| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 13/02/2020 , 09:22 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 09:22 - 13/02/2020

Tin tưởng sức mua của thị trường nội địa

Thực chất, trái cây Việt Nam không cần đến những cuộc giải cứu bất thường, nếu vận hành hiệu quả thị trường nội địa.

Chế biến thanh long xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chế biến thanh long xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong khó khăn chung của cộng đồng đang đối phó virus Corona, thì nhiều mặt hàng nông sản cũng gặp khó khăn trên đường xuất khẩu.

Hiện nay, phần lớn sản lượng trái cây đều tập trung cung ứng cho thị trường Trung Quốc. Do đó, khi nước bạn tạm ngưng hoặc hạn chế nhập khẩu, thì trái cây Việt Nam lại trở thành bài toán rắc rối.

Giải cứu nông sản! Không phải một khẩu hiệu thú vị. Bởi lẽ, mỗi lần khẩu hiệu ấy vang lên thì kéo theo tiếng thở dài của hàng triệu người Việt Nam vẫn đang hăng hái với khát vọng hội nhập và phát triển.

Mặt khác, khi đã dùng đến khái niệm giải cứu, nghĩa là phải cầu cạnh đến sự độ lượng và sự hàm ơn. Thực chất, trái cây Việt Nam không cần đến những cuộc giải cứu bất thường, nếu vận hành hiệu quả thị trường nội địa.

Đành rằng giá trị xuất khẩu của trái cây sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn, nhưng sức mua trong nước đã được khai thác triệt để chưa? Chắc chắn chưa! Ngay thời điểm nCoV hoành hành, thì sản lượng trái cây Việt Nam cũng chưa đáp ứng đầy đủ kho hàng của hệ thống siêu thị và các chợ đầu mối.

Và cũng phải thừa nhận một thực tế đáng ái ngại là đôi khi khẩu hiệu giải cứu nông sản bị thương lái lạm dụng để chèn ép người trồng trọt. Thật oái oăm nếu xảy ra nghịch lý, giá thu mua tại vườn bị đưa xuống thấp nhất, mà thị trường nội địa vẫn khan hiếm trái cây Việt Nam.

Trong quá trình giao thương sôi động, trái cây của những quốc gia khác đã đổ về Việt Nam càng ngày càng đa dạng. Chỉ tính hai mặt hàng táo và nho, đã có hàng chục loại của Mỹ, Pháp, Nam Phi, Úc, Hàn Quốc, New Zealand… xuất hiện choáng ngợp trước mắt người tiêu dùng Việt Nam. Chúng ta không có sản phẩm để cạnh tranh với những mặt hàng thuộc thế mạnh của họ, nhưng trái cây nhiệt đới đặc trưng Việt Nam vẫn có chỗ đứng riêng đối với tiêu chí thụ hưởng của người Việt Nam.

Đại diện siêu thị Vinmart cho biết, mỗi tuần đơn vị này cần 60 tấn dưa hấu để tiêu thụ, nhưng không có nguồn cung cấp. Vậy, dưa hấu tồn đọng ở đâu, để nhiều người sốt ruột giải cứu nông sản? Phải chăng, trong quan hệ ba bên giữa người trồng trọt, người phân phối và người tiêu dùng đang bị chi phối bởi các đối tượng trung gian thiếu thiện chí? Chỉ cần gỡ được nút thắt kia, sức mua của người Việt Nam sẽ góp phần ổn định thị trường trái cây Việt Nam.

Không riêng mùa dịch bệnh, mà điệp khúc giải cứu nông sản vẫn thỉnh thoảng rúng động tâm can xã hội vào những ngày tháng bình thường mỗi năm. Xuất khẩu là một con đường hanh thông của trái cây Việt Nam, chứ không phải con đường duy nhất cho thị trường trái cây Việt Nam. Phải tin tưởng vào sức mua nội địa, dù Việt Nam chưa có được ngành công nghiệp chế biến như mong đợi.

Người trồng trọt chắc chắn sẽ yên tâm gắn bó với trái cây Việt Nam, mà không đoái hoài nỗi ám ảnh “mất mùa - được giá, được mùa - mất giá” khi thiết lập một cách bài bản các đầu mối thu mua cơ sở và kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch!

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm