Kể từ khi trận hạn lịch sử diễn ra vào năm 2016, người dân ở Bình Phước có khả năng phải chịu nhiều thiệt hại tương tự trong mùa khô hạn năm nay.
Khắp các vùng nông thôn trong tỉnh, đến đâu cũng bắt gặp cảnh đồng khô, hồ cạn, nhiều diện tích cây công nghiệp và gia súc lay lắt chờ nước tưới.
Giọt nước “nghĩa tình”
Thôn Bù La, xã Bù Gia Mập là một thôn đồng bào đặc biệt khó khăn của huyện Bù Gia Mập, đời sống của bà con nhân dân còn nhiều thiếu thốn, nhất là thiếu nước sinh hoạt. Theo tìm hiểu cứ 3 hộ gia đình thì có một giếng nước dùng chung, còn con suối gần nhất cũng nằm cách thôn đến 2 km, đường đi gập ghềnh, hiểm trở.
Nhiều bà con cho biết, cứ đến cuối tháng 12 là toàn bộ giếng đào trong khu vực cạn đáy, may ra nhà nào có giếng khoan còn cầm cự được. Trái với mọi năm, bà con phải kéo nhau xuống suối tắm giặt, tranh nhau lấy nước sinh hoạt.
Năm nay, nhờ 2 nhà máy nước trên địa bàn xã đi vào hoạt động, toàn bộ những nhà gần đường đã có nước vào tận hiên. Đối với bà con ở xa, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền nhà nào có nước san sẻ cho nhà hết nước. Do đó thời điểm này bà con rất yên tâm lao động sản xuất.
Trong những ngày nắng hạn này, có dịp về thôn Bù La, chúng tôi được bà con nơi đây kể nhiều về câu chuyện những giọt nước nghĩa tình trong nắng hạn.
Chúng tôi có mặt tại nhà anh Điểu Điết vào lúc giữa trưa hè oi ả. Mặc dù từ tháng 1/2020, nước sinh hoạt đã về thôn nhưng chúng tôi vẫn chứng kiến cảnh người dân trong thôn đem gàu, xô, thùng đến giếng nhà ông Điểu Điết để lấy nước về dùng.
Vừa lấy thùng hứng nước, chị Điểu Lanh vui vẻ chia sẻ: “Bà con nơi đây nghèo lắm, cái bụng còn chưa no sao có thể lo nguồn nước. Cả thôn có chưa tới 30 cái giếng nhưng giếng nào cũng cạn, mọi năm bà con xuống con suối lấy nước nhưng cũng rất hạn hẹp, nước vừa bẩn lại vừa xa. Trong tình cảnh này, được anh Điết chia sẻ nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, chúng tôi vui lắm!”.
Cùng chung niềm vui với chị Lanh, anh Điểu Dốt ở gần đó phấn khởi nói: “Không có giếng của anh Điết, người dân chúng tôi khổ sở lắm. Để có nước dùng bà con phải mua nước khoáng 10.000 đồng/bình để sử dụng.
Bà con ở đây toàn làm thuê, mướn, nhà nào không có tiền là chỉ dám mua nước để nấu ăn, còn tắm giạt nhiều khi ở dơ cả 10 ngày. Có nước từ nhà anh Điết nên đồ ăn thức uống được rửa kỹ, áo quần giặt giũ tại nhà, con cái cũng được tắm rửa sạch sẽ hơn, sức khỏe gia đình được đảm bảo nên mình mừng lắm!”
Bộ đội chở nước cho dân
Tại huyện biên giới Bù Đốp, mặc dù đang tất bật đối phó với dịch Covid-19 nhưng liên tục những ngày qua, các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn đã và đang tiến hành cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân thiếu nước. Mỗi ngày có 2 - 3 chuyến xe chở nước với trên 1.000 lít nước được các cán bộ, chiến sĩ chuyển về.
Già làng Điểu Keng ấp Bù Tam, xã Phước Thiện cho biết: “Sóc mình hết nước nửa tháng nay rồi, giếng cạn khô, cây lúa, cây tiêu chết nhiều. Bộ đội cấp nước sinh hoạt, không thể cấp nước tưới nhưng vậy là quý lắm, vui lắm”.
Còn tại xã Đắc Á, huyện Bù Gia Mập, không chỉ cung cấp nguồn nước cho người dân, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng còn thường xuyên đến nhà các hộ dân kiểm tra các giếng nước, đường ống dẫn nước sinh hoạt từ các trạm cấp nước tập chung để đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương.
Đại úy Trần Văn Thành, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bù Gia Mập, cho biết: Hiện tại, đơn vị cũng đang rơi vào tình trạng thiếu nước sạch để sử dụng.
Nhưng hơn 3 tháng qua, đơn vị đã duy trì từ 2 đến 3 đồng chí phối hợp với Đoàn kinh tế quốc phòng 778, Quân khu 7 tổ chức vận chuyển, cung cấp nước sạch cho nhân dân sử dụng và sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi có mưa, dân tự đảm bảo được nguồn nước.
Ngoài ra, đơn vị cũng cử cán bộ tìm hiểu và vận động các hộ gia đình có nguồn nước dồi dào chia sẻ cho những gia đình khác...
Những giọt nước nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã làm cho tình quân dân ngày càng thắt chặt và phần nào làm dịu mát không khí ngột ngạt, khô khốc mùa khô hạn năm nay.