Trong cuộc trò chuyện kéo dài 3 giờ được công bố hôm 5/1, podcaster Fridman đề cập rằng ông có một "giấc mơ" rằng nhà lãnh đạo Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump "ngồi cùng nhau trong một căn phòng và đàm phán hòa bình". Ông Fridman đã hỏi về những đảm bảo an ninh nào có thể làm hài lòng cả Ukraine và Nga, khiến ông Zelensky kể lại việc các "đối tác an ninh" của phương Tây đã phản bội Ukraine trong quá khứ như thế nào.
"Ukraine từng được đảm bảo an ninh. Bản ghi nhớ Budapest, vũ khí hạt nhân là sự đảm bảo an ninh mà Ukraine từng có. Ukraine từng sở hữu vũ khí hạt nhân. Tôi không muốn nói điều này là tốt hay xấu. Hiện nay, việc chúng tôi không sở hữu loại vũ khí này là điều tồi tệ", ông Zelensky nói.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, khoảng 1.700 đầu đạn hạt nhân đã được để lại trên lãnh thổ Ukraine. Mặc dù kho dự trữ này về mặt kỹ thuật đã khiến Ukraine trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ 3 thế giới, nhưng bản thân các vũ khí này luôn nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Chính phủ hiện tại ở Kiev đã nhiều lần tuyên bố rằng Ukraine đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân "của mình" theo Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Nga, Anh và Mỹ.
"Bản ghi nhớ Budapest, vũ khí hạt nhân, đó là những gì chúng tôi từng sở hữu. Ukraine đã giữ chúng như một biện pháp phòng vệ. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ sử dụng chúng. Chúng tôi từng nắm giữ cơ hội đó. Đó là những đảm bảo an ninh của chúng tôi", ông Zelensky nói.
Nhà lãnh đạo Ukraine tiếp tục chỉ trích Mỹ, Anh và các cường quốc hạt nhân khác vì đã phớt lờ những lời kêu gọi của Kiev về việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine.
"Họ không quan tâm. Nga đã không làm bất kỳ một điều gì, tất cả các quốc gia khác từng hứa sẽ đảm bảo an ninh cho chúng tôi cũng vậy... Không ai quan tâm đến đất nước này", ông Zelensky nói.
Ông Zelensky đã nhiều lần cáo buộc Moscow vi phạm Bản ghi nhớ Budapest và bày tỏ sự hối tiếc về việc đất nước của ông đã từ bỏ vũ khí hạt nhân. Hồi đầu năm 2022, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, ông tuyên bố rằng Kiev có "mọi quyền" để đảo ngược quyết định trước đó. Vào tháng 10/2024, nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố rằng ông chỉ có 2 lựa chọn để đảm bảo an ninh quốc gia: gia nhập NATO hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Nga đã lập luận rằng Ukraine chưa từng sở hữu bất kỳ vũ khí hạt nhân nào ngay từ đầu, vì tài sản của Liên Xô thuộc về Moscow một cách hợp pháp. Theo ông Putin, các quan chức Nga cũng nhiều lần tuyên bố rằng tài liệu năm 1994 đã bị phá hoại bởi sự mở rộng về phía đông của NATO, đe dọa đến các lợi ích an ninh quan trọng của Moscow, và chính Mỹ đã chà đạp nó bằng cách tài trợ cho cuộc đảo chính Maidan ở Kiev năm 2014.