| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp đối phó với hạn hán và thiếu nước

Thứ Năm 18/07/2019 , 19:27 (GMT+7)

Chiều 18/7, Tổng cục Thủy lợi đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến vấn đề hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trong thời gian vừa qua.

Theo Sở NN-PTNN tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu tháng 6/2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh này xảy ra nắng nóng gay gắt, kéo dài bên cạnh đó lượng mưa ít nên dòng chảy cơ bản trên các sông chỉ bằng khoảng 70% so với trung bình nhiều năm.

Nhiều diện tích lúa ở Quảng Ngãi thiếu nước do hạn hán kéo dài.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 123 hồ chứa nước thủy lợi nhưng đến hiện tại lượng nước trong hồ chỉ còn khoảng 17% so với thiết kế. Trong đó có 54 hồ dưới mực nước chết. Xác định được trình trạng thiếu nước sản xuất sẽ diễn ra trong vụ HT năm nay, nên từ đầu vụ, các địa phương trên toàn tỉnh đã để trắng 1.152ha không sản xuất tập trung ở huyện Đức Phổ (500ha), Bình Sơn (220ha)...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo cho UBND các huyện, TP, Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi của tỉnh tập trung chủ động thực hiện các biện pháp chống hạn ngay từ đầu vụ HT. Ngoài các biện pháp phi công trình như nâng cao ý thức tiết kiệm nước thì các biện pháp công trình cần được triển khai ngay là chống rò rỉ thất thoát nước, nạo vét kênh mương, bơm từ các sông suối còn có nước…

Các hồ chứa ở Quảng Ngãi mực nước chỉ còn khoảng 17% so với thiết kế.

“Mặc dù vậy, do nắng nóng liên tục nên lúc vào vụ, nhiều diện tích sản xuất lúa tại Quảng Ngãi cũng bị thiếu nước. Hiện nay diện tích thiếu nước trên toàn tỉnh là 3.000ha, dự kiến kéo lên đến trên 13.000ha, trong đó diện tích lúa khoảng 6.000 – 7.000ha”, ông Nguyễn Mậu Văn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết.

Cũng theo ông Văn, hạn hán cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân trong tỉnh. Theo thống kê của các huyện, TP trên địa bàn, toàn tỉnh Quảng Ngãi đang có khoảng 1.600 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Lý Sơn.

“Nhằm đối phó với hạn hạn và thiếu nước, một số địa phương cũng đã khoan giếng để cấp nước sinh hoạt cho dân. Việc này đòi hỏi kinh phí tương đối lớn nên tỉnh cũng đã báo cáo và trình Thủ tướng chính phủ xem xét hỗ trợ cho tỉnh 150 tỷ. Trong thời gian chờ ý kiến trả lời của các Bộ, ngành Trung ương về đề nghị này thì tỉnh cũng đã chỉ đạo cho UBND các huyện, TP chủ động sử dụng dự phòng ngân sách để thực hiện các biện pháp chống hạn”, ông Văn thông tin thêm.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi.

Qua khảo sát tình hình hạn hán tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đánh giá cao sự tích cực của địa phương trong công tác chống hạn, giảm được thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lượng mưa thiếu hụt rất nhiều và nắng nóng liên tục trên diện rộng nên mực nước trên các hồ chứa giảm nhanh.

Theo ông Tỉnh thì hạn tập trung ở 2 đối tượng là những vùng không có công trình thủy lợi và những vùng có công trình thủy lợi nhỏ. Trước tình hình đó, ông Tĩnh để nghị các địa phương cần tập trung các biện pháp: Tiếp tục lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm nước ở hệ thống sông suối, ao kể cả các hồ chứa nước; tiếp tục nạo vét hệ thống kênh mương, đào ao, giếng để tăng thêm nguồn nước.

Đối với nước sinh hoạt, ở những vùng có công trình nước sinh hoạt thì phải kéo dài đường ống, chở nước đến dân nơi thiếu nước.

“Về lâu dài, chúng tôi đề nghị các địa phương chỉ đạo quyết liệt để hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân tuyệt đối không gieo trồng ở những nơi không đảm bảo nguồn nước và phải cương quyết, chủ động chuyển đổi những vùng trồng lúa hiện nay mà nguồn nước không đảm bảo chuyển sang những loại cây trồng cạn có giá trị và sử dụng nguồn nước ít hơn”, ông Tỉnh nhấn mạnh.   

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.