| Hotline: 0983.970.780

Tiêu thụ cà phê bùng nổ ở Trung Quốc trong năm 2023

Thứ Hai 01/01/2024 , 12:15 (GMT+7)

Nhu cầu cà phê ở Trung Quốc tăng mạnh là tín hiệu tốt cho xuất khẩu cà phê song cũng gián tiếp tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành đồ uống.

Một quán cà phê Starbucks tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: BusinessInsider.

Một quán cà phê Starbucks tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: BusinessInsider.

Giới phân tích dự đoán "cơn khát" cà phê ngày càng tăng ở Trung Quốc sẽ là động lực cho hoạt động xuất nhập khẩu cà phê trong tương lai khi không chỉ Bắc Kinh và Thượng Hải mà nhiều thành phố khác của nước này bắt đầu kinh doanh loại đồ uống này.

Nhu cầu cà phê ngày càng tăng của Trung Quốc là cơ hội cho các thương hiệu quốc tế như Starbucks và Tim Hortons đẩy mạnh đầu tư, dù phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi mở hàng loạt cửa hàng và phải cạnh tranh với các cửa hàng nội địa.

Dữ liệu từ Tổ chức Cà phê Quốc tế cho thấy lượng cà phê tiêu thụ ở Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2023 đã tăng 15% cùng kỳ năm trước, lên 3,08 triệu bao.

"Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng lối sống phương Tây và cà phê rõ ràng là một trong những đồ uống đại diện cho điều đó", Jason Yu, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cho biết.

Số lượng cửa hàng cà phê có thương hiệu ở Trung Quốc đã tăng 58% trong 12 tháng qua lên 49.691 cửa hàng, theo Alegra Group, một công ty theo dõi sự tăng trưởng của các chuỗi cà phê.

Có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các chuỗi cà phê trong nước và quốc tế, Matthew Barry, chuyên gia phân tích của Euromonitor, cho biết. "Các bên đang cố gắng giành lấy thị phần nhiều nhất có thể ở thị trường đang phát triển này", ông nói.

Tập đoàn Alegra ước tính chuỗi cà phê Luckin Coffee của Trung Quốc đã mở thêm 5.059 cửa hàng trong 12 tháng qua, trong khi một chuỗi khác của Trung Quốc, Cotti Coffee, đã mở thêm 6.004 cửa hàng trong cùng kỳ.

Một cửa hàng Luckin Coffee, một trong những thương hiệu cà phê lớn nhất Trung Quốc, ở Bắc Kinh. Ảnh: ChinaDaily.

Một cửa hàng Luckin Coffee, một trong những thương hiệu cà phê lớn nhất Trung Quốc, ở Bắc Kinh. Ảnh: ChinaDaily.

"Với quy mô thị trường như vậy, các chuỗi cà phê trong nước và quốc tế sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với nhau và tôi nghĩ rằng điều đó sẽ khiến thị trường vô cùng sôi động trong vài năm tới", ông Barry nói.

Chuỗi cà phê Starbucks của Mỹ đã mở 700 cửa hàng ở Trung Quốc trong năm vừa qua và cho biết sẽ mở đến 9.000 cửa hàng ở nước này vào năm 2025, trong khi chuỗi cà phê Tim Hortons của Canada có kế hoạch mở 3.000 cửa hàng ở nước này trong 4 năm tới.

Việc mở thêm hàng loạt cửa hàng cà phê đang diễn ra ở các thành phố nhỏ hơn của Trung Quốc, nơi có hàng triệu cư dân sinh sống, Jason Yu nói. "Vì vậy, về cơ bản điều, đó có nghĩa là vẫn còn nhiều dư địa cho các chuỗi cà phê phát triển", ông nói.

Triệu Tử Khê, một sinh viên Bắc Kinh 20 tuổi, cho biết anh uống cà phê mỗi ngày. "Tôi bắt đầu uống cà phê từ khi đi học đại học. Tôi không thích uống trà như bố, mẹ và bà của tôi", Tử Khê Triệu cho biết. Triệu Nhược Huyên, sinh viên 19 tuổi từ Bắc Kinh, cho rằng uống cà phê là một phần trong lối sống của những người trẻ tuổi ở Trung Quốc.

Đây là tín hiệu tích cực cho các nhà sản xuất cà phê vốn được hưởng lợi từ việc giá mặt hàng này tăng cao do thời tiết bất lợi ở một số vùng trồng. Giá cà phê Arabica kỳ hạn hiện giao dịch gần mức cao nhất trong 8 tháng qua, trong khi cà phê Robusta đạt mức cao nhất trong 15 năm hồi tuần trước.

Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu cà phê từ châu Phi và Nam Mỹ.

Tập đoàn xuất khẩu cà phê Cecafe của Brazil cho biết những lô hàng xuất sang Trung Quốc tăng gần gấp ba lần trong năm 2023, lần đầu tiên vượt 1 triệu bao, đưa Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 8.

Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính Trung Quốc sẽ tiêu thụ 5 triệu bao cà phê trong niên vụ 2023 - 2024, đưa nước này trở thành quốc gia tiêu thụ cà phê lớn thứ 7 thế giới.

Lượng cà phê tiêu thụ của Trung Quốc là tương đối thấp khi so sánh với Mỹ và Brazil, tiêu thụ hơn 20 triệu bao/năm. Tuy nhiên, nhu cầu cà phê ngày càng tăng cho thấy Trung Quốc đang đứng trước một sự thay đổi văn hóa tương tự nhiều nước châu Á ưa chuộng trà khác như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.