Giá tiêu tiếp tục tăng mạnh
Cuối tuần qua, sau nhiều ngày tăng liên tiếp, giá tiêu ở một số vùng trồng trọng điểm đã trở lại mốc 45.000 đồng/kg. Giá chung nằm ở mức từ 43.000-45.000 đồng/kg.
Đầu tuần này, giá tiêu tiếp tục tăng mạnh. Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), ngày 25/5, giá tiêu đã tăng thêm 1.500-2.000 đồng/kg so với trước đó ở tất cả các vùng trồng trọng điểm. Nhờ vậy, giá tiêu đầu tuần này đều đã ở mức từ 45.000 đồng/kg trở lên.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, ngày 18/5/2020, tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu tăng lần lượt 7% và 6,9% so với ngày 30/4/2020, lên mức 2.280 USD/tấn và 2.310 USD/tấn; giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 4,9%, lên mức 3.210 USD/tấn.
Cụ thể: tại Đồng Nai, giá tiêu 45.000 đồng/kg; Gia Lai 45.500 đồng/kg, Đắk Lắk 45.500 đồng/kg, Đắk Nông 45.500 đồng/kg, Bình Phước 46.000 đồng/kg. Riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, giá tiêu đã ở mức 47.000 đồng/kg.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu tăng mạnh tại một số nước trên thế giới, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc đã nâng đỡ giá hạt tiêu trong tháng 5/2020.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu cơ đã đẩy mạnh hoạt động mua vào khi giá hạt tiêu ở mức đáy cũng tác động tích cực lên thị trường hạt tiêu toàn cầu.
Xu hướng tăng giá được dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới khi nhiều nước dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, khuyến khích doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất nhằm khôi phục lại nền kinh tế.
Với tình hình thị trường như trên, nhu cầu thu mua hạt tiêu của các doanh nghiệp đang tăng mạnh, trong khi người dân hạn chế bán ra, khiến cho giá hạt tiêu trong nước tăng. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới do lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ổn định.
Giá cà phê cũng tăng liên tiếp
Trong tuần qua, giá cà phê cũng đang có xu hướng tăng lên. Đầu tuần này, giá cà phê nhân xô thấp nhất tại Lâm Đồng khi ở mức 31.200 đồng/kg, cao nhất tại Đắk Lắk với 31.600 đồng/kg. Nhìn chung giá cà phê đã tăng nhẹ khoảng 200 đồng/kg so với cuối tuần qua.
Trong tuần qua, giá cá phê đã tăng khoảng 800 đồng/kg kể từ đầu tuần đến cuối tuần. Giá cà phê trong nước tăng, có tác động không nhỏ từ sàn giao dịch cà phe Robusta London. Sàn này vừa có chuỗi 7 ngày tăng giá liên tiếp, đưa giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới vượt qua mốc 1.200 USD/tấn và chốt tại mức 1.207 USD/tấn vào cuối tuần qua.
Theo ông Nguyễn Quang Bình, một chuyên gia phân tích thị trường cà phê, đây là giá đóng cửa cao nhất trong 2 tuần trở lại đây.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Arabica trong tháng 3/2020 đạt 10,4 nghìn tấn, trị giá 24,71 triệu USD, tăng 31,9% về lượng và tăng 45,3% về trị giá so với tháng 3/2019. Tính chung trong quý I/2020, xuất khẩu cà phê Arabica đạt 26,6 nghìn tấn, trị giá 62,17 triệu USD, tăng 26,4% về lượng và tăng 39% về trị giá so với quý I/2019.
Giá cà phê Robusta tăng liên tiếp trên sàn giao dịch quốc tế, có nguyên nhân quan trọng từ sự lo ngại trước tình hình khô hạn ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam.
Bởi Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về sản xuất cà phê Robusta, mà Tây Nguyên lại chính là vùng trồng chủ lực.
Còn theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nguồn cung cà phê trong nước hạn chế, trong khi nhiều hộ trồng cà phê hạn chế bán ra khi giá thấp, cũng là một nguyên nhân khiến giá cà phê tại thị trường nội địa có xu hướng tăng kể từ đầu tháng 5/2020.
Tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trong những tháng qua, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng cà phê tại khu vực Tây Nguyên.
Việc nhiều quốc gia, thị trường dỡ bỏ giãn cách xã hội sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, cũng đã hỗ trợ ít nhiều cho việc tiêu thụ cà phê trên toàn cầu.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, giá cà phê có khả năng sẽ phục hồi trong quý III/2020, khi các biện pháp kích thích kinh tế phát huy tác dụng.