| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp "nội tiêu" mủ cao su

Thứ Ba 26/08/2014 , 09:50 (GMT+7)

Nhiều giải pháp về thuế, vốn vay, chính sách phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm cao su… đã được đặt ra tại hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ cao su nguyên liệu trong nước mới diễn ra tại TP.HCM.

CHẾ BIẾN SÂU, GIÁ TRỊ TĂNG 8 – 20 LẦN

Ông Nguyễn Trọng Thừa – Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) cho biết: Mỗi năm VN sản xuất ra cả triệu tấn mủ cao su, nhưng lượng hàng dùng chế biến sản phẩm cao su công nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 16 – 18% tổng sản lượng (chế biến thành săm lốp, găng tay, linh kiện kỹ thuật, đế giày, băng tải, nệm gối, sợi chỉ thun…); trên 80% còn lại là XK thô giá trị thấp.

Điều đáng nói, giá cao su XK của VN thường thấp hơn so với giá bán cùng chủng loại của các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Nguyên nhân chính do chất lượng không ổn định, không đồng đều, nhiều lô hàng không có giấy kiểm định chất lượng, chủ yếu ở bộ phận cao su tiểu điền.

Bà Nguyễn Thanh Loan, đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cũng nêu nghịch lý: Hiện trong nước chưa sản xuất được một loại cao su tổng hợp nào, loại nguyên liệu này phải nhập khẩu hoàn toàn từ các nước có cơ sở công nghiệp hóa dầu. Đối với sản phẩm cao su kỹ thuật, do đặc thù phức tạp về chủng loại sản phẩm và công nghệ sản xuất nên ít DN chịu đầu tư sản xuất.

Nguy hiểm nữa, giao dịch mua bán nguyên liệu và sản phẩm cao su sơ chế hiện nay ở VN chủ yếu thông qua thỏa thuận và hợp đồng mua bán, không có sàn giao dịch đấu giá nên dẫn tới thiếu tính minh bạch và xảy ra hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI.

Cùng với những bất cập trên, tình hình giá cao su tụt dốc không phanh đang khiến ngành cao su VN gặp khó.

Ông Thừa khẳng định: “Với giá bán cao su rất thấp như hiện nay thì chỉ hòa vốn, vun vén khéo may ra lấy công làm lời chút đỉnh. Vì thế, chúng ta buộc phải tính toán lại cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu mới hạn chế được khó khăn. Tôi được biết, nhiều nước đã tạo giá trị gia tăng cho cao su chế biến sâu từ 8 – 10 lần, đặc biệt cao su kỹ thuật thì giá trị tăng có thể lên tới 18 – 20 lần”.

ĐỊNH VỊ CÔNG NGHIỆP CAO SU VN LÀ GÌ?

Theo ông Trần Ngọc Thuận – Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN (VRG), ai cũng biết phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm cao su sẽ tạo giá trị gia tăng rất lớn. Vấn đề là chúng ta phải định vị được sản phẩm công nghiệp cao su của VN là gì?

“Tôi đơn cử, hiện có khoảng 5 – 6 thương hiệu lốp xe nổi tiếng đang chiếm gần 90% thị phần toàn cầu; hơn 10% còn lại chia đều cho hàng nghìn thương hiệu nhỏ khác của hàng trăm nước. Vậy VN giờ cũng đẩy mạnh phát triển sản xuất lốp xe thì chắc chắn sẽ khó khăn vì thương hiệu và thị trường không có!”.

Để giải quyết vấn đề này, giải pháp tốt nhất là có chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính, có thương hiệu và thị phần lớn trong ngành chế biến sâu sản phẩm cao su vào VN.

Đồng thời, Chính phủ đứng ra chủ trì định vị sản phẩm công nghiệp cao su VN, từ đó tập trung đẩy mạnh phát triển thì mới mong đạt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 35 – 40% nguyên liệu cao su được chế biến sâu.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng là thời điểm để VN thực hiện tái cơ cấu ngành cao su một cách toàn diện.

Muốn thế, trước hết phải giải quyết các câu hỏi như: Chính sách với ngành cao su có gì bất cập không? Cơ cấu sản phẩm cao su của VN có còn phù hợp? Các DN sơ chế cao su VN có “gặp” được nhà tiêu thụ hay không?...

Ông Thuận nêu ví dụ: Trước đây khi giá cao su cao, nhà tiêu thụ cao su phải đến cầu cạnh dẫn đến hiện tượng DN sơ chế thích sản xuất mặt hàng gì đều bán được. Giờ ngược lại, giá tụt dốc, các DN sơ chế cao su VN muốn bán hàng thì buộc phải thay đổi cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của họ.

Từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng các cơ sở sản xuất hiện có lên 15 triệu lốp ô tô các loại/năm; đầu tư mở rộng sản xuất cao su kỹ thuật tại các nhà máy hiện có và xây dựng mới các nhà máy sản xuất băng tải 700.000 m2/năm và dây curoa 1,0 triệu mét/năm; các sản phẩm găng tay, ống dẫn với tổng công suất 10.000 tấn/năm.
Đến năm 2030 duy trì sản xuất và đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất băng tải 1,0 triệu m2/năm và dây curoa 2,0 triệu mét/năm với công nghệ hiện đại. (Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất VN đến năm 2020, có tính đến năm 2030)

Ngoài ra, Tổng giám đốc VRG đề nghị cần có chính sách kiểm soát mặt hàng XK hiệu quả hơn, vì hiện có tới 2/3 sản lượng cao su không thuộc VRG đang bán ra thế giới chưa kiểm soát tốt chất lượng. Đây là thực tế rất nguy hiểm, nhiều nhà nhập khẩu đã phản ứng mạnh và về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu cao su VN.

Ông Thuận cũng đề xuất thành lập Tổng cục Cao su VN giống như 3 nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia để quản lý thống nhất từ khâu trồng trọt, đến chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.

SẼ CÓ “BỘ GIẢI PHÁP” CHO CAO SU

Ông Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, thực hiện chủ trương lâu dài của Bộ NN-PTNT là kiên trì phát triển ngành cao su bền vững, việc phát triển thị trường trong nước là một trong những mục tiêu trọng yếu để thực hiện tái cơ cấu ngành cao su theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Vì thế, sắp tới Bộ sẽ có những giải pháp và kiến nghị thực hiện cho ngành cao su một cách tổng thể như quy hoạch; phát triển chế biến sản phẩm sơ chế và công nghiệp; giải pháp về thuế, thị trường, đầu tư, nghiên cứu, đào tạo, khuyến nông và khuyến công.

Trong đó, giải pháp được ưu tiên kiến nghị là ưu đãi thuế nhập khẩu đối với những loại nguyên liệu, máy móc, thiết bị chưa sản xuất được, để phục vụ chế biến sâu sản phẩm cao su.

Ưu đãi thuế đối với các loại cao su thiên nhiên sơ chế sử dụng chế biến cao su công nghiệp trong nước. Đồng thời tiếp tục duy trì chương trình kích cầu, hỗ trợ lãi suất, giảm thuế thu nhập và tạo điều kiện cho các DN chế biến cao su công nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay.

Tăng cường xúc tiến thương mại và ban hành các chính sách đặc thù để thu hút các đối tác nước ngoài có sẵn thương hiệu mạnh, thị trường và nguồn vốn lớn nhằm liên doanh, liên kết đầu tư sản xuất lốp xe, băng tải, ống cao su… tại VN.

Bà Nguyễn Thanh Loan, đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất VN đến năm 2020, có tính đến năm 2030, trong đó có nhóm sản phẩm cao su.

Xem thêm
Nhập cherry hữu cơ New Zealand phục vụ thị trường Tết

TP.HCM Ngày 9/1, tại Lãnh sự quán New Zealand tại TP.HCM diễn ra lễ ký kết MOU giữa Klever Fruit và RD8 về việc phát triển cherry hữu cơ New Zealand tại Việt Nam.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Phú Mỹ dành 8 tỷ đồng cho chương trình 'Xuân yêu thương, Tết sẻ chia'

Tổng Công ty Phân bón & Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - Phú Mỹ) đã dành 8 tỷ đồng mang ‘Xuân yêu thương, Tết sẻ chia’ đến những hoàn cảnh khó khăn nhiều tỉnh, thành.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.