| Hotline: 0983.970.780

Gặp lại lão nông chế tạo máy hỗ trợ thở: Nuối tiếc

Thứ Sáu 03/04/2020 , 14:28 (GMT+7)

Tình hình chống Covid -19 hiện nay rất cần đến máy hỗ trợ thở, lại nhớ đến sáng chế máy trợ thở của lão nông xứ chè Thái Nguyên ngày nào.

Giảm nhiệt huyết

Tháng 10/2016, Báo NNVN có bài viết phản ánh việc ông Nguyễn Hữu Mùi (phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã chế tạo thành công máy trợ thở và đưa vào điều trị cho một số trường hợp bệnh nhân.

Ông Nguyễn Hữu Mùi bên dụng cụ trợ thở do ông chế tạo. Ảnh: Phạm Ngọc Chuẩn.

Ông Nguyễn Hữu Mùi bên dụng cụ trợ thở do ông chế tạo. Ảnh: Phạm Ngọc Chuẩn.

PV NNVN tìm gặp lại ông với mong muốn tìm hiểu về sức sống của những cỗ máy ông đã chế tạo và mức độ áp dụng sáng chế của người nông dân này.

Ông Mùi năm nay đã 63 tuổi. Nghe phóng viên trình bày nguyện vọng, ông vào đề, có vài yếu tố giúp ông thành công khi ra lò chiếc máy đầu tiên vào năm 2011.

Đó chính là những kinh nghiệm được tiếp cận với hệ thống máy móc của khối VACSAVA khi còn làm công nhân xưởng cơ điện ở Bungari.

Năm 1991, khi về quê làm cơ khí tại nhà, ông lại mày mò, cải tiến các chi tiết, nâng cao năng suất của nông cụ sản xuất cho bà con địa phương.

Khi thấy những bất lợi của việc bóp bóng trợ thở thủ công đối với người thân thì ông nghĩ ra việc mình có thể chế tạo một chiếc máy trợ thở. Chỉ vậy là thành sáng chế.

Không nhớ cụ thể, ông Mùi cho biết, ông sản xuất tất cả khoảng trên 10 chiếc máy trợ thở và chủ yếu là bán rẻ cho người thân với giá từ 4 - 5 triệu đồng mỗi chiếc.

Những người mua máy đều khẳng định máy đã hỗ trợ rất nhiều trong việc thay người chăm sóc để bóp bóng trợ thở cho bệnh nhân. Nếu bây giờ làm ra một chiếc máy như vậy thì giá phải 7 - 8 triệu đồng.

Hiện trong nhà ông không còn chiếc máy trợ thở nào nhưng ông lắc đầu quả quyết sẽ không làm nữa. Ông lý giải, liên quan đến sinh mạng con người mà bây giờ mình mắt mờ, chân chậm, sức khỏe yếu nên thôi, không làm nữa.

Vậy ông có đồng ý chuyển giao công nghệ, kỹ thuật để sản xuất? Ông Mùi cho rằng, nguyên lý của chiếc máy trợ thở mà ông chế tạo không hề phức tạp, chỉ là bóp bóng đơn giản thôi.

Tiếc nuối

Những năm ấy, ông Mùi kể, có một hội đồng nào đó tới gặp ông với mục đích như là kiểm tra tính hữu dụng của cỗ máy do ông chế tạo. Biết được những chi tiết để ông Mùi sáng chế ra dụng cụ trợ thở đều được ông đi tìm mua ở nhiều nơi. Thậm chí, có chi tiết được mua ở chợ phế liệu.

Đặc biệt, khi thấy nhà xưởng tuềnh toàng với chủ yếu là các nông cụ cơ khí như máy xao vò chè, dụng cụ cầm tay sản xuất nông nghiệp... thì họ không còn mặn mà nữa.

Ông Mùi tỏ ý tiếc nuối bởi không có đối tác hay cơ quan đỡ đầu để phát triển thành quả đứa con sáng tạo của mình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông Mùi tỏ ý tiếc nuối bởi không có đối tác hay cơ quan đỡ đầu để phát triển thành quả đứa con sáng tạo của mình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông Mùi cũng đã thử tìm đến việc thực hiện các thủ tục để được đăng ký bản quyền, cấp bằng sáng chế nhưng yêu cầu lại quá ngặt. Những đòi hỏi vượt tầm đối với một công nhân cơ khí khiến ông buộc phải quay đầu.

Ông không phải nhà khoa học, không phải kỹ sư chế tạo, lại càng không chờ cậy dự án, ngân sách Nhà nước cấp để đầu tư cho “công trình nghiên cứu khoa học”.

Với ông, việc chế tạo ra dụng cụ trợ thở chỉ đơn giản là đam mê sáng tạo. Đó là sáng tạo trong thực tiễn lao động, phản ánh trực quan sinh động của người lao động chứ đâu phải nhà nghiên cứu mà tô, mà vẽ thành tổ hợp, thành cấu hình phức tạp để làm thủ tục cho được.

Ông Mùi cũng tỏ ý tiếc nuối bởi không có đối tác hay cơ quan đỡ đầu để phát triển thành quả đứa con sáng tạo của mình. Ông cho biết, chỉ cần một người là có thể sách chiếc máy của ông luồn lách khắp nơi, đến với những ai cần nó.

Ông Mùi giờ đã bỏ xưởng cơ khí. "Công việc của mình bây giờ là chăn nuôi và trông cháu cho khuây khỏa", ông nói.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất