Ngoại trưởng Mỹ đã đưa ra phát biểu trên khi tham gia podcast 'The Interview' của tờ New York Times, được phát sóng hôm 4/1. Theo ông Blinken, Mỹ nhận thấy cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine "sắp xảy ra" và muốn Kiev "chuẩn bị" trước cho điều này.
"Bắt đầu từ tháng 9 và sau đó một nỗ lực khác vào tháng 12, chúng tôi lặng lẽ đưa rất nhiều vũ khí đến Ukraine để đảm bảo rằng họ có trong tay những gì họ cần để tự vệ, những thứ như tên lửa Stinger và Javelin", ông nói.
Ông Blinken khẳng định những vũ khí này đã được chứng minh là "công cụ hiệu quả" trong việc "ngăn chặn Nga chiếm Kiev", cũng như "lật đổ và xóa đất nước này khỏi bản đồ".
Tuy nhiên, ý định của Ngoại trưởng Mỹ trái ngược hoàn toàn với các mục tiêu của chiến dịch quân sự được giới lãnh đạo Nga nhiều lần nêu rõ. Các mục tiêu ban đầu bao gồm phi quân sự hóa Ukraine, cũng như buộc Kiev duy trì trạng thái trung lập và từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO.
Theo thời gian, những yêu cầu của Moscow đã tăng thêm sau khi sáp nhập 4 khu vực trước đây của Ukraine là Kherson và Zaporozhye, cũng như Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, vào Nga. Moscow đã nhiều lần nói rằng bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào với Kiev sẽ yêu cầu họ chấp nhận "thực tế trên thực địa", cũng như rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mới của Nga.
Phát biểu của ông Blinken đã hứng phải sự chỉ trích từ Moscow. Rodion Miroshnik, một nhà ngoại giao cấp cao của Nga, cho rằng những tiết lộ này phần nào làm suy yếu cáo buộc về "sự xâm lược vô cớ của Nga".
"Bơm vũ khí cho Ukraine để tấn công Donbass và Nga, đó không phải là cái cớ cho chiến dịch quân sự đặc biệt sao?", ông Miroshnik cho biết trong một bài đăng trên Telegram.