẽ phải có những quy định chặt chẽ và nghiêm khắc hơn. Ví dụ, tại TPHCM, khi người dân phản ánh đến cổng thông tin 1022 thì lực lượng nào sẽ đến hiện trường để lập biên bản vụ việc và ai có quyền ký quyết định tịch thu những cái loa kẹo kéo cũng như xử phạt hành chính đối tượng gây ô nhiễm tiếng ồn?

Thật trớ trêu, khi những khu vực luôn đinh tai nhức ốc vì karaoke tự phát mà vẫn được trao danh hiệu Khu phố Văn hóa, Gia đình Văn hóa.

Bình luận mới nhất